Phải siết lại hoat động đấu giá đất
Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội tại phiên họp thứ 9 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chiều 16/3, liên quan đến giải pháp thu thuế chuyển nhượng bất động sản, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết đã chủ động chỉ đạo cơ quan thuế, phối hợp chính quyền địa phương, bộ ngành để thu đúng với giá chuyển nhượng.
15 ngày đầu tháng 1, qua rà soát 85.000 hồ sơ đã tăng thu hơn 222 tỷ đồng. Cơ quan thuế cũng tập trung thanh tra hồ sơ thuế có nghi vấn về việc chuyển giao không đúng giá thực tế chuyển nhượng để xử lý theo quy định pháp luật.
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc: Tập trung thanh tra hồ sơ thuế có nghi vấn về việc chuyển giao không đúng giá thực tế chuyển nhượng bất động sản
Về đấu giá đất, ông Hồ Đức Phớc cho rằng, phải siết lại để đảm bảo chặt chẽ, nhất là năng lực nhà đầu tư phải xác định được, nâng mức tiền đặt cọc và chuyển tiền này vào tài khoản do Hội đồng đấu giá quản lý, thời gian nộp tiền trúng đấu giá cũng phải ngắn hơn. Bên cạnh đó phải cam kết thực hiện mục tiêu đấu giá, tránh đấu giá xong để đất hàng năm trời không sử dụng gây lãng phí xã hội.
Đề cập giá đất khởi điểm của đấu giá đất, Bộ trưởng Tài chính cho rằng, cần phải sửa Nghị định 44 của Chính phủ và Thông tư 36 của Bộ TN-MT, nếu không giá đất vẫn xác định không chính xác và không nhất quán. “Không sửa thì cán bộ vẫn vi phạm, các đoàn thanh tra vẫn kết luận khác nhau vì lấy giá giả định tính ra giá chính thức là không chính xác” – ông Hồ Đức Phớc lưu ý.
Người đứng đầu ngành tài chính cũng cho biết theo Nghị định 45 thì giao đất xong mới thu tiền dẫn đến nhà đầu tư có đất rồi bán lẻ lấy tiền của dân nhưng không nộp ngân sách mà đem đi đầu tư rồi có thể thua lỗ thì không giải quyết được cho hàng vạn hộ dân. “Đây là lỗ hổng cần xác định chính xác để bịt lại” – ông Phớc nói.
Phát hiện vi phạm thì xử lý
Tham gia giải trình thêm, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long khẳng định, đấu giá tài sản là hoạt động bình thường, phổ biến ở các nước, tuy nhiên từ kinh nghiệm và thực tế trên thế giới có nhiều điểm khác biệt so với ở nước ta.
Tài sản đấu giá cũng chủ yếu của tư nhân, trong khi Việt Nam tài sản tư nhân tham gia đấu giá rất ít. Giá khởi điểm chủ yếu các bên thoả thuận và đặt cọc, ở các nước, thường từ 5-25%. Chênh lệch giá khởi điểm và giá thành trên nguyên tắc đấu giá dân sự và càng được nhiều tiền càng tốt (ở Nhật Bản bán cặp dưa cả tỷ đồng, có bức tranh khởi điểm thấp nhưng bán hàng chục triệu USD…).
Nhất trí cao với nhận xét của đại biểu rằng, đấu giá quy định nhiều nơi, liên quan nhiều pháp nhân, nhiều bên tham gia, tuy nhiên thường căn cứ theo pháp luật chuyên ngành nên trên dưới 20 loại tài sản bán đấu giá thì liên quan chừng ấy luật khác nhau. Do đó sắp tới có căn chỉnh và cách tiếp cận làm sao đồng bộ hoá quy định để thuận tiện, dễ dàng.
Về chế tài áp dụng đối với các vi phạm, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết có dân sự, hành chính và hình sự. Dân sự không mua thì mất cọc, hành chính có phạt, hình sự có thể nghiên cứu về nâng giá có dụng ý hoặc đầu cơ.
“Với trường hợp đấu giá ở Thủ Thiêm là mất cọc rồi. Nếu phân tích bình thường thì theo cơ chế thị trường, nhưng ta phát hiện được các dấu hiệu bất bình thường, nếu có chứng minh được thì xử lý vì khung pháp luật hiện hành tương đối đầy đủ.
Qua vụ việc vừa rồi cần giải pháp, trước mắt là tiếp tục thực hiện Chỉ thị 40 về công tác đấu giá tài sản và 2 công điện của Thủ tướng giao nhiệm vụ sau khi vụ việc xảy ra. Trình tự thủ tục cũng cần rà soát để hoàn thiện hơn” – ông Lê Thành Long nói./.
Nguồn: VOV
© 2024 | Thời báo ĐỨC