Oanh tạc cơ H-6K tập luyện phi pháp ở sân bay đảo Phú Lâm
Trung Quốc hồi cuối tuần qua đã đưa oanh tạc cơ H-6K xuống Hoàng Sa tập luyện phi pháp cất cánh và hạ cánh trên đảo Phú Lâm. Bắc Kinh khoe đây là “chiến thần” của Không quân Trung Quốc, có thể được trang bị tên lửa, thậm chí là cả đầu đạn hạt nhân, với tầm bắn đến 2.500 km.
Trong một bài viết ngày 21.5, tờ Hoàn Cầu thời báo, ấn phẩm của tờ Nhân Dân nhật báo – cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, tỏ ra hào hứng rằng với động thái phi pháp của không quân nước này, cho rằng với việc triển khai H-K6 xuống Hoàng Sa, toàn bộ lãnh thổ Việt Nam đã bị đặt trong tầm oanh tạc.
Trước đó, tài khoản mạng xã hội weibo của Không quân Trung Quốc đưa tin, oanh tạc cơ H-6K đã có đợt tập trận mô phỏng tấn công các mục tiêu trên biển, sau đó cất cánh và hạ cánh thành công trên một sân bay ở Biển Đông. Các phân tích hình ảnh sau đó chỉ ra sân bay mà H-6K hạ cánh là sân bay trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam hiện bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp.
Trang Phòng vụ Tân văn của Trung Quốc cho hay, oanh tạc cơ H-6K này đồn trú ở căn cứ không quân Thiểm Tây (Tây Bắc của Trung Quốc), di chuyển hơn 2.000 km xuống quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Vì sao đảo Phú Lâm được chọn?
Theo tờ Hoàn Cầu thời báo lý giải có 3 nguyên nhân khiến Trung Quốc tổ chức huấn luyện hạ cánh H-6K ở đảo Phú Lâm. Thứ nhất, đường băng sân bay đảo Phú Lâm dài hơn 3 km, đủ yêu cầu cho oanh tạc cơ H-6K cất cánh, đúng bằng chiều dài đường băng cần thiết cho máy bay chở khách Boeing-737 cất cánh.
Sân bay Phú Lâm mà Trung Quốc xây dựng phi pháp ở Hoàng Sa có đường băng dài hơn 3 km
Thứ hai, cất cánh từ sân bay Phú Lâm còn mang ý nghĩa chiến thuật, oanh tạc cơ này mang bom, mang tên lửa, hướng tây có thể bao quát toàn bộ Việt Nam, hướng đông có thể bao phủ Đài Loan, phía nam có thể bao quát Trường Sa, nghĩa là các mục tiêu ở ba nơi đây đều trong tầm oanh tạc của H-6K.
Và thứ ba theo tờ báo này là huấn luyện ở Hoàng Sa ít gây chú ý cho dư luận quốc tế hơn là ở Trường Sa. Đồng thời, việc làm này cũng thể hiện sự “kiềm chế tương đối của Trung Quốc” ở Biển Đông, bài báo ngụy biện.
Oanh tạc cơ H-6K có khả năng đe doạ như thế nào?
Được phát triển dựa trên mô hình chiếc Tu-16 của Liên Xô nhưng Trung Quốc đã cải thiện và trang bị cho mẫu oanh tạc cơ H-6K nhiều công nghệ và khí tài hiện đại hơn.
Theo Trung Quốc, nếu được triển khai xuống Trường Sa, oanh tạc cơ H-6K có khả năng tấn công bao phủ nước Úc
H-6K có thể được trang bị tên lửa hành trình KD-20 hoặc KD-63, hệ thống radar mới do Trung Quốc phát triển, hệ thống điện tử được cải thiện. Nó còn có thể được trang bị tên lửa hạt nhân đạn đạo. Tên lửa này do Trung Quốc phát triển có tầm bắn lên đến 2.500 km. H-6K còn có thể được tiếp nhiên liệu trên không trung nên phạm vi tác chiến càng được mở rộng. Có chuyên gia quân sự của Trung Quốc còn cho biết H-6K có khả năng bao quát tác chiến đến tận Úc nếu được đưa xuống Trường Sa.
Nguồn: infonet.vn
© 2024 | Thời báo ĐỨC