Bà Trương Thị Mai từ chức: Tại sao?

Sự kiện Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai từ chức là một cơn địa chấn chính trị nữa tại Việt Nam, theo sau các vụ mất chức của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

1 Ba Truong Thi Mai Tu Chuc Tai Sao

Chụp lại hình ảnh,Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai từng được coi là nhân vật thân cận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Theo sau các cuộc họp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ban Chấp hành Trung ương Đảng, thông tin bà Trương Thị Mai rời cương vị thường trực Ban Bí thư đã được khẳng định.

Theo thông cáo của Văn phòng Trung ương Đảng hôm 16/5, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 9 đã xem xét cho thôi giữ các chức vụ, nghỉ công tác đối với bà Trương Thị Mai, ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13.

Theo Ban Chấp hành Trung ương, bà Trương Thị Mai là cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, được đào tạo cơ bản, trưởng thành từ cơ sở; được phân công giữ nhiều chức vụ lãnh đạo quan trọng của Đảng và nhà nước.

Trong suốt quá trình công tác và trên các cương vị lãnh đạo, bà luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, có nhiều đóng góp quan trọng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Đảng và hoạt động của Quốc hội.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, trong thời gian giữ cương vị ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Trung ương Đảng, trưởng Ban Dân vận Trung ương, bà đã có một số vi phạm, khuyết điểm trong việc thực hiện Quy định về những điều đảng viên không được làm, Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng; ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và cá nhân.

Nhận thức rõ trách nhiệm trước Đảng và Nhân dân, bà đã có đơn xin thôi giữ các chức vụ được phân công và nghỉ công tác.

Căn cứ quy định hiện hành của Đảng, Nhà nước và xem xét nguyện vọng của bà Trương Thị Mai, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đồng ý để bà Trương Thị Mai thôi giữ chức ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13.

Người phụ nữ 66 tuổi, quê Quảng Bình này là một bóng hồng hiếm hoi trong một nền chính trị do nam giới thống trị.

Từ một cán bộ Đoàn thanh niên, bà đã dần thăng tiến qua các thang bậc trong hệ thống của Đoàn và Đảng, để rồi nắm giữ một trong những chức vụ cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam.

2 Ba Truong Thi Mai Tu Chuc Tai Sao

Con đường chính trị của bà Trương Thị Mai (bìa trái) đã chấm dứt

Bà Trương Thị Mai từng được đánh giá là sẽ tiếp tục đảm đương các trọng trách lớn của nhà nước Việt Nam, sau khi Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mất chức.

Tuy nhiên, giờ đây bà đã rời ghế thường trực Ban Bí thư, ủy viên Bộ Chính trị.

Với diễn biến này, sự nghiệp chính trị của bà đã chính thức chấm dứt.

Thông tin bà Trương Thị Mai rời ghế đã xuất hiện dưới dạng tin đồn ở trên mạng xã hội. Có thông tin cho rằng bà bị cáo buộc liên quan tới sai phạm tại dự án Đại Ninh ở tỉnh Lâm Đồng.

Trong khi đó, cũng có thông tin nói rằng bà bị vu oan giá họa, và rằng bà rời chức là do không chịu nổi cuộc đấu đá nội bộ giữa các đồng chí của mình.

Như mọi khi, thông báo của Đảng Cộng sản Việt Nam về sự ra đi của bà Mai không nêu rõ bà đã vi phạm cụ thể điều gì, tương tự như thông báo đối với các trường hợp ông Võ Văn Thưởng và Vương Đình Huệ mới đây.

Do đó, những đồn đoán về trường hợp của bà cũng như về cuộc nội đấu trong Đảng tiếp tục lan truyền.

Sau sự ra đi của bà Trương Thị Mai, ghế thường trực Ban Bí thư được phân công cho Đại tướng Lương Cường đảm nhiệm.

Trước khi làm thường trực Ban Bí thư, Đại tướng Lương Cường là Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam.

3 Ba Truong Thi Mai Tu Chuc Tai Sao

Đại tướng Lương Cường, tân Thường trực Ban Bí thư

Hành trình quyền lực

Sinh năm 1958, quê quán tỉnh Quảng Bình, bà Trương Thị Mai đi lên từ con đường Đoàn Thanh niên.

Bà từng nắm giữ nhiều chức vụ trong Đoàn Thanh niên, nổi bật nhất có thể kể tới là vị trí Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, giai đoạn 1994-2002.

Từ 2007-2016, bà Mai giữ chức Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội.

Năm 2016, tại Đại hội Đảng 12, bà Trương Thị Mai được bầu vào Bộ Chính trị. Bà Mai cũng tiếp tục là Ủy viên Bộ Chính trị khóa 13 vào năm 2021.

Từ năm 2021 tới nay, bà Mai giữ chức Trưởng Ban Tổ chức Trung ương

Vào tháng 3/2023, khi ông Võ Văn Thưởng trở thành chủ tịch nước, bà Mai đã tiếp quản chiếc ghế thường trực Ban Bí thư khóa 13 mà ông Thưởng để lại.

Bà Mai là nữ Thường trực Ban Bí thư đầu tiên trong số 21 người giữ chức danh Thường trực Ban Bí thư kể từ năm 1976 tới nay

Vai trò của bà Mai tập trung chủ yếu về lễ nghi, các công tác trong nội bộ Đảng Cộng sản.

Người ta thường thấy bà xuất hiện bên cạnh và tháp tùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong các chuyến công du và đi trao quyết định.

Đơn cử, bà Trương Thị Mai nằm trong đoàn tháp tùng ông Trọng trong chuyến thăm cấp nhà nước đến Bắc Kinh vào cuối tháng 10, đầu tháng 11 năm 2022.

Vào năm 2023, hai tuần trước khi nữ doanh nhân Trương Mỹ Lan bị bắt, bà Trương Thị Mai đã đi cùng ông Nguyễn Phú Trọng thăm và làm việc với thành ủy TP HCM.

Bà Mai từng được đánh giá là ứng viên sáng giá cho chức chủ tịch nước hoặc chủ tịch Quốc hội sau khi hai ông Võ Văn Thưởng và Vương Đình Huệ bị miễn nhiệm.

Trao đổi với BBC News Tiếng Việt vào cuối tháng 4/2024 sau khi ông Vương Đình Huệ được Trung ương Đảng "cho thôi chức", Giáo sư Zachary Abuza từ trường National War College, Đại học National Defense (Mỹ) đánh giá bà Trương Thị Mai có tiềm năng trở thành chủ tịch Quốc hội, tiếp quản chiếc ghế mà ông Vương Đình Huệ để lại.

"Bà Trương Thị Mai là người phù hợp nhất do có kinh nghiệm đa dạng trong nhiều lĩnh vực. Nhưng bà Mai lại là một người phụ nữ trong thể chế chính trị do đàn ông thống trị."

"Tôi nghĩ sớm thôi thì chúng ta sẽ thấy bà Mai tiếp quản vị trí này. Bà ấy có kinh nghiệm từ năm 2007 - 2016 trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội."

"Do đó, bà ấy có kinh nghiệm trong cơ quan này. Do đó tôi nghĩ điều đó có thể sẽ xảy ra. Tuy nhiên, do có quá nhiều vị trí trống trong đội ngũ lãnh đạo cấp cao, nếu bà Mai kế nhiệm chức Chủ tịch Quốc hội, cần có người tiếp quản vị trí của bà – Thường trực Ban Bí thư," Giáo sư Abuza đánh giá.

Từ Úc, Giáo sư Carl Thayer, một nhà quan sát chính trị Việt Nam lâu năm, lúc bấy giờ cũng đã đề cập đến khả năng bà Mai làm chủ tịch Quốc hội:

“Nguồn tin của tôi, tất nhiên chỉ là tin đồn, nói với tôi rằng bà Trương Thị Mai sẽ được bổ nhiệm làm người điều hành Quốc hội. Và điều đó an toàn vì bà ấy từng cho biết mình muốn nghỉ hưu.”

Từng được đánh giá cao như vậy, nhưng giờ đây, hành trình quyền lực của bà Trương Thị Mai đã dừng lại trong một ngày tháng 5 đầy sóng gió.

Nguồn: BBC


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày