UAV Inokhodets trong một nhiệm vụ không kích ở Ukraine (Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga).
Mykhailo Fedorov, Phó Thủ tướng Ukraine về Đổi mới, Giáo dục, Khoa học và Phát triển Công nghệ của Ukraine, thông báo nước này đang phát triển hệ thống tác chiến điện tử (EW) mới mang tên Piranha AVD 360.
Tổ hợp này được thiết kế để bảo vệ xe bọc thép và binh lính khỏi đòn tấn công của UAV Nga.
Một trong những thách thức lớn nhất hiện nay mà ngành công nghiệp vũ khí phải đối mặt là tìm ra giải pháp chống lại máy bay không người lái.
Cuộc xung đột hơn 20 tháng ở Ukraine cho thấy vai trò nổi bật của UAV trên tiền tuyến. Cả 2 bên đã gây ra không ít thiệt hại nghiêm trọng cho đối phương nhờ sử dụng UAV.
Hệ thống Piranha AVD 360 được thiết kế để tạo ra một lá chắn phòng thủ kéo dài 600m, có khả năng làm gián đoạn khả năng hoạt động của máy bay không người lái bằng cách chặn tín hiệu chỉ huy và truyền dữ liệu của chúng.
Sự can thiệp này có thể khiến máy bay không người lái không thể bay lơ lửng trên không, buộc chúng phải hạ cánh ngay lập tức hoặc lao thẳng xuống không kiểm soát.
Ông Fedorov nhấn mạnh hệ thống này sẽ không chỉ có hiệu quả chống lại UAV mà còn có khả năng gây nhiễu các hệ thống định vị vệ tinh, bao gồm cả GLONASS của Nga.
Ông xác nhận rằng Piranha AVD 360 đã hoàn thành quá trình thử nghiệm nghiêm ngặt trên hiện trường và hiện đã sẵn sàng để sản xuất hàng loạt.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của tiến bộ công nghệ trong chiến sự, ông Fedorov tuyên bố rằng những sáng chế như Piranha AVD 360 là rất quan trọng để đạt được lợi thế trước đối phương và tăng cường khả năng bảo vệ quân nhân.
Vũ khí tác chiến điện tử thường được gọi là "sát thủ vô hình" vì đây là các khí tài quân sự sử dụng năng lượng điện từ để tấn công hoặc làm gián đoạn hoạt động của đối thủ.
Nó có thể vô hiệu mọi thiết bị sử dụng điện và có thể được thực hiện từ mặt đất, trên không, trên bộ, trên biển và trong không gian mà không cần sử dụng tới thuốc nổ, hay các đòn đánh trực diện.
Một báo cáo trước đó của chuyên trang quân sự Eurasian Times cho biết, Nga tỏ ra chiếm ưu thế trước Ukraine trong lĩnh vực tác chiến điện tử, khi có thể đánh chặn từ UAV, thiết bị thông tin liên lạc, tín hiệu định vị vệ tinh.
Ukraine cũng sở hữu một số tổ hợp EW nhưng khả năng phủ trên tiền tuyến và uy lực không bằng Nga. Việc Kiev cố gắng bắt kịp đối phương trong EW là cần thiết để đảm bảo có thể phát huy ưu thế của UAV trong một cuộc chiến tiêu hao kéo dài.
Ngoài ra, tháng trước, ông Fedorov tiết lộ nước này đã sở hữu công nghệ mới có thể giúp Kiev vượt qua đòn đánh chặn bằng vũ khí tác chiến điện tử của Nga. Theo ông, Himera là "một công nghệ độc đáo hoạt động bất chấp nỗ lực tác chiến điện tử của đối phương".
Himera được thiết kế để chuyển tiếp tín hiệu, nó có thể được gắn vào một máy bay không người lái bay lơ lửng trên mặt đất để phi công có thể điều khiển từ xa mà không lo bị gián đoạn đường truyền. Điều này đặc biệt hữu dụng khi Ukraine đang gia tăng sử dụng UAV trên tiền tuyến.
Theo Defense Express
Nguồn: Báo điện tử Dân trí
© 2024 | Thời báo ĐỨC