* Cuộc chiến trên bộ của quân đội Israel vào Dải Gaza đến rất gần* Chiến hạm Mỹ bắn hạ tên lửa và UAV nghi tấn công Israel từ hướng biển* Tình báo Mỹ báo cáo về vụ tấn công bệnh viện ở Dải Gaza
Hệ thống Iron Dome do Israel sản xuất khai hỏa - Ảnh: AFP
Mỹ chuyển hệ thống Vòm Sắt trở lại Israel
Ngày 19-10, Hãng tin Reuters tiết lộ Lầu Năm Góc đang lên kế hoạch gửi hai hệ thống phòng thủ tên lửa Iron Dome (Vòm Sắt) mua từ Israel trở lại nước này "trong vài ngày tới".
Bộ Quốc phòng đã thông báo với các thành viên Quốc hội tại cuộc họp hôm 18-10. Theo đó, Washington sẽ cho Tel Aviv "thuê" hai hệ thống Iron Dome, vốn được thiết kế để bắn chặn tên lửa và rocket các loại. Mỹ vẫn sẽ giữ quyền sở hữu các hệ thống trên.
Trước đây, Lầu Năm Góc đã xem xét và mua các hệ thống Iron Dome như một cách để bảo vệ lãnh thổ Guam khỏi tên lửa Trung Quốc.
Chiến hạm Mỹ bắn hạ tên lửa bay tới Israel
Một tàu chiến của Mỹ đã bắn chặn ba tên lửa hành trình và một số máy bay không người lái do phong trào Houthi liên kết với Iran phóng từ Yemen, khi nghi ngờ chúng có khả năng hướng tới Israel.
Tàu khu trục USS Carney, con tàu đã bắn hạ các tên lửa nói trên, đang hoạt động ở phía bắc Biển Đỏ hôm 19-10.
Người phát ngôn Lầu Năm Góc, Thiếu tướng Patrick Ryder xác nhận vụ việc. "Chúng tôi không thể nói chắc chắn những tên lửa và máy bay không người lái này đang nhắm mục tiêu gì. Tuy nhiên chúng được phóng từ Yemen hướng về phía bắc dọc theo Biển Đỏ, có khả năng hướng tới các mục tiêu ở Israel", ông này nói thêm.
Israel không kích khu Bờ Tây, nguy cơ có mặt trận mới
Các lực lượng Israel đã tấn công một trại tị nạn của người Palestine ở Bờ Tây ngày 19-10, khiến ít nhất 12 người thiệt mạng, theo các quan chức Palestine. Một sĩ quan Israel cũng thiệt mạng trong vụ việc, theo phía Tel Aviv.
Quân đội Israel xác nhận đã không kích một số mục tiêu ở Bờ Tây, đánh dấu một trong những lần hiếm hoi sử dụng không quân tại đây. Tel Aviv giải thích hành động này là do có một nhóm người Palestine "gây ra mối đe dọa cho binh lính trong khu vực". Ít nhất 10 người Palestine đã bị bắt giữ trong cuộc đột kích trên bộ.
Bạo lực ở Bờ Tây đã gia tăng kể từ khi Israel bắt đầu ném bom Dải Gaza và đụng độ với Hezbollah ở biên giới Lebanon. Theo Reuters, điều này làm dấy lên lo ngại Bờ Tây có thể trở thành mặt trận thứ ba trong một cuộc chiến rộng lớn hơn.
Hơn 70 người Palestine đã thiệt mạng trong các vụ bạo lực ở Bờ Tây kể từ ngày 7-10, khoảng 800 người đã bị Israel bắt giữ cũng từ đó.
Hàng vạn lính Israel chờ lệnh tiến vào Dải Gaza
Các binh sĩ Israel nghe Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant nói chuyện ngày 19-10 - Ảnh: REUTERS
Ngày 19-10, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant nói với quân đội tập trung tại biên giới Dải Gaza rằng họ sẽ sớm nhìn thấy vùng đất này "từ bên trong". Theo Reuters, điều đó cho thấy một cuộc tấn công trên bộ với mục đích tiêu diệt lực lượng Hamas có thể sắp đến gần.
"Bây giờ thì các anh chỉ nhìn thấy Gaza từ xa. Nhưng các anh sẽ sớm nhìn thấy nó từ bên trong. Lệnh sẽ đến", ông Yoav Gallant nói đầy ẩn ý.
Ngay sau tuyên bố trên, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã tung ra một đoạn video quay cảnh ông cùng quân đội gần biên giới với hứa hẹn sẽ giành chiến thắng.
Từ Jordan, một nước giáp Israel và Palestine, Ngoại trưởng Jordan Ayman Safadi cảm thán: "Tất cả những dấu hiệu đã cho thấy điều tồi tệ nhất đang đến".
Quân đội Israel dự kiến sẽ không tràn vào Dải Gaza trong lúc nhiều nhà lãnh đạo nước ngoài đang đến nước này tìm giải pháp cho xung đột.
Căn cứ có lính Mỹ ở Iraq, Syria bị tập kích
Hai nguồn tin an ninh cho biết các máy bay không người lái và tên lửa đã nhắm vào căn cứ không quân Ain al-Asad ở Iraq tối 19-10. Đây là nơi có lính Mỹ và các lực lượng quốc tế khác đồn trú.
Nhiều tiếng nổ được nghe thấy bên trong căn cứ này, theo Reuters. Đây là vụ tấn công thứ ba trong vòng chưa đầy 24 giờ, nhằm vào các căn cứ không quân có quân đội Mỹ đồn trú ở Iraq.
Tuần trước, các nhóm vũ trang Iraq liên kết với Iran đe dọa sẽ tấn công các lợi ích của Mỹ bằng tên lửa và máy bay không người lái nếu Washington hỗ trợ Tel Aviv chống lại Hamas ở Dải Gaza.
Trước đó, ngày 18-10, quân đội Mỹ cho biết các binh sĩ nước này tại căn cứ Al-Tanf, gần biên giới Syria với Iraq và Jordan, đã bị tập kích bằng máy bay không người lái. Các quan chức Mỹ không cho biết bên nào chịu trách nhiệm về vụ tấn công khiến một số binh sĩ Mỹ bị thương nhẹ.
Mỹ có 2.500 quân ở Iraq và 900 quân khác ở nước láng giềng Syria, chủ yếu làm nhiệm vụ cố vấn quân sự cho các lực lượng chống lại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Tình báo Mỹ nói về vụ tấn công bệnh viện ở Dải Gaza
Một báo cáo không được xếp dạng mật của tình báo Mỹ đánh giá số người chết trong vụ tấn công Bệnh viện Al-Ahli al-Arabi ở Dải Gaza có thể ở mức từ 100 đến 300 người. Tuy nhiên, phía Mỹ cũng nước đôi cho rằng con số này có thể thay đổi.
"Chúng tôi đánh giá rằng Israel không phải chịu trách nhiệm", Reuters trích báo cáo tình báo cho biết. "Đánh giá của chúng tôi dựa trên các báo cáo có sẵn, bao gồm thông tin tình báo, hoạt động tên lửa cũng như video và hình ảnh nguồn mở về vụ việc", phía Mỹ giải thích thêm.
Các quan chức Palestine khẳng định ít nhất 471 đã thiệt mạng trong vụ việc gây chấn động thế giới, xảy ra vào cuối ngày 17-10.
Một số tin tức thế giới đáng chú ý khác:
Triều Tiên cam kết thực hiện các thỏa thuận với Nga
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov vẫy tay chào trước khi lên máy bay rời Triều Tiên - Ảnh: REUTERS
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un bày tỏ quyết tâm thực hiện các thỏa thuận đạt được tại hội nghị thượng đỉnh hồi tháng trước với Tổng thống Nga Vladimir Putin khi ông gặp Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, theo Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 20-10.
Ông Kim và ông Lavrov đã thảo luận các biện pháp tăng cường hợp tác nhằm ứng phó tích cực với các vấn đề khu vực và toàn cầu, KCNA cho biết thêm. Ngoại trưởng Nga và Triều Tiên cũng đã gặp nhau tại Bình Nhưỡng, tìm cách mở rộng hợp tác về chính trị, kinh tế, khoa học và công nghệ.
Canada rút các nhà ngoại giao, nói Ấn Độ ngày càng vô lý
Canada đã rút 41 nhà ngoại giao khỏi Ấn Độ, trong bối cảnh hai nước lời qua tiếng lại sau vụ một thủ lĩnh phe ly khai người Sikh bị sát hại. Ngoại trưởng Canada Melanie Joly khẳng định Ottawa sẽ không thực hiện các bước trả đũa.
Tháng trước, New Delhi đã yêu cầu Ottawa giảm sự hiện diện ngoại giao sau khi Thủ tướng Justin Trudeau nói ông có bằng chứng đáng tin cậy về mối liên hệ giữa các đặc vụ Ấn Độ và vụ sát hại một thủ lĩnh người Sikh ở Canada.
Trong cuộc họp báo ngày 19-10, bà Joly gọi động thái của Ấn Độ là vô lý, chưa từng có và rõ ràng đã vi phạm Công ước Vienna về quan hệ ngoại giao.
Lực lượng áp đảo
Ảnh của Korea Times
Ảnh chụp ngày 19-10 cho thấy sĩ quan quân đội Mỹ - Hàn đứng phía trước máy bay ném bom chiến lược B-52 của Mỹ tại tỉnh Chungcheong Bắc, Hàn Quốc.
Ông Kim Seung Kyum, chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc, cảnh báo nếu Bình Nhưỡng tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân, họ sẽ vấp phải "các lực lượng áp đảo" của liên minh Mỹ - Hàn.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online
© 2024 | Thời báo ĐỨC