Sau hơn 6 năm, UBND quận 10 – TP HCM vẫn chưa xử lý xong công trình xây nhà ở vượt 3 tầng của nguyên chánh thanh tra xây dựng quận này.
Nghĩ cũng thật ấm ức, một công trình to đùng nằm ở mặt đường chứ khuất lấp đâu xa mà không thấy, không biết. Không xử lý sai phạm có khác nào trêu ngươi thiên hạ. Người dân chỉ cần sửa vỉa hè thì đã có cán bộ xây dựng xuống hạch hỏi; một xe ba gác chở cát, xi măng đi vào đường nào là không thoát khỏi ánh mắt của cán bộ xây dựng. Nếu không phải là cán bộ bự của quận, nhất là trong lĩnh vực xây dựng thì đố mà xây nhà sai phạm lớn như thế. Đã vậy, khi thấy sai thì xử lý ỡm ờ mãi cho đến nay.
Nói thẳng, giờ đây lãnh đạo quận có hô hào quyết tâm đến đâu cũng khó thay đổi được suy nghĩ của người dân địa phương về sự yếu kém, và tệ hơn là du di cho nhau khi xảy ra sai phạm trong xây dựng.
Tình trạng như trên không phải là cá biệt. Câu chuyện ông Phó chủ tịch HĐND quận Thủ Đức xin thôi chức vì những sai phạm trong xây dựng của bản thân ông và người nhà còn đang nóng hổi, chính là thêm một minh chứng.
Sai phạm xảy ra tèm lem, qua nhiều năm mà chẳng ai làm gì được.
Cấp nhỏ hơn thì không dám "đụng", ngang cấp thì ngại "đụng". Diễn giải rõ hơn là những sai phạm kiểu này đã "miễn nhiễm" với cơ quan quyền lực địa phương. Nếu không có lãnh đạo TP trực tiếp chỉ đạo, yêu cầu xử lý thì chẳng biết đến bao giờ những công trình trêu ngươi kia mới bị dẹp.
Mà lãnh đạo TP cũng không đủ sức đâu để xử lý từng vụ việc. Quan trọng chính là bộ máy quản trị địa phương phải công tâm, minh bạch và tuân thủ triệt để quy định của pháp luật. Vấn đề này lại thuộc trách nhiệm về việc sử dụng con người của cấp cao hơn.
Bộ máy địa phương không đề kháng được với những sai phạm từ trong nội bộ sẽ dẫn đến hậu quả khủng khiếp.
Thường là những sai phạm sẽ được bưng bít qua nhiều năm và càng ngày càng lún sâu, càng lớn và kéo theo hàng loạt cán bộ nhúng chàm. Hãy nhìn vào các cuộc kỷ luật quy mô cấp trung ương vừa qua thì rõ.
Tại Khánh Hòa, hai đời chủ tịch tỉnh, kéo dài gần 10 năm nhưng các sai phạm của 2 vị này và nhiều thuộc cấp không được sớm ngăn ngừa. Đừng nói là không phát hiện, bởi những sai phạm về đất đai không khó thấy, người dân bình thường còn thấy được nữa là, và không ít người trong số họ chính nạn nhân của các sai phạm trên.
Họ kêu than, khiếu nại nhưng cơ quan nào ở tỉnh này dám thụ lý giải quyết để đề xuất xử lý chính lãnh đạo của tỉnh.
Thậm chí có người còn nhân việc này ỉm đi để lấy lòng cấp trên là đằng khác. Bởi vậy, khi cơ quan chức năng trung ương kiểm tra, xử lý các vụ việc nổi cộm trong thời gian qua thường ít khi nào là sai phạm đơn lẻ, mà phần lớn là cả cụm cán bộ chủ chốt.
Cấp trên sai mà không bị xử lý thì cấp dưới sẽ học hỏi để kiếm lợi.
Cán bộ này sai mà không bị xử lý thì cán bộ khác cũng không ngại mạo hiểm. Và đến các cơ quan cao hơn, một thông tin được công khai giữa kỳ họp Quốc hội đang diễn ra làm ai cũng phải giật mình: Tham nhũng trong chính cơ quan chống tham nhũng ngày càng phức tạp.
Quả là đáng sợ. Mất đề kháng là thế, mất cán bộ cũng thế và mất lòng tin đúng như thế.
Phạm Hồ
Nguồn: Báo điện tử Người Lao Động
© 2024 | Thời báo ĐỨC