Bộ GTVT đề xuất tăng phí BOT: Điều cần làm hơn...

Bộ GTVT cần triển khai công tác thu phí không dừng trước khi đề xuất tăng phí BOT để minh bạch thu - chi, làm cơ sở cho lý do tăng phí.

Ngày 10/1/2020, bày tỏ với Đất Việt trước việc Bộ GTVT lần thứ 2 có văn bản gửi Chính phủ đề xuất tăng phí BOT theo lộ trình, ĐBQH Nguyễn Bá Sơn cho rằng đây là một chủ trương lớn và chắc chắn là phải có đề án về lộ trình cụ thể, chứ không phải cứ xin tăng là Chính phủ chấp thuật cho tăng ngay được.

Trong đề án đó bắt buộc phải có phần quan trọng là đánh giá sự tác động của việc tăng phí liên quan đến các mặt của đời sống xã hội, kinh tế như thế nào.

Một phần nữa là Bộ GTVT cũng cần dẫn chứng được rằng việc tăng phí BOT được dựa trên cơ sở, quy định như thế nào. Như thế mới thuyết phục được người dân hay Chính phủ.

Bản thân ông Sơn chưa biết được trong văn bản đề xuất tăng phí BOT mà Bộ GTVT trình Chính phủ có đề án gồm những nội dung này hay không.

132 1 Bo Gtvt De Xuat Tang Phi Bot Dieu Can Lam Hon

Bộ GTVT cần triển khai được thu phí không dừng trước khi đề xuất tăng phí BOT.

Tuy nhiên, dù có được đề án đầy đủ như trên nhưng với bối cảnh hiện nay mà việc tăng phí BOT được thực hiện cho ông Sơn cho rằng sẽ "không ổn". Bởi điều căn bản nhất để chấp nhận tăng phí BOT là cần phải minh bạch thu - chi tại các trạm.

Mà muốn minh bạch được điều này thì trước hết cần phải triển khai được việc công tác thu phí không dừng ở tất cả các trạm.

"Việc triển khai được thu phí không dừng sẽ minh bạch chuyên mỗi trạm thu được bao nhiêu trong ngày, trong năm. Điều đó cũng thể hiện số lượng xe qua trạm thế nào, trạm nào nhiều xe tải, xe khách đi qua hơn... để từ đó có cơ sở tính phí tại trạm đó cho các nhà đầu tư hoàn vốn" - ông Sơn nói.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm này Bộ GTVT chưa thực hiện được việc triển khai thu phí không dừng qua các trạm thì sẽ rất khó có thể tăng phí lên. Như thế có thể sẽ tiếp tục vấp phải sự phản đối của người dân vì không minh bạch trong thu chi.

Vị ĐBQH một lần nữa nhấn mạnh: "Tôi cho rằng, trước khi đề xuất tăng phí thì Bộ GTVT cần phải thực hiện cho được công tác thu phí không dừng tại các trạm BOT đi đã. Từ đó mới có số liệu, cơ sở chính xác đề làm đề án gửi Chính phủ về đề xuất tăng phí.

Còn nếu như thực hiện quá nhiều vấn đề cũng một lúc sợ không giải quyết dứt điểm được vấn nào mà còn phát sinh thêm nhiều hậu quả mới, kéo theo tình trạng càng trở len phức tạp, rối ren hơn".

Trước đó, tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2019 và triển khai kế hoạch năm 2020, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho biết, trước tình hình phức tạp, khó khăn tại một số trạm BOT, Bộ GTVT đã có văn bản kiến nghị gửi Chính phủ đề nghị tăng phí BOT theo lộ trình.

Theo Bộ GTVT, tính đến hết năm 2019 có 37 dự án phải tăng phí theo hợp đồng BOT (trong đó năm 2018 có 2 dự án, năm 2019 có 35 dự án), năm 2020 có 10 dự án, năm 2021 có 2 dự án, các dự án còn lại cơ bản tăng phí sau năm 2021.

Hiện Bộ GTVT đã nhận được đề xuất của một số nhà đầu tư đề nghị tăng phí theo hợp đồng, trong đó nêu rõ, nếu không được tăng phí đúng lộ trình, các dự án có nguy cơ bị đổ vỡ phương án tài chính, kéo dài thời gian hoàn vốn, phát sinh nợ xấu cho ngân hàng, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư.

Ngọc Vân

 

Nguồn: Báo ĐẤT VIỆT


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày