Ukraine khẩn thiết yêu cầu Pháp, Anh cho phép tấn công sâu vào lãnh thổ Nga

Sau khi lực lượng Ukraine tấn công xâm nhập vào vùng Kursk, Kiev đã đề xuất các chính phủ phương Tây cho phép họ sử dụng vũ khí viện trợ để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga. Quân đội Ukraine đã được Đức cho phép sử dụng vũ khí và thiết bị do họ viện trợ trong cuộc tấn công ở Kursk.

1 Ukraine Khan Thiet Yeu Cau Phap Anh Cho Phep Tan Cong Sau Vao Lanh Tho Nga

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine, Rustem Umerov, đã có một cuộc "trao đổi hiệu quả" với người đồng cấp Pháp, Sebastien Lecornu.

Chia sẻ trên nền tảng X, ông Rustem Umerov cho biết: "Chúng tôi đã thảo luận về tình hình hiện tại trên chiến tuyến. Tôi nhấn mạnh sự cần thiết phải dỡ bỏ lệnh cấm tấn công các mục tiêu quân sự trên lãnh thổ của kẻ thù".

Bộ trưởng Pháp Lecornu cũng cho biết trên X rằng ông và người đồng cấp Umerov đã thảo luận về "sự phát triển của tình hình trên chiến trường, cũng như sự hỗ trợ tiếp theo của Pháp" cho Kyiv.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nói vào cuối tháng 5 rằng Kiev nên được phép "vô hiệu hóa" các cơ sở quân sự mà Nga sử dụng để phóng tên lửa vào lãnh thổ Ukraine. Tuy nhiên, Macron đã cấm "tấn công vào các mục tiêu khác ở Nga và rõ ràng là vào các mục tiêu dân sự."

Vào mùa xuân, Ukraine đã được Mỹ đồng ý để sử dụng vũ khí sản xuất tại Mỹ tấn công Nga, nhưng chỉ ở khu vực Kharkov. Việc sử dụng tên lửa ATACMS tầm xa hoặc các loại vũ khí tầm xa khác cho mục đích này bị cấm.

The Washington Post, trích dẫn một cố vấn không được nêu tên của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, cho biết sau khi lực lượng Ukraine xâm nhập vào khu vực Kursk, Kiev đã yêu cầu Washington cho phép sử dụng ATACMS để tấn công các sân bay trên lãnh thổ Nga nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công trả đũa của Nga.

Ngay trước khi tấn công xuyên qua biên giới Nga, đại diện của nhóm Kharkov thuộc Lực lượng Vũ trang Ukraine thông báo rằng, Kiev đã nhận được sự cho phép sử dụng tên lửa Mỹ để tấn công Nga nhưng không xa hơn Belgorod.

Trong khi đó, tờ The Telegraph của Anh đưa tin, Vương quốc Anh không cho phép Ukraine sử dụng tên lửa Storm Shadow tầm xa để hỗ trợ cuộc xâm nhập vào khu vực Kursk của Nga cho dù có những lời kêu gọi từ Kiev.

Một nguồn tin từ chính phủ Anh nói với tờ báo rằng "không có sự thay đổi" trong lập trường của London về việc sử dụng các tên lửa  có tầm bắn lên tới 550 km này. Anh hiện cho phép Ukraine sử dụng chúng để tấn công Crimea và các khu vực khác mà Kiev tuyên bố chủ quyền, nhưng không cho phép tấn công vào lãnh thổ Nga được quốc tế công nhận, vì lo ngại điều này có thể làm leo thang xung đột.

Theo The Telegraph, quyết định về cách Ukraine có thể sử dụng tên lửa Storm Shadow không chỉ thuộc về London, vì chúng được sản xuất hợp tác chặt chẽ với Pháp, nước cũng có tiếng nói trong vấn đề này. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nói rằng Ukraine có thể tấn công các mục tiêu sâu trong lãnh thổ Nga, nhưng chỉ những mục tiêu từ đó Nga phóng các cuộc tấn công của mình.

Về phía Đức, Ukraine đã được Đức cho phép sử dụng vũ khí và thiết bị do họ viện trợ trong cuộc tấn công ở Kursk.

Bộ Quốc phòng Đức cho biết các vật phẩm cung cấp hiện là "vũ khí của Ukraine" và Kiev có "quyền tự do" trong việc sử dụng chúng trong cuộc chiến chống lại Nga, theo các báo cáo của truyền thông châu Âu.

Người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Đức nói rằng các vũ khí được trao cho Ukraine không đi kèm với các điều kiện cụ thể, nói: "Sau khi vũ khí từ Đức được chuyển giao cho Ukraine, chúng đã thuộc về Ukraine, đó là vũ khí của Ukraine... Không có trở ngại, vì vậy Ukraine có quyền tự do lựa chọn cơ hội."

Giống như nhiều quốc gia thành viên NATO khác, Đức đã hỗ trợ Ukraine trong xung đột với Nga bằng cách cung cấp thiết bị quân sự và tình báo. Vào đầu năm nay, các quan chức Đức đã công bố gói vũ khí trị giá 542 triệu USD cho Ukraine, bao gồm đạn dược cho hệ thống phòng không IRIS-T, được sử dụng để đối phó với các cuộc không kích của khủng bố Nga.

Nguồn: Báo điện tử DÂN VIỆT


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày