Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Đẩy mạnh phát triển thẻ tín dụng nội địa Việt Nam” tổ chức sáng nay tại Hà Nội.
Ông Lê Thanh Hà, Trưởng tiểu ban Rủi ro, Hội Thẻ Việt Nam cảnh báo một số thủ đoạn lừa đảo phổ biến như: Giả danh nhân viên ngân hàng gọi điện cho khách hàng với lý do hỗ trợ kiểm tra giao dịch; Giả danh nhân viên một trang thương mại điện tử nổi tiếng yêu cầu khách hàng cung cấp OTP để hủy giao dịch gian lận không có thật
Trường hợp khác, kẻ gian tiếp cận, chào mời khách hàng rút tiền mặt từ thẻ tín dụng, dễ dàng đáo hạn hàng tháng hoặc chuyển trả góp với phí, lãi suất thấp hơn để lôi kéo và đề nghị khách hàng cung cấp thông tin thẻ;
Ông Hà cảnh báo, còn có trường hợp kẻ gian giả mạo lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan chức năng như: Bộ Y tế,… gửi thư điện tử chỉ đạo, hướng dẫn công tác phòng chống dịch hoặc thông báo tài khoản của khách hàng có dấu hiệu hoạt động bất thường và hướng dẫn khách hàng cung cấp thông tin thẻ, mã OTP…;
Người dùng thẻ tín dụng cần đề phòng việc kẻ gian mạo danh nhân viên nhà mạng liên hệ và đề nghị hỗ trợ chuyển đổi sim 3G thành sim 4G qua điện thoại. Khi khách hàng làm theo hướng dẫn, đối tượng lừa đảo sẽ chiếm đoạt được quyền sử dụng số điện thoại, sau đó sử dụng các thông tin cá nhân và số điện thoại di động của khách hàng liên hệ nhà mạng để yêu cầu thay thế SIM, khi đó đối tượng tội phạm nhận được tất cả thông báo về giao dịch thẻ, bao gồm cả OTP;
Bên cạnh đó, thủ đoạn lừa đảo phổ biến thời gian qua còn có thư điện tử hoặc tin nhắn giả mạo ngân hàng (thư điện tử có chứa tên ngân hàng và chữ ký điện tử của nhân viên ngân hàng).
Thư thông báo có chứa các đường link giả mạo, mã độc,… và yêu cầu khách hàng xác nhận giao dịch bằng cách nhập các thông tin thẻ, sau đó sẽ chiếm đoạt các thông tin thẻ của khách hàng để thực hiện các giao dịch gian lận.
Ông Hà khuyến nghị, với giao dịch trực tuyến, người dùng chỉ nên giao dịch tại các website/ứng dụng di động uy tín, các địa chỉ mua hàng tin cậy, bảo mật cao.
Lưu ý gõ địa chỉ đường link website đầy đủ vào thanh địa chỉ trong trình duyệt internet thay vì chọn đường link có sẵn hoặc được gợi ý; Tuyệt đối không lưu lại tài khoản đăng nhập và mật khẩu có gắn với thông tin thẻ trên trình duyệt khi giao dịch. Phải đăng xuất thoát khỏi ứng dụng, website khi hoàn thành phiên giao dịch.
Theo số liệu của Hiệp hội Thẻ Việt Nam, tính đến hết tháng 6/2021, Việt Nam có hơn 6,5 triệu thẻ tín dụng phát hành bởi gần 40 tổ chức phát hành. Lượng thẻ ghi nợ lớn hơn so với thẻ tín dụng.
Thẻ tín dụng từ năm 2001 đã được phát hành nhưng độ phát triển chưa cao.
Ông Nguyễn Quang Minh, Phó Tổng Giám đốc NAPAS nhận định, Việt Nam đến nay chỉ có 6,5 triệu thẻ tín dụng so với dân số gần 100 triệu, là con số rất nhỏ. Doanh số sử dụng thẻ tín dụng năm 2021 đạt khoảng 220 nghìn tỷ đồng.
Nguồn: Tienphong
© 2024 | Thời báo ĐỨC