Chưa đầy 3 tháng đầu năm, các tỉnh duyên hải và cao nguyên liên tục xuất hiện danh sách dày đặc các dự án nghỉ dưỡng được công bố, đề xuất đầu tư, tài trợ lập quy hoạch với quy mô siêu khủng.
Bình Định, Bình Thuận, Quảng Ninh đều rầm rộ xuất hiện những dự án nghỉ dưỡng ven biển vốn đầu tư tỷ USD. Đầu tháng 3, dự án Khu du lịch Hải Giang Merry Land (Bình Định) do Hưng Thịnh phát triển vừa công bố giai đoạn 1 rộng hơn 623,71 ha, với tổng vốn đầu tư lên đến 47.000 tỷ đồng (hơn 2 tỷ USD). Đây là dự án nhắm đến phát triển du lịch biển gồm khách sạn nghỉ dưỡng, căn hộ du lịch, resort với nhiều loại hình giải trí cao cấp.
Giữa tháng 3, Nova Group công bố khu phức hợp nghỉ dưỡng – du lịch – giải trí NovaWorld tọa lạc tại phường Tiến Thành, TP Phan Thiết, Bình Thuận. Dự án có quy mô 1.000 ha, tổng mức đầu tư 5 tỷ USD, có hàng trăm tiện ích tiêu chuẩn quốc tế. Tập đoàn này tham vọng phát triển dự án thành một địa điểm du lịch chăm sóc sức khỏe cho khách nội địa và cả quốc tế.
Cuối tháng 2, Công ty cổ phần Bamboo Capital đã có báo cáo đề xuất về vị trí, ranh giới và diện tích địa điểm nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu phức hợp đô thị, du lịch nghỉ dưỡng The Coral tại thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh. Đây là quần thể đô thị ven biển kết hợp nghỉ dưỡng du lịch 546 ha, tổng vốn đầu tư gần 23.000 tỷ đồng (gần một tỷ USD).
Không chỉ xuất hiện những dự án nghỉ dưỡng siêu khủng ở vùng duyên hải, các đại gia địa ốc cũng rầm rộ đổ bộ lên cao nguyên. Ngày 17/3, Lã Vọng Group công bố muốn làm dự án 1.865 ha tại Lâm Đồng. Dự án được đề xuất có tên Quần thể vui chơi giải trí làng Thụy Sỹ với quy mô 1.865 ha tại khu vực hồ Đa Khai (Đa Nhim Thượng), huyện Lạc Dương. Hiện Lã Vọng Group và Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Đô thị Hoàng Mai được địa phương cho phép tổ chức khảo sát, nghiên cứu tài trợ kinh phí lập quy hoạch và đăng ký đầu tư dự án này.
Hôm 16/3, liên danh Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Tài chính Việt Nam (VFI Group), Công ty cổ phần Thương mại Ngôi Nhà Mới và Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Israel trình UBND tỉnh Lâm Đồng mong muốn lập quy hoạch dự án 18.000 ha. Dự án được thực hiện tại khu vực hồ thủy điện Đồng Nai 2, huyện Di Linh (khoảng 12.500 ha) và huyện Lâm Hà (khoảng 5.500 ha).
Tại TP Bảo Lộc, thành viên Sam Holdings, Công ty cổ phần Sacom Tuyền Lâm đề xuất tài trợ lập quy hoạch Khu đô thị, du lịch và dịch vụ khoảng 1.034,5 ha, đồng thời đề xuất được đầu tư dự án trên khu đất. Còn ở huyện Di Linh, Công ty Vườn Thời Đại Việt Nam đề xuất khảo sát, nghiên cứu và tài trợ kinh phí lập các đồ án quy hoạch tại các xã Hòa Trung, Liên Đầm và Bảo Thuận quy mô 4.000 ha, trong đó 3.500 ha là khu đô thị và du lịch sinh thái nghỉ dưỡng.
Phối cảnh dự án khu du lịch Hải Giang Merry Land tại Bình Định có tổng vốn đầu tư giai đoạn đầu tiên 47.000 tỷ đồng. Ảnh: Hưng Thịnh
Tháng 2 vừa qua, Novaland đã đề xuất tỉnh Lâm Đồng chấp thuận chủ trương khảo sát, nghiên cứu, lập dự án đầu tư dự án hồ Đăk Long Thượng tại huyện Bảo Lâm, quy mô nghiên cứu khoảng 30.000 ha với mục tiêu đầu tư khu đô thị phức hợp gồm nhà ở, biệt thự du lịch, trung tâm thương mại, trường học, công viên cây xanh…
Ngoài ra Novaland và đối tác Đất Tâm còn nhắm đến tỉnh Đắk Nông cũng công bố đang làm việc với địa phương để lên ý tưởng quy hoạch dự án khu du lịch quy mô 23.500 ha tại huyện Đắk Glong và Vườn quốc gia Tà Đùng.
Phó tổng giám đốc một công ty địa ốc có trụ sở tại khu Đông TP HCM cho biết, các siêu dự án nghỉ dưỡng ven biển đã từng bước định hình và chuẩn bị chào bán ra thị trường với giá dự kiến phổ biến từ nửa triệu đến một triệu USD, thậm chí các dòng sản phẩm hạng sang có giá bán vài triệu USD. Trong khi đó, đa phần các siêu dự án ở Tây Nguyên đang dừng ở giai đoạn khảo sát, lập quy hoạch tiền khả thi.
Việc theo đuổi các siêu dự án này mang lại nhiều lợi thế cho doanh nghiệp như gia tăng giá trị tài sản ước tính sổ sách; tăng cơ hội huy động vốn, trái phiếu từ đối tác và nhà đầu tư chiến lược; tăng vị thế và thương hiệu. Tuy nhiên, nếu các địa phương không thẩm định kỹ tính khả thi của các siêu dự án, dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp gom đất, xin dự án nhưng “ngâm lâu” không thực hiện, có thể kéo lùi cơ hội tăng trưởng kinh tế của vùng vì vướng quy hoạch treo.
Ông dự báo, các dự án đã định hình hay còn nằm trên giấy, tham vọng muốn phát triển hàng loạt dự án nghỉ dưỡng quy mô siêu lớn của nhiều đại gia địa ốc đã khiến cho giá nhà đất các địa phương biến động nhiều tháng qua và có thể thiết lập mặt bằng giá mới trong thời gian tới.
Trả lời VnExpress, ông Nguyễn Lộc Hạnh, Tổng giám đốc Công ty Ngọc Châu Á rằng các tỉnh duyên hải và Tây Nguyên đang bùng nổ làn sóng siêu dự án nghỉ dưỡng được công bố, khảo sát, lập quy hoạch quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Đây là hiệu ứng “trăm hoa đua nở”, đón cơ hội phục hồi từ giai đoạn bình thường mới của thị trường du lịch, nghỉ dưỡng vốn bị đại dịch Covid-19 kiềm kẹp 2 năm qua.
Theo ông Hạnh, sau khi phủ tỷ lệ vaccine cao, các biến chủng sau không quá nguy hiểm, và việc xem Covid như cúm thông thường vì đã có vaccine và thuốc đặc trị nên rất nhiều người kỳ vọng sự bùng nổ trở lại của du lịch toàn cầu. Đặc biệt sau hơn 2 năm và có thể hết năm 2022 mới có thể di chuyển toàn cầu bình thường trở lại. Vì vậy, các doanh nghiệp bất động sản nghỉ dưỡng, du lịch đang ồ ạt xin dự án, hoặc xin khảo sát, lập quy hoạch, thậm chí công bố chính thức và khởi động bán hàng mạnh mẽ.
CEO Ngọc Châu Á phân tích, khi các dự án nghỉ dưỡng siêu khủng được trình làng, đồng nghĩa với việc thị trường bắt đầu xuất hiện nhiều hơn những dòng sản phẩm nghỉ dưỡng giá triệu đô ở những vùng biển đẹp, hoặc một số vùng cao nguyên mới… Trong thời gian tới, giá bán các loại hình bất động sản nghỉ dưỡng có thể tăng lên theo làn sóng đầu tư này.
Sự bùng nổ của các dự án nghỉ dưỡng siêu khủng được xem là nằm trong kịch bản đã được dự báo trước do Việt Nam có lợi thế về khí hậu, vùng biển ấm, bãi biển đẹp và Tây nguyên có nhiều khu sinh thái, rừng, khu bảo tồn còn hoang sơ, thu hút sự quan tâm của khách du lịch nội địa và quốc tế. Tuy nhiên, theo ông Hạnh, tiềm năng du lịch này có được khai thác hiệu quả hay không phụ thuộc rất lớn vào cách phát triển ngành du lịch từng địa phương và cách quy hoạch các dự án bất động sản nghỉ dưỡng có hợp lý hay không.
Nếu các siêu dự án nghỉ dưỡng về đích, phát triển công trình bên cạnh bảo tồn thiên nhiên, có thể thúc đẩy sự phát triển của địa phương, tạo sức hút cho ngành du lịch, giúp cộng hưởng cho sự phát triển kinh tế. Tuy nhiên, mặt tiêu cực của cuộc đua ồ ạt khảo sát, công bố các dự án nghỉ dưỡng quy mô siêu khủng sẽ rất lớn nếu các dự án này giẫm chân tại chỗ hoặc trở thành quy hoạch treo.
Ông Hạnh phân tích thêm, với các chủ đầu tư, thách thức khi thực hiện các siêu dự án nghỉ dưỡng còn nằm ở khía cạnh nhu cầu và thị hiếu tiêu dùng liên tục thay đổi. Ví dụ một căn hộ du lịch hay biệt thự biển trong các khu resort vận hành khoảng 3-5 năm trang thiết bị nội thất bên trong sẽ bắt đầu cũ kỹ và xuống cấp, cần phải được làm mới để tiếp tục tạo được sức hút với người tiêu dùng.
Mặt khác, Việt Nam đang bùng nổ các dự án nghỉ dưỡng, cứ mỗi năm lại có thêm vài khu nghỉ dưỡng mới xuất hiện và xu hướng khách du lịch sẽ tìm đến những nơi mới hơn để trải nghiệm. Sóng sau xô sóng trước, các dự án nghỉ dưỡng cũ nếu không được tái đầu tư kịp thời hoặc dịch vụ kém sẽ rất khó cạnh tranh. Điển hình là Mũi Né được mệnh danh thủ phủ resort nhưng sau 10 năm, hiện nay 90% resort tại đây đã xuống cấp trầm trọng. Đây cũng là điểm yếu về khai thác và cạnh tranh.
Một số phản ứng thị trường nếu nguồn cung bất động sản nghỉ dưỡng tăng lên là giá thuê có thể giảm do phải cạnh tranh với hàng loạt các đối thủ cùng phân khúc. Ngoài ra một số thủ phủ du lịch của Việt Nam từng đi vào vết xe đổ phải chọn lựa giữa giá thuê cao, dịch vụ hạng sang nhưng công suất thấp với giá thuê bình dân, dịch vụ đại trà lại mất đi lượng khách sang. Ví dụ: những khu resort nghỉ dưỡng nào từng chọn hút khách Trung Quốc với các tour 0 đồng thường bị mất khách châu Âu và Hàn Quốc.
Hiện nay đa phần các dự án bất động sản nghỉ dưỡng (từ bình dân đến cao cấp, hạng sang) chào bán trên thị trường đều “câu” khách bằng chiêu thức truyền thống cam kết lợi nhuận hoặc chia sẻ lợi nhuận. Song không phải chủ đầu tư nào cũng có thể thực hiện các cam kết một cách trọn vẹn và đã xảy ra trường hợp vỡ cam kết. Điều này cho thấy thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam có tiềm năng rất lớn nhưng không dễ thực hiện.
“Các dự án bất động sản nghỉ dưỡng muốn phát triển bền vững đòi hỏi tiềm lực mạnh mẽ của doanh nghiệp làm chủ đầu tư, chiến lược kinh doanh phải bài bản, cụ thể trong dài hạn nhưng linh hoạt trong ngắn và trung hạn để thích ứng với những biến động của thời cuộc”, ông Hạnh đánh giá.
Nguồn: Vnexpress
© 2024 | Thời báo ĐỨC