Bao giờ rốn lũ Hà Nội hết ngập - Kỳ 2: 'Lũ rừng ngang' đổ nước về Hà Nội

Dân vùng trũng cứ mưa to là canh đê, kê nhà, và chịu khốn khổ, thiệt hại nặng nề vì chìm sâu trong ngập lâu.

1 Bao Gio Ron Lu Ha Noi Het Ngap   Ky 2 Lu Rung Ngang Do Nuoc Ve Ha Noi

Dân vùng trũng Chương Mỹ chạy lũ - Ảnh: NAM TRẦN

Chẳng con sông nào có lũ đặc biệt như sông Bùi.

Lũ vừa dồn về từ thượng nguồn, vừa dai dẳng vì chẳng có chỗ thoát, lại vừa kéo đến nhanh từ "lũ rừng ngang", tức lũ từ các con suối bên mạn sườn sông Bùi đổ về rầm rập khiến dân Chương Mỹ, Hà Nội năm nào cũng ngập.

Thiên tai bên mạn sườn

Đã quá trưa, trưởng thôn Nhân Lý Phùng Văn Lực ngồi lại giữa hội trường nhà văn hóa thôn. Nước rút, người "vác tù và" thôn Nhân Lý (xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) mới có phút ngồi chờ ấm chè ngấu.

Nửa tháng lũ về thì hơn nửa tháng ông căng như dây đàn. Ông vừa cùng trai tráng trong làng trực đê, vừa việc làng từ lúc chạy lũ đến khi phân chia đồ cứu trợ. Cái điện thoại trên tay chốc chốc lại chuông inh ỏi.

Cả khu nhà xếp đầy nước lọc, mì tôm. Trong góc có vài bộ chăn màn để dành cho bộ đội ngủ qua đêm. Nhà văn hóa mới xây được vài năm, nền nhà được tôn cao hơn mức nước năm 2018.

Thế là ngoài đình làng ở giữa gò thì nhà văn hóa thôn mới này là nơi cao thứ hai ở Nhân Lý. Đây vừa là chỗ ở cho bộ đội đến chạy lũ giúp dân cũng là chỗ ở cho hai gia đình khác ở mấy hôm ngập nặng.

2 Bao Gio Ron Lu Ha Noi Het Ngap   Ky 2 Lu Rung Ngang Do Nuoc Ve Ha Noi

Thôn Bùi Xá (thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) được coi là rốn lũ của Hà Nội mỗi khi mùa lũ về - Ảnh: NAM TRẦN

Ông Lực kể cứ nghe đài báo Thủy điện Hòa Bình xả lũ là dân Nhân Lý lo nơm nớp. Trai làng cùng bộ đội ra canh đê.

Bao cát, cuốc xẻng sẵn sàng. Gần như năm nào cánh đồng của làng Nhân Lý, Hạnh Bồ, Nam Hài cũng bị ngập. Năm ngoái cũng tháng 8, lũ sông Bùi vượt ngưỡng báo động 3, bộ đội, dân làng trong vùng hò nhau đắp bao cát ngăn lũ.

"Thủy tặc" tạm chịu thua, dân làng chỉ bị ngập ít lúa, ít rau ngoài đồng, không nhà nào bị ngập. Năm nay cũng hò nhau đắp bao cát, đang đắp dở thì có thông báo lũ lên rất cao, đắp đê cũng không chống được. Bộ đội, dân làng bỏ đê, quay về chạy lũ.

TIN LIÊN QUAN

Vùng trũng của huyện Chương Mỹ nằm giữa ba con sông Bùi, sông Tích và sông Đáy. Trưởng phòng quản lý đê điều, Vụ Quy hoạch thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) giải thích không phải vì Thủy điện sông Đà xả lũ mà Chương Mỹ bị ngập.

Sông Đà, sông Hồng không chảy trực tiếp vào Chương Mỹ nhưng vành đai mưa phía Tây Bắc lại trùng với rãnh mưa khu vực Ba Vì.

Lượng mưa ở khu vực Ba Vì trong năm thường lớn hơn trong khu vực. Vì thế cứ mưa to phía thượng nguồn sông Đà cũng là lúc mưa to ở vùng núi Ba Vì và khu vực Lương Sơn (Hòa Bình).

Những con suối vắt ngang sông Bùi dẫn lũ đổ về ào ào. Thế mới có tên là "lũ rừng ngang", thứ lũ không dữ dội như lũ quét Tây Bắc nhưng lại làm nước sông Bùi và cả sông Tích đầy lên nhanh chóng.

Lũ ở Chương Mỹ lại chẳng giống nơi nào vì về nhanh lại dai dẳng. Năm nào ít thì hai tuần, có năm lại kéo dài cả tháng. Hai con sông gây ngập cho vùng trũng Chương Mỹ là sông Bùi và sông Tích, đường thoát lũ duy nhất là đổ vào sông Đáy. Khi sông Đáy nhận thêm nước ở sông Hồng, lũ cứ quanh quẩn mãi ở trũng này.

Gần như năm nào Chương Mỹ cũng ngập, còn ngập nặng, nước tràn đê thì trong 15 năm qua đã có bốn trận. Trận nào cũng lớn, được so sánh gần bằng trận lũ lịch sử năm 1971. Dân làng bơi thuyền trên cổng, cập thuyền vào bên... mái hiên nhà mình.

3 Bao Gio Ron Lu Ha Noi Het Ngap   Ky 2 Lu Rung Ngang Do Nuoc Ve Ha Noi

Những khu trang trại của người dân Chương Mỹ cứ lũ lụt về là ngập gần tới nóc - Ảnh: TRƯỜNG HùNG

Oằn mình ngăn lũ

Đê hữu sông Bùi dài chừng 14 cây số có sứ mệnh ngăn lũ cho phần lớn ruộng đồng, làng mạc vùng trũng Chương Mỹ.

Sau trận lũ lịch sử năm 1971, con đê đã được đắp cao hơn, to hơn. Bẵng đi vài chục năm, đến tận năm 2008, trận ngập diện rộng ở Hà Nội khiến nước tràn đê. Dân vùng lụt thiệt hại không biết đâu mà kể.

Trận lũ lụt ấy mực nước vượt hơn 9m, trong khi mặt đê chỉ cao hơn 6m. Triền đê lại nhiều tổ mối, hang chuột, nhiều đoạn bị sạt lở.

Những tưởng trận lụt ấy đã là đỉnh lũ vì chỉ thua trận lụt lịch sử năm 1971 hơn hai gang tay. Thế nhưng đến năm 2017, lũ rừng ngang lại ập về, mực nước dâng đến gần chục mét, vượt báo động 3 hơn đầu người.

4 Bao Gio Ron Lu Ha Noi Het Ngap   Ky 2 Lu Rung Ngang Do Nuoc Ve Ha Noi

Thôn Bùi Xá (thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) dân đã quen sống chung với lũ - Ảnh: NAM TRẦN

Huyện Chương Mỹ huy động 2.000 người ra hộ đê. Sức người không địch nổi lũ dữ, đê sụt, nước tràn mặt đê, tràn cả bức tường bằng bao cát cao tới đầu người trên mặt đê ập vào đồng ruộng. Nhà cửa của dân làng ngập chìm trong nước...

Chị Nguyễn Thị Miến, người làng Nhân Lý, thở dài kể: "Năm nay lũ to nhưng ít bị lật thuyền. Cái năm đê sạt năm 2017 ấy lũ vào nhanh quá, dân sơ tán bị lật thuyền nhiều, khổ lắm!".

Theo người phụ nữ vùng lũ lụt này, người đi sơ tán toàn người già, trẻ em hoặc người ốm. Người khỏe mạnh ở trên... xà nhà sống cùng với lũ.

Gia đình chị Miến dành dụm hơn nửa đời người mới xây được căn nhà kiên cố, tiền làm móng, tôn nền mất quá nửa tiền xây nhà.

Ở vùng này nhà nào xây cũng có nền cao hơn mặt đường tới cả mét. Nền nhà chị Miến cao ngang ngực người đi đường. Thế mà lũ về, trong nhà chị vẫn lội quá gối, khu công trình phụ làm bằng nền nhà cũ nước mấp mé mái nhà.

Ngôi điếm cổ của làng Hạnh Bồ cách làng Nhân Lý non một cây số cũng có nền nhà cao ngang ngực người lớn. Ngôi điếm vừa là nơi thờ cúng, sinh hoạt chung của cả làng, lại vừa là nơi tập kết đồ cứu trợ ngày lũ lụt.

Ông bí thư chi bộ thôn Hạnh Bồ Nguyễn Văn Tuyền vạch một đường ở hòn đá kê chân cột bảo: "Năm 1971 thì nước lên tới đây, năm nay còn cách ba mươi phân". Giường, tủ, kiệu, đồ gỗ của làng trong điếm được kê thêm bốn, năm hàng gạch.

5 Bao Gio Ron Lu Ha Noi Het Ngap   Ky 2 Lu Rung Ngang Do Nuoc Ve Ha Noi

Thôn Bùi Xá mỗi khi mùa lũ về - Ảnh: NAM TRẦN

Lũ năm nay nước xâm xấp nền gạch này, nhưng mấy nhà đối diện thì nước ngập gần tới xà. Nhà ông Tuyền năm 2018 treo giường lên xà nhà, vợ chồng ngủ trên giường treo gần một tháng trời. Năm nay ông xây nhà hai tầng, chưa kịp trát vách thì lũ về, đồ đạc lỉnh kỉnh trên tầng hai.

Ông Tuyền than thở: "Nếu cho nâng đê cả ba làng chúng tôi làm vài tháng là xong! Chỉ cần Nhà nước cho chủ trương, chúng tôi sẵn sàng góp công, góp của cùng làm. Nhưng mà vùng này phân lũ mặt đê cao 7m rồi, có bê tông rồi, không được làm cao nữa!".

Cả bốn, năm thế hệ người dân ở xã Nam Phương Tiến đã quá quen với lũ lụt. Nhà cửa tôn nền cao, chuồng gà, chuồng lợn cũng lấy mốc năm 1971 để làm.

Con cháu sau này thoát ly ra ngoài làm ăn, ngày lũ lại về kê đồ, chạy lũ với ông bà, bố mẹ. Ruộng đồng vụ mất vụ còn, chăn nuôi nơm nớp lo mưa, lo lũ.

Muốn đắp đê cao nhưng sau bao năm chịu làm nơi phân lũ, chậm lũ cho Hà Nội, chỉ vài năm nay Chương Mỹ mới không còn là vùng phân lũ. Thế nhưng vài năm ngắn ngủi chính quyền chưa đầu tư kịp cơ sở hạ tầng thủy lợi.

Theo Viện Quy hoạch thủy lợi, trong quy hoạch thì con đê hữu sông Bùi được nâng cấp lên 2m nữa. Thế nhưng nâng đê bên hữu, lũ lại tàn phá đê bên tả, bên đó cũng đông dân.

Làm một bên đẩy lũ sang bên kia cũng không ổn. Rồi nâng đê lại phải mở rộng chân đê, lại thu hồi ruộng vườn, nhà cửa, làm lại kênh mương..., tính sơ sơ số tiền bỏ ra phải nhiều nghìn tỉ!

"Nếu đầu tư hàng nghìn tỉ đồng để nâng cấp đê thì ngân sách địa phương không chịu nổi! Mà chúng ta phải xem xét lại tính hiệu quả của số tiền ấy.

Ổn định đời sống người dân vùng lũ là việc cấp bách, nhưng chúng ta nên giải quyết từng khâu, từ việc chống "lũ rừng ngang" trước, rồi tính tiếp đến chuyện lâu dài" - bà Nguyễn Bích Thủy, Viện Quy hoạch thủy lợi, cho hay.

-------------------

Kế sinh nhai của dân vùng phân lũ không có gì lâu dài, lúa cấy một vụ, gà nuôi một lứa. Đất đai rộng đấy, dân chịu khó đấy, nhưng chăn cả đàn vịt hàng nghìn con, lũ về mất trắng.

Kỳ tới: Nửa năm chăm bẵm, mất trắng một đêm vì lũ

VŨ TUẤN - TÂM LÊ

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày