18.000 chai tương ớt Chin-su: Vì sao Nhật cấm, Việt Nam cho phép?

Việc chính quyền thành phố Osaka, Nhật Bản thu hồi trên 18.000 chai tương ớt Chin-su của Công ty Masan (Việt Nam) đang gây lo lắng cho người tiêu dùng Việt.

Lý do thu hồi tương ớt Chin-su là trong sản phẩm có chứa chất bảo quản acid benzoic – bị cấm dùng trong tương ớt ở Nhật Bản.

Nhưng theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, quy định trong hai danh mục phụ gia được phép sử dụng năm 2012 và 2015 của Bộ Y tế, chất này lại được phép dùng trong sản phẩm quả dạng nghiền, như tương ớt.

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 7-4, một chuyên gia của Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho rằng cục này đang đợi thông tin chính thức xung quanh việc thu hồi tương ớt từ Nhật Bản và mạng lưới cảnh báo Infosan.

132 1 18000 Chai Tuong Ot Chin Su Vi Sao Nhat Cam Viet Nam Cho Phep

Những chai tương ớt Chin-su bị thu hồi tại Osaka. Ảnh: Osaka city

Cục An toàn thực phẩm dự kiến có quyết định về việc yêu cầu Masan báo cáo và làm rõ việc bị phía Nhật thu hồi vào hôm nay 8-4.

Với câu hỏi đang là băn khoăn của nhiều người vì sao Nhật Bản không cho phép acid benzoic trong tương ớt, Việt Nam lại cho phép, một lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm cho rằng quy định các nước khác nhau do nhu cầu sử dụng thực phẩm của mỗi nước.

Ví dụ sản phẩm xì dầu (nước tương), cách sử dụng tại Việt Nam là dùng trực tiếp, nhưng có quốc gia lại sử dụng để nấu nướng, vì thế quy định có khác nhau.

Chuyên gia về an toàn thực phẩm kể trên cũng cho biết trước đây Codex không cho phép dùng acid benzoic trong sản phẩm dành cho trẻ nhỏ, do có bằng chứng về nguy cơ gây tăng động ở trẻ em. Tuy nhiên ở Việt Nam lại chưa có sản phẩm nào có cảnh báo về lứa tuổi có thể sử dụng sản phẩm.

“Nhiều nước châu Âu cũng không cho phép sử dụng xúc xích chứa một số chất bảo quản cho trẻ em dưới 3 tuổi” – chuyên gia này cho biết.

Chất bị cấm dùng trong tương ớt ở Nhật Bản nhưng tại Việt Nam lại được phép dùng trong sản phẩm quả dạng nghiền. Lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế nói gì?

Tùy vào lượng ăn

Tại Việt Nam, hàm lượng acid benzoic cho phép (theo thông tư 27/2012 và thông tư 08/2015 của Bộ Y tế là 1gr/kg sản phẩm.

Lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm cũng cho rằng việc xây dựng quy định với thực phẩm dựa theo một số nguyên tắc, trong đó có tính đến cách tiêu thụ thực phẩm của người dân nước đó, như thường xuyên sử dụng thực phẩm nào, ăn bao nhiêu…

“Quan trọng là không được vượt quá giới hạn cho phép và đúng đối tượng thực phẩm” – vị này cho biết.

Nguồn: Tuổi Trẻ


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày