Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đứng trước đống tàn tích một xưởng in bị dính không kích Nga ở Kharkov hôm 26-5 - Ảnh: AFP
Cố vấn quân sự Pháp sắp đến Ukraine
Theo Hãng tin Reuters, ngày 27-5 (giờ địa phương), Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine Oleksandr Syrskyi tuyên bố đã hoàn thành thủ tục cho phép các cố vấn quân sự Pháp đến thăm các cơ sở huấn luyện của Kiev trong thời gian tới.
Ông Syrskyi tuyên bố trên Telegram sau cuộc họp trực tuyến với Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sebastien Lecornu: "Tôi rất vui khi được hoan nghênh sáng kiến cử cố vấn Pháp đến Ukraine để huấn luyện binh sĩ Ukraine.
Tôi đã ký các tài liệu cần thiết để những cố vấn Pháp đầu tiên đến thăm những cơ sở huấn luyện của chúng tôi sớm và làm quen với cơ sở hạ tầng và nhân sự ở đó".
Tổng tư lệnh quân đội Ukraine không cung cấp thêm thông tin cụ thể, song ông không quên nhấn mạnh niềm tin rằng quyết tâm của Pháp sẽ thôi thúc những đối tác khác theo đuổi "dự án tham vọng" này.
Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Pháp thông tin với Reuters: "Như đã đề cập nhiều lần, việc huấn luyện trên đất Ukraine là một trong những dự án được bàn thảo kể từ hội thảo về việc hỗ trợ Ukraine được Tổng thống [Emmanuel Macron] chủ trì hôm 26-2.
Như các dự án khác được thảo luận khi đó, sáng kiến này vẫn đang được bàn luận cùng phía Ukraine, nhất là ở khâu hiểu rõ nhu cầu chính xác của họ".
Nga tố Ukraine tấn công Matxcơva, Luhansk
Ngày 27-5, Thống đốc vùng Matxcơva Andrei Vorobyov khẳng định lực lượng phòng không nước này đã bắn hạ một máy bay không người lái (drone) Ukraine ở ngay ngoài không phận thủ đô.
Ông Vorobyov cho rằng vào khoảng 21h (giờ địa phương), các mảnh vỡ của drone trên đã rơi xuống một nhà dân ở Balashikha, phía đông thành phố Matxcơva. Rất may, không ai bị thương trong vụ việc này.
Thành phố Luhansk nằm trong lãnh thổ thế giới công nhận của Ukraine do Nga kiểm soát cũng đã ghi nhận một cuộc tấn công bằng tên lửa của Kiev trong ngày 27-5.
Thống đốc vùng Luhansk do Nga bổ nhiệm Leonid Pasechnik khẳng định trên Telegram rằng vụ tấn công trên được thực hiện bằng bom chùm.
Ông Pasechnik tuyên bố vẫn đang ghi nhận thông tin về thiệt hại người và của. Trong khi đó, Hãng thông tấn TASS dẫn nguồn cơ quan chức năng cho biết cuộc tấn công khiến một vài người bị thương.
Căng thẳng Trung Đông
Cậu bé người Palestine đứng trước một chiếc xe bị phá hủy do trận không kích nhầm của quân đội Israel vào một trại tị nạn ở Rafah - Ảnh: AFP
* Phản ứng thế giới vụ Israel không kích nhầm trại tị nạn
Ngày 27-5, một loạt nước phương Tây đã lên tiếng xoay quanh vụ quân đội Israel không kích nhầm một khu lều của người dân Palestine ở thành phố Rafah, làm ít nhất 45 người thiệt mạng.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu khẳng định cuộc tấn công trên là "sai lầm bi kịch", song vẫn nhấn mạnh cuộc không kích đã tiêu diệt hai quan chức cấp cao Hamas, trong đó có tham mưu trưởng lực lượng này ở Bờ Tây.
Ngay sau vụ việc trên, Washington đã yêu cầu Tel Aviv cố gắng nhiều hơn trong việc giảm rủi ro nhân mạng ở Gaza, song không đề cập việc yêu cầu quân đội Israel ngừng hoạt động quân sự tại Rafah.
Một người phát ngôn Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ cho biết: "Israel có quyền truy đuổi Hamas, và chúng tôi hiểu rõ rằng cuộc tấn công đã tiêu diệt hai quan chức Hamas cấp cao có trách nhiệm trong các cuộc tấn công chống lại dân thường Israel. Nhưng chúng tôi cũng đã thể hiện rõ rằng Israel phải thực hiện mọi biện pháp phòng ngừa để bảo vệ dân thường".
Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định ông "rất tức giận" vì những cuộc tấn công gần đây của Tel Aviv.
Ông Macron viết trên X: "Các chiến dịch này phải dừng lại. Ở Rafah hiện không còn chỗ nào an toàn cho dân thường Palestine". Ngay sau đó, khoảng 10.000 người đã biểu tình trước cổng Đại sứ quán Israel tại Paris để phản đối các hoạt động quân sự trên.
Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock và Đại diện cấp cao Liên minh châu Âu (EU) về chính sách đối ngoại và an ninh Josep Borrell kêu gọi phán quyết của Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) phải được tôn trọng.
Bà Baerbock nhắc nhở: "Pháp luật quốc tế về nhân đạo được áp dụng với tất cả mọi trường hợp, bao gồm các hành động chiến tranh của Israel".
Trong khi đó, Chính phủ Canada cũng cho biết "kinh hoàng" trước cuộc tấn công nhầm vào Rafah. Ngoại trưởng nước này Melanie Joy viết trên X: "Canada không ủng hộ hoạt động quân sự của Israel ở Rafah. Mức độ thống khổ của con người như thế này phải chấm dứt".
Algeria - thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc - cũng đã triệu tập phiên họp khẩn cấp của cơ quan này vào ngày 28-5 để thảo luận về cuộc tấn công trên.
Binh sĩ Ai Cập và Israel giao tranh chết người ở Rafah
Ngày 27-5, một người phát ngôn quân đội Ai Cập cho biết một binh sĩ nước này đã tử nạn sau vụ đọ súng với quân đội Israel ở khu vực gần cửa khẩu Rafah nối giữa Ai Cập và Dải Gaza. Cairo đang điều tra vụ việc này.
Hai quan chức an ninh Ai Cập ẩn danh cho biết một binh sĩ nước này trực tại tháp canh gần cửa khẩu Rafah phát hiện một xe bọc thép chở binh sĩ Israel vượt qua biên giới giữa hai nước. Những binh sĩ này đang đuổi đánh và giết nhiều người Palestine.
BInh sĩ Ai Cập trên đã khai hỏa và phía Israel bắn trả khiến người này tử vong tại chỗ. Điều này nhanh chóng dẫn đến vụ đọ súng giữa quân đội hai nước. Nhiều binh sĩ Israel bị thương và phải rút quân.
Trước đó, Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) cũng cho biết đang điều tra về vụ việc trên.
Thông báo của IDF nêu: "Vài tiếng trước (trong ngày 27-5), một vụ bắn nhau đã diễn ra trên biên giới với Ai Cập. Vụ việc đang được điều tra và chúng tôi đang thảo luận với phía Ai Cập".
Sau đó, Cairo đã phát cảnh báo về nguy cơ mất an ninh và an toàn đối với các lực lượng an ninh của mình. Ai Cập cũng tuyên bố sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết để ngăn vụ việc tái diễn.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu vừa bị tòa ICC ra lệnh bắt giữ - Ảnh: REUTERS
Israel sợ Tòa ICC phát lệnh bắt lãnh đạo
Ngày 27-5, Tel Aviv đã nêu lo ngại về việc Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) có thể sắp phát lệnh bắt với Thủ tướng Benjamin Netanyahu, Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant và một số lãnh đạo cấp cao khác.
Ngoại trưởng Israel Israel Katz cảnh báo các đại sứ quán nước này trên thế giới tăng cường an ninh vì có thể sắp có "làn sóng bài Do Thái nghiêm trọng".
Ông Katz nói: "Chúng tôi kỳ vọng tòa ICC sẽ không phát lệnh bắt giữ các quan chức chính trị và quân sự Israel cấp cao. Chúng tôi sẽ không cúi đầu hay bị đe dọa và vẫn sẽ tiếp tục chiến đấu".
Lực lượng Houthi tuyên bố tấn công hai tàu khu trục Mỹ
Ngày 27-5, lực lượng Houthi ở Yemen tuyên bố đã phát động tấn công ba tàu dân sự và hai tàu khu trục Mỹ trên Ấn Độ Dương và Biển Đỏ.
Lực lượng này cho biết tàu hàng bị đánh gồm các tàu Larego Desert và MSC Mechela trên Ấn Độ Dương và tàu Minerva Lisa trên Biển Đỏ. Houthi không nêu rõ các tàu khu trục nào bị tấn công.
Người phát ngôn cơ quan quân sự của Houthi Yahya Saree cho biết lực lượng này đã dùng tên lửa chống hạm và drone để tấn công tàu chiến Mỹ, song không nêu rõ thời gian diễn ra cuộc tấn công.
Hiện các công ty vận tải và quân đội Mỹ đều chưa xác nhận các cuộc tấn công trên.
Một vụ phóng tên lửa của Triều Tiên vào tháng 11-2023 - Ảnh: KCNA
Mỹ tố Triều Tiên phóng vệ tinh vi phạm nghị quyết Liên Hiệp Quốc
Quân đội Mỹ ngày 27-5 khẳng định nỗ lực phóng vệ tinh do thám quân sự của Triều Tiên hôm 27-5 là "sự vi phạm táo tợn" các hiến chương của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
Bộ Tư lệnh quân sự Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ nêu trong thông báo: "Vụ phóng có sử dụng công nghệ liên quan trực tiếp đến chương trình tên lửa đạn đạo liên lục địa của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên".
Pháp gỡ tình trạng khẩn cấp tại New Caledonia
Ngày 28-5, Pháp quyết định gỡ tình trạng khẩn cấp tại vùng lãnh thổ New Caledonia của mình tại Thái Bình Dương. Hòn đảo này rơi vào tình trạng bạo loạn trong nhiều ngày qua sau khi Hạ viện Pháp thông qua một dự luật có thể ảnh hưởng đến phong trào đòi độc lập của người bản địa tại đây.
Văn phòng Tổng thống Pháp cho biết các biện pháp giới hạn hiện đã được nới lỏng để tạo điều kiện cho Đảng FLNKS dẫn đầu phong trào độc lập tổ chức họp mặt. Chính quyền địa phương cũng đang tìm cách gỡ bỏ các rào cản được người dân lập ra trên đường.
Tuy nhiên, Paris vẫn dự kiến sẽ bổ sung 480 thành viên lực lượng chức năng để ổn định tình hình. Lệnh giới nghiêm từ 18h hôm trước đến 6h hôm sau và lệnh cấm bán cồn vẫn được áp dụng.
Ông Macron thăm Đức
Góc ảnh ấn tượng mô tả cận cảnh gương mặt của Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier cùng phu nhân Elke Budenben và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cùng phu nhân Brigitte Macron ở Berlin ngày 26-5, khi nhà lãnh đạo Pháp thăm chính thức Đức - Ảnh: REUTERS
NGỌC ĐỨC
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online
© 2024 | Thời báo ĐỨC