Tổng cục Tình báo Quốc phòng Ukraine (GUR) ngày 9/6 thông báo lực lượng nước này trước đó một ngày đã đánh trúng một tiêm kích Su-57 đậu ở sân bay Akhtubinsk thuộc Cộng hòa Astrakhan, miền nam nước Nga. Sân bay này cách tiền tuyến ở miền đông Ukraine 589 km.
Hình ảnh vệ tinh GUR đăng kèm cho thấy chiếc phi cơ Su-57 tại sân bay sau vụ tập kích, bên cạnh là các vết cháy sém và những hố nhỏ do các vụ nổ tạo ra. GUR cho biết đòn đánh khiến chiếc tiêm kích bị hư hại, song không đề cập phương thức tấn công.
Andrii Yusov, phát ngôn viên quân đội Ukraine sau đó cho biết có thể hai tiêm kích Su-57, chứ không phải một, đã trúng đòn. "Thông tin sơ bộ cho thấy có khả năng hai chiếc Su-57 đã bị ảnh hưởng. Ngoài ra còn có thông tin về tổn thất không thể khắc phục và quân nhân Nga bị thương", ông Yusov cho hay.
Bộ Quốc phòng Nga chưa đưa ra bình luận.
Ảnh vệ tinh tiêm kích Su-57 tại căn cứ Akhtubinsk trước và sau vụ tấn công của Ukraine. Ảnh: GUR
Chuyên gia quân sự David Axe của Forbes nhận định thông tin từ phía Ukraine đáng tin cậy, do sân bay Akhtubinsk là nơi đồn trú của rất nhiều phi cơ hiện đại của Nga, bao gồm chiến đấu cơ Su-35, máy bay không người lái (UAV) Okhotnik và đặc biệt là Su-57, dòng tiêm kích hiện đại nhất của Moskva và được cho là đối trọng với phi cơ F-22 do Mỹ sản xuất.
Tính đến năm 2019, có ít nhất 6 chiếc Su-57 được triển khai tại căn cứ Akhtubinsk. Phi hành đoàn thường đậu những chiếc tiêm kích này ở ngoài trời, điều vấp phải chỉ trích gay gắt từ kênh Telegram Fighter Bomber, tài khoản của một phi công tiêm kích Nga với hơn 460.000 người theo dõi.
Tiêm kích Su-57 Nga tại triển lãm hàng không ở tỉnh Moskva năm 2021. Ảnh: RIA Novosti
Kênh này đặt câu hỏi tại sao đã hơn hai năm chiến sự mà lực lượng Nga vẫn không xây hầm trú ẩn kiên cố cho những chiếc phi cơ tại sân bay.
"Họ có thể xây nhiều hầm trú ẩn với số tiền bỏ ra để chế tạo một chiếc Su-57", Fighter Bomber bình luận. Theo Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại (FPRI) có trụ sở tại Mỹ, tiêm kích Su-57 có giá 35-54 triệu USD mỗi chiếc.
Không chỉ riêng Nga đang thiếu hụt hầm trú ẩn kiên cố dành cho máy bay. Lực lượng Ukraine cũng đôi khi phải đậu chiến đấu cơ ở ngoài trời, điều khiến chúng dễ trở thành mục tiêu của UAV tự sát Lancet.
"Dù vậy, Ukraine hiện tập kích sân bay đối phương hiệu quả hơn so với Nga, phần lớn nhờ nước này sở hữu kho UAV tầm xa ngày càng lớn và sự chậm chạp trong quá trình ra quyết định của Moskva", chuyên gia Axe nhận định.
Các chỉ huy không quân Ukraine cũng thường xuyên phân tán tiêm kích tới các sân bay khác nhau, thậm chí đậu chúng ở cả trên đường cao tốc, nhằm khiến đối phương gặp khó khăn khi muốn nhắm mục tiêu.
Trong khi đó, quân đội Nga không làm như vậy mà chỉ chuyến tiêm kích đến căn cứ khác sau khi đã lên kế hoạch từ rất lâu, thường là sau khi một cơ sở liên tục bị Ukraine tấn công bằng tên lửa và UAV, theo Axe.
Vị trí Cộng hòa Astrakhan ở miền nam nước Nga. Đồ họa:Google Maps
Phạm Giang (Theo Forbes, RBC Ukraine, Reuters)
Nguồn: VNEXPRESS.NET
© 2024 | Thời báo ĐỨC