Ngày 24-12, TP.HCM tổ chức hội nghị kỷ niệm 60 năm truyền thống ngành dân số Việt Nam với chủ đề "60 năm ngành dân số, vì một Việt Nam phát triển bền vững".
Đánh giá về kết quả thực hiện chiến lược dân số và sức khỏe sinh sản giai đoạn 2016-2020, ông Phạm Chánh Trung - chi cục trưởng Chi cục Dân số và kế hoạch hóa gia đình TP.HCM - cho biết tổng tỉ suất sinh đang có xu hướng tăng trở về mức hợp lý mặc dù còn khá thấp, năm 2020 tổng tỉ suất sinh là 1.53 con/phụ nữ, tỉ suất giới tính sinh hằng năm được duy trì ở mức 106-108 trẻ nam/100 trẻ nữ, TP đang trong thời kỳ dân số vàng.
Bên cạnh những thành tựu đạt được trong 5 năm qua cũng bộc lộ các tồn tại khó khăn, hiện nay tổng tỉ suất sinh ở mức rất thấp so với mức sinh thay thế của cả nước và đang được xếp trong nhóm 21 tỉnh có mức sinh thấp nhất cả nước. Mức sinh thấp kéo dài sẽ để lại nhiều hệ lụy như già hóa dân số nhanh, thiếu hụt nguồn lao động, ảnh hưởng đến an sinh xã hội...
Dân số đông, biến động dân cư rất lớn, người dân nhập cư đông, các vấn đề về nhà, việc làm, môi trường ô nhiễm, vệ sinh an toàn thực phẩm, dịch bệnh... là những áp lực, khó khăn trong công tác quản lý nhà nước về dân số.
Bên cạnh đó, tình hình kiểm soát tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đạt hiệu quả, tuy nhiên nếu không duy trì các giải pháp can thiệp chủ động thì vẫn có thể tăng trong thời gian tới. Nội dung về nâng cao chất lượng dân số trong quá trình triển khai có những hoạt động còn chưa có sự tập trung, sự đồng bộ trong quá trình triển khai thực hiện giữa các cấp, các ngành trong việc nâng cao thể chất, trí tuệ, tinh thần... cho người dân.
Để khắc phục những khó khăn trên, chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 tại TP.HCM giai đoạn 2021-2025 đề ra mục tiêu tổng quát: "Nỗ lực giải quyết tình trạng mức sinh thấp; kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý, nâng cao chất lượng dân số nhằm góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của TP".
Cụ thể, TP sẽ nỗ lực giải quyết tình trạng mức sinh thấp, đẩy mạnh thông điệp tuyên truyền "mỗi cặp vợ chồng sinh đủ 2 con", phấn đấu tổng tỉ suất sinh vào năm 2025 đạt 1,4 con, hướng tới năm 2030 là 1,6 con.
Ông Nguyễn Hữu Hưng - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM - phát biểu tại hội nghị - Ảnh: THU HIẾN
Ông Nguyễn Hữu Hưng - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM - cho biết TP đang phải đối mặt với khó khăn, trước mắt là ưu tiên giải quyết mức sinh thấp. Theo số liệu vào năm 2.000, mức sinh TP đã đi ngang và xu hướng đi xuống. Cần xử lý nghiêm trường hợp lựa chọn giới tính thai nhi.
Không chỉ TP.HCM mà 21 tỉnh có mức sinh thấp đa số là khu vực phía Nam xung quanh TP, chính vì vậy về lâu dài nguồn lao động sẽ bị ảnh hưởng.
Bên cạnh đó, hiện nay số cặp vợ chồng đi khám trước hôn nhân thật sự còn khá ít so với mong muốn. Kinh phí đi khám sức khỏe tiền hôn nhân đều do người đi khám chịu, những trường hợp khó khăn phải có hỗ trợ để nâng cao tỉ lệ này.
Kho dữ liệu điện tử là ưu điểm của TP, nhưng không kịp thời cập nhật số liệu ở địa phương, do đó kho dữ liệu sẽ không đáp ứng. Dân số thực tế ở từng quận huyện, các địa phương phải cập nhật liên tục.
Ông Hưng cũng cho biết thêm, tuổi thọ của người dân TP cao hơn so với trung bình cả nước 76,6 tuổi. Đợt dịch vừa qua cho thấy số tử vong do COVID-19 là người có bệnh nền, trên 50 tuổi chiếm 90%; hầu như trên 60 tuổi đều mang 1-2 bệnh mãn tính không lây.
Kết quả báo cáo tại hội nghị cũng cho thấy tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam được ghi nhận từ năm 2006, đặc biệt trong 10 năm trở lại đây, tỉ số giới tính khi sinh (số bé trai/100 bé gái) luôn ở mức cao (lớn hơn 110). Dự báo, nếu tỉ số giới tính khi sinh vẫn giữ nguyên như hiện nay, Việt Nam sẽ có 1,5 triệu nam giới dư thừa vào năm 2034 và tăng lên 2,5 triệu vào năm 2059.
Mất cân bằng giới tính khi sinh phản ánh tình trạng bất bình đẳng giới sâu sắc, dẫn đến các hệ lụy về cấu trúc gia đình và nhiều vấn đề kinh tế - xã hội trong tương lai (bạo lực, buôn bán phụ nữ, trẻ em gái, mại dâm...).
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online
© 2024 | Thời báo ĐỨC