Tổng thống Donald Trump sẽ định hình chính sách Biển Đông?

Các chuyến thăm của các tổng thống Mỹ, cường quốc số một thế giới, đến Việt Nam luôn thu hút sự quan tâm đặc biệt không chỉ từ Việt Nam mà từ một số quốc gia khác trong khu vực.

Truyền thông quốc tế và báo chí trong nước vừa qua đã dẫn thông cáo của Nhà Trắng cho hay Tổng thống Trump và Đệ nhất Phu nhân Melania Trump sẽ tới Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam và Philippines, trước khi đến bang Hawaii của Mỹ. Tại Việt Nam, ông sẽ dự Tuần lễ cấp cao APEC ở Đà Nẵng (6-11/11). Chuyến thăm này hiện đang làm nóng dần các diễn đàn bàn luận về vấn đề, liệu rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ thể hiện một đường lối mạch lạc tại Biển Đông thời gian tới.

Ông Trump vẫn chưa “mạnh mẽ” hơn thời Obama

Có thể nói đến lúc này, Donald Trump, dù từng mạnh mẽ chỉ trích chính quyền Obama “yếu kém trong việc bảo vệ vùng biển quốc tế tại Biển Đông”, thì vẫn đang tiếp tục chính sách tái cân bằng thời Obama đối với khu vực châu Á Thái Bình Dương nói chung và Biển Đông nói riêng, dù việc triển khai không mạch lạc và thiếu sự ổn định do những cam kết có phần “quá trớn” của ông Trump khi còn tranh cử.

Nhìn vào cam kết “nước Mỹ trên hết” theo thế giới quan thực dụng của Trump cùng đội ngũ nội các thiếu hụt nhiều vị trí quan trọng trong khi Trump thiếu (nếu không muốn nói là không có) kinh nghiệm trong việc ứng xử với những quốc gia tham vọng như Trung Quốc và các đồng minh, đối tác tại khu vực, sẽ thấy rằng rất khó để Mỹ đẩy ưu tiên vào khu vực biển Đông vào thời điểm hiện nay.

Trước thời Donald Trump, Mỹ duy trì chính sách tại biển Đông với những nguyên tắc căn bản: Một là Mỹ căn cứ vào tình hình cang thẳng tại khu vực để áp dụng những chính sách thức thời; Hai là trung lập với các yêu sách chủ quyền; Ba là tập trung vào tiến trình và nguyên tắc giải quyết vấn đề hơn là kết quả cuối cùng; Và bốn là chuyển tới Trung Quốc thông điệp về “cái giá phải trả cho hành vi cưỡng ép và theo đuổi các yêu sách trái với thông lệ của luật quốc tế”. Các nguyên tắc này được duy trì từ suốt 1995 đến trước khi Trump nhậm chức, với những lý giải về hai lợi ích chủ chốt của Mỹ tại khu vực, đó là “tự do hàng hải” và “duy trì hòa bình tại khu vực”.

Tổng thống Donald Trump sẽ định hình chính sách Biển Đông? - 0

Kịch bản nào thời Donald Trump?

Rõ ràng, sự phát triển của hải quân Trung Quốc và việc chiếm hữu trái pháp luật các thực thể tại biển Đông đều tổn hại đến hai lợi ích căn bản của Mỹ. Dẫu vậy, Mỹ còn lợi ích không nhỏ khác đó là làm ăn với Trung Quốc – điều mà một người lãnh đạo thực dụng như Trump sẽ khó có khả năng mạo hiểm.

Tư duy “Mỹ kiềm hãm Trung Quốc mạnh lên” hay “Mỹ mong muốn đối đầu và hạ bệ Trung Quốc” cần được điều chỉnh bởi lập luận: “Trung Quốc mạnh lên (một cách hợp pháp) thì Mỹ sẽ có lợi”. Như vậy về căn bản, thời của Trump cũng sẽ nhìn thấy những nguyên tắc đã nêu vẫn lặp lại mà trọng tâm vẫn là “trung lập” và “thiết lập luật chơi” cho các bên giải quyết mâu thuẫn. Ngay cả khi Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson hồi tháng 1-2017 tuyên bố rằng: “Chúng ta sẽ phải gửi đến Trung Quốc một tín hiệu rõ ràng rằng, trước tiên, việc bồi đắp đảo phải ngừng lại, và thứ hai, họ không được tiếp cận các hòn đảo này”, thì việc diễn dịch tuyên bố này theo nghĩa “Mỹ sẽ sẵn sàng đụng độ hay chiến tranh với Trung Quốc tại biển Đông” là hoàn toàn sai lầm.

Một trong những kịch bản khả dĩ thời Trump tại biển Đông chính là Mỹ vẫn không có một chính sách mới hay mạch lạc tại khu vực ngoài những động thái cầm chừng trên nền tảng chính sách của Obama. Điều này không phải không có lý do. Một là Trump khó có thể đối đầu với Trung Quốc mà không nghĩ đến những lợi ích kinh tế mà Bắc Kinh mang lại; Hai là bản thân Trump và nội các chưa hoàn thiện, ít nhất là vạch ra một đường lối rõ ràng; Ba là nội bộ Mỹ đang tồn đọng quá nhiều vấn đề mà Trump phải giải quyết, kể cả những rắc rối mà bản thân vị tổng thống này gây ra trong suốt thời gian qua.

Một kịch bản khả dĩ khác được Giáo sư Alexander Vuving diễn giải dựa trên tuyên bố nêu trên của Rex Tillerson, đó là Mỹ sẽ đối trọng Trung Quốc (nhưng vẫn né tránh những cuộc chiến không cần thiết) bằng cách tận dụng “năng lực tổng hợp”, nơi có Mỹ là trung tâm nhưng không phải là duy nhất. Nghĩa là, Mỹ sẽ không tập trung vào một cuộc phong tỏa quân sự, mà kết hợp với đồng minh và đối tác thực hiện các biện pháp ngoại giao, trừng phạt kinh tế với Trung Quốc.

Ví dụ Mỹ tiến hành những trừng phạt có chọn lọc mục tiêu, điển hình là nhắm vào “những cá nhân và công ty đã hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi, hay là tham gia những hoạt động phi pháp của Bắc Kinh ở Biển Đông”, như “đóng băng tài sản và cấm đi lại đối với những cá nhân và tổ chức đã “tham gia các dự án xây dựng và phát triển” trong những khu vực tranh chấp và những ai đã “đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định” ở Biển Đông và Biển Hoa Đông”. Mặt khác, có thể sử dụng chiến lược “bắp cải” của Trung Quốc – tạo ra các lớp vỏ bọc tàu dân sự và hành pháp để bảo vệ các mục tiêu, chống Trung Quốc tiếp cận.

Ely Ratner, nghiên cứu viên cao cấp của Hội đồng Chính sách Đối ngoại, cũng đưa ra gợi ý chính sách rằng chính quyền Trump cần đưa ra một cảnh báo rõ ràng với Trung Quốc rằng nếu Bắc Kinh vẫn cố gắng tiếp tục xây dựng các đảo nhân tạo hay triển khai các khí tài quân sự mạnh (ví dụ: tên lửa tầm xa hay máy bay chiến đấu) thì Mỹ sẽ thay đổi hoàn toàn chính sách đối với Biển Đông. Nói cách khác, Mỹ sẽ từ bỏ lập trường trung lập để gia tăng nỗ lực trợ giúp các quốc gia trong khu vực phòng vệ chống lại sự cưỡng ép của Trung Quốc. Tuy nhiên, dường như đó không phải là ưu tiên khả dĩ của Trump.

Với việc bài trừ các quan hệ truyền thống với khối đồng minh của Mỹ, quan hệ “không mặn mà” của Mỹ và Philippines, việc rút khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), việc gia tăng chi phối và ảnh hưởng của Trung Quốc với các quốc gia tại khu vực mà mới nhất là rầm rộ triển khai “Một Vành đai, Một Con đường” thì khả năng Mỹ chủ động thực hiện các biện pháp nói trên là điều vẫn chưa thể khẳng định chắc chắn. Đến nay vẫn chưa có nhiều dấu hiệu cho thấy sự quyết đoán của Trump trong hướng đi này. Trái lại, trước các động thái tăng cường quân sự hóa các khu vực chiếm đóng tại Biển Đông của Trung Quốc thời gian gần đây, chính quyền Trump chỉ dừng lại ở việc đưa ra những lời hứa “táo bạo” hơn chứ thực tế vẫn chưa có những động thái phản ứng mạnh mẽ, tương ứng với sức ép từ Trung Quốc. Điển hình như việc chính quyền Trump, tính đến tháng 6-2017 đã ba lần từ chối các cuộc tuần tra xung quanh các đảo nhân tạo trái phép của Bắc Kinh. Ngay cả khi bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 16 ở Singapore đã cáo buộc hành vi bồi lập và quân sự hóa của Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế thì cho đến nay, đó cũng chỉ là sự lặp lại quan điểm Mỹ từ thời Tổng thống Obama, có chăng là ngôn từ mạnh hơn.

Chuyến thăm Việt Nam lần này của ông Trump không chỉ mang lại kỳ vọng về khả năng hiểu nhau hơn giữa Mỹ và các đối tác, các đồng minh tại Châu Á-Thái Bình Dương; mà còn ở việc khẳng định quan điểm và đường lối mạch lạc của Mỹ thời Donald Trump, dù có giống hay lặp lại những chính sách của người tiền nhiệm – Cựu tổng thống Obama – trong thời gian tới.

Đỗ Thiện*

* Nghiên cứu viên Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (SCIS), ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐH Quốc gia TP.HCM

 

 


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày