Hai ngày 29-30/5, Hà Nội mưa lớn làm xuất hiện khoảng 100 điểm ngập lớn nhỏ, giao thông hỗn loạn. Nước tràn vào nhà khiến cuộc sống người dân đảo lộn. Cả cơ quan chuyên môn và chuyên gia xây dựng, quy hoạch đã chỉ ra hàng loạt nguyên nhân khiến Hà Nội ngập sâu.
Mưa vượt giá trị lịch sử
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia ghi nhận trong hơn hai giờ chiều 29/5, lượng mưa tại trạm Láng, quận Đống Đa, là 138 mm, vượt mốc lịch sử 132,5 mm ngày 18/6/1986.
Tại quận Cầu Giấy, mưa 170 mm/2 giờ là lớn nhất theo số liệu quan trắc từ trước đến nay, ứng với chu kỳ khoảng 100 năm xuất hiện một lần. Lượng mưa 150 mm/2 giờ ở Tây Hồ ứng với chu kỳ 50 năm xuất hiện một lần.
Ông Trịnh Ngọc Sơn, Phó giám đốc Công ty TNHH thoát nước Hà Nội, đánh giá mưa xối xả trong thời gian ngắn khiến hệ thống thoát nước của thủ đô bị quá tải.
Một số điểm phía tây thành phố như Keangnam, Phan Văn Trường và khu Ecohome 3 Đông Ngạc sau 22h nước mới rút hết. “Thực tế, kể cả các nước phát triển cũng chưa đủ điều kiện tài chính để có thể thiết kế hệ thống thoát nước với cường độ lớn như vậy”, ông Sơn nói.
Chia sẻ bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cũng đánh giá thời tiết đang biến đổi bất thường, nhiệt độ Trái đất nóng lên nên không chỉ Việt Nam mà các nước có hạ tầng phát triển như Mỹ, châu Âu cũng thường xảy ra hiện tượng thời tiết cực đoan.
“Mưa lớn tập trung vào một thời điểm thì khó hạ tầng nào có thể chịu được”, ông Hà nói.
Một điểm ngập úng trên đường Nguyễn Trãi, chiều 29/5. Ảnh: Ngọc Thành
Hệ thống thoát nước thiếu đồng bộ
Hà Nội có 12 quận, 17 huyện và một thị xã. 12 quận với diện tích gần 250 km2 thoát nước chủ yếu nhờ hệ thống thoát nước thải chung (gồm nước mưa và nước thải) và thoát ra ngoại thành nhờ hệ thống tưới tiêu nông nghiệp.
Trong đó, tại lưu vực sông Tô Lịch (77,5 km2) gồm toàn bộ quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai và một phần quận Tây Hồ, Thanh Xuân, hệ thống thoát nước đã được đầu tư, cải tạo tương đối hoàn chỉnh, có khả năng đáp ứng với lượng mưa 310 mm/2 ngày. Tuy nhiên, với những trận mưa cường độ lớn, diễn ra trong thời gian ngắn, khu vực này vẫn tồn tại một số điểm úng ngập do địa hình thấp, xa nguồn xả.
Lưu vực sông Nhuệ (110 km2) gồm các quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hà Đông và một phần quận Tây Hồ, huyện Thanh Trì có tốc độ đô thị hóa nhanh, nhưng hệ thống thoát nước chưa hoàn thiện, thiếu hồ điều hòa, các trạm bơm đầu mối chưa được đầu tư đạt công suất quy hoạch. Nước mưa chủ yếu tự chảy và phụ thuộc mực nước sông Nhuệ.
Lưu vực Long Biên (62 km2) thoát nước bằng hình thức tự chảy qua mương Nam quốc lộ 5, kênh Tầm Dâu, ra sông Cầu Bây và bơm cưỡng chức ra sông Đuống qua trạm bơm Đông Trù.
Với quận, huyện còn lại, hệ thống thoát nước trên các tỉnh lộ, quốc lộ được xây dựng theo tiêu chuẩn đường giao thông, tiêu thoát bằng hình thức tự chảy ra đồng ruộng, ao hồ xung quanh. Có mật độ hệ thống thoát nước thấp, nhưng do diện tích đất nền và hồ ao nhiều nên khu vực này ít ngập úng.
Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Thế Công thừa nhận hệ thống thoát nước của thành phố mới được đầu tư xây dựng đồng bộ ở nội thành, nằm trong lưu vực sông Tô Lịch, Lừ, Sét, Kim Ngưu. Các quận Hà Đông, Long Biên, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm cơ bản chưa được đầu tư xây dựng nên việc tiêu thoát nước chưa đảm bảo khi mưa lớn.
Ông Công nói thành phố có kế hoạch triển khai đồng bộ các trạm bơm cũng như hệ thống tiêu thoát, nhưng việc đầu tư xây dựng đòi hỏi kinh phí rất lớn, sẽ phải thực hiện dần trong các kế hoạch 5 năm, 10 năm tới.
Dự án thoát nước chậm tiến độ, nhiều công trình cản trở dòng chảy
Những năm qua thành phố dành nhiều nguồn lực đầu tư các dự án thoát nước, nhưng vì nhiều lý do một số dự án chưa hoàn thành. Lãnh đạo Công ty Thoát nước dẫn chứng, phố Thụy Khuê (đoạn dốc La Pho, quận Tây Hồ) tiêu thoát nước phụ thuộc chính vào hệ thống mương Thụy Khuê. Tuy nhiên, đến nay sau 10 năm khởi công, dự án cải tạo mương Thụy Khuê dài 1,8 km mới đang trong quá trình giải phóng mặt bằng nên việc tiêu thoát nước gặp rất nhiều khó khăn.
Dự án trạm bơm tiêu Yên Nghĩa với mục tiêu chống úng cho các quận, huyện Hà Đông, Hoài Đức và đại lộ Thăng Long đã hoàn thành từ năm 2020, nhưng chưa thể hoạt động do chưa hoàn thành các kênh dẫn nước vào trạm bơm.
Kênh dẫn nước về trạm bơm Yên Nghĩa (đoạn cắt ngang đường Lê Trọng Tấn, Hà Đông) chưa hoàn thiện. Ảnh: Phạm Chiểu
Thành phố đang triển khai nhiều công trình xây dựng quy mô lớn, một số đã ảnh hưởng đến hệ thống thoát nước. Tại ngã tư Phan Bội Châu – Lý Thường Kiệt, việc nhà ga tàu điện S12 (dự án metro Nhổn – ga Hà Nội) chậm triển khai đã khiến hệ thống tiêu thoát nước trong khu vực bị ảnh hưởng.
Bởi để thực hiện dự án, đơn vị thi công đã nắn dòng thoát nước chung của tuyến vào một đường ống riêng chạy sát với công trường thi công. Song đường ống này chưa đáp ứng nhu cầu thoát nước trong khu vực, làm chậm khả năng tiêu thoát nước.
Bất cập trong đầu tư và quy hoạch mạng lưới thoát nước
GS.TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho rằng việc ngập úng của Hà Nội diễn ra theo chu kỳ, vì vậy “lượng mưa lớn” không phản ánh toàn bộ thực trạng thoát nước. “Nhiều khu vực nội thành, hệ thống tiêu thoát nước vẫn được sử dụng từ thời Pháp, đã quá lạc hậu và không đáp ứng được tiêu chuẩn đô thị hiện nay”, ông Hồng nói.
GS Hồng cho rằng do không được đầu tư đúng mức nên các điểm ngập úng cục bộ có xu hướng giữ nguyên từ năm này qua năm khác. Gần đây, thành phố còn xuất hiện nhiều điểm úng ngập bất thường tại một số quận mới đang phát triển, dân số tăng nhanh như Cầu Giấy, Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm. Nếu không đầu tư hợp lý, đây có thể là những điểm ngập nặng tiếp theo sau khu vực nội đô.
KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, đánh giá Hà Nội đã đầu tư vào hệ thống thoát nước những năm qua, song hiệu quả chưa rõ ràng. Điều kiện về năng lực, kinh tế có hạn trong khi thành phố có quá nhiều dự án quan trọng khác phải cân nhắc.
Việc xây dựng trạm bơm, hệ thống tiêu thoát quá chậm mà tốc độ đô thị hóa quá nhanh tất yếu xảy ra tình trạng hệ thống thoát nước dù được cải tạo, nâng cấp vẫn không kịp đáp ứng khi quy mô dân số, đô thị thay đổi, cộng với tác động của biến đổi khí hậu.
Việc thi công ga S12 đã bị tạm dừng gần một năm, gây khó khăn cho thoát nước khi có mưa. Ảnh: Phạm Chiểu
Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân Hoàng Văn Cường cho rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng Hà Nội thường xuyên ngập lụt là có nhiều quy hoạch khác nhau, thực hiện riêng. Thành phố xây dựng các công trình đô thị, nhà ở, nhưng không đi kèm với hệ thống thoát nước phù hợp. “Theo Luật Quy hoạch 2017, các quy hoạch như xây dựng hạ tầng, tiêu nước, thủy lợi, nông nghiệp… sẽ được tích hợp, tiến hành đồng thời. Nếu thực hiện tốt việc này, các đô thị lớn như Hà Nội có thể giải quyết được tình trạng ngập lụt”, ông nói.
GS.TS Nguyễn Văn Liên, nguyên Thứ trưởng Xây dựng, cũng cho rằng tình trạng ngập úng thường xuyên ở nội thành là thiếu sót trong công tác quy hoạch. Việc tập trung phát triển đô thị nhưng không chú trọng quy hoạch cấp thoát nước khiến tình hình úng ngập sau hàng chục năm vẫn chưa có chuyển biến.
Diện tích mặt nước, cây xanh giảm
GS Liên lo ngại diện tích mặt nước và cây xanh ở Hà Nội ngày càng giảm. Tỷ lệ bê tông hóa ngày càng lớn, nước không thấm xuống đất, phải đổ về mặt bằng trũng nhất, hình thành điểm ngập úng. “Địa hình Hà Nội là thấp ở trung tâm, cao dần ra phía ngoại thành nên nội thành luôn ngập nặng nhất”, ông Liên nói.
TP Hà Nội chưa có thống kê về tình trạng ao hồ bị lấp, nhưng báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu môi trường và cộng đồng (CECR) thuộc Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho thấy đã có 17 hồ ở nội thành bị san lấp hoàn toàn, trong khi chỉ bổ sung 7 hồ mới; từ 2.100 ha mặt nước trước năm 2010 đã giảm còn 1.165 ha vào năm 2015.
Đưa ra giải pháp trước mắt, nguyên Thứ trưởng Xây dựng cho rằng thành phố cần kiểm soát và mở rộng diện tích ao hồ, mặt cỏ trong nội thành để giữ không gian thoát nước. Hà Nội phải sớm hoàn thành các dự án cống thoát, trạm bơm còn dang dở, đầu tư đồng bộ cho hệ thống thoát nước ở khu đô thị mới.
Giáo sư Vũ Trọng Hồng đề xuất thành phố đầu tư “bóng khí tượng”, đo lượng nước tích trữ trong các đám mây trên cao. Đây là công nghệ giúp tính toán, dự báo những khu vực có lượng mưa bất thường để cảnh báo cho người dân cũng như cơ quan chức năng đối phó úng ngập.
Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam thì cho rằng Hà Nội có thể học tập kinh nghiệm chống ngập úng ở các thành phố lớn, như xây bể ngầm trữ nước, đối phó với những hiệu ứng thời tiết bất thường như trận mưa hôm 29/5.
Với diện tích tương đương với sân bóng đá, ông Tùng gợi ý bể ngầm này có thể dùng luôn làm nơi tích nước trong mùa khô phục vụ nông nghiệp.
Nguồn: Vnexpress
© 2024 | Thời báo ĐỨC