Hình ảnh vệ tinh tài liệu do Planet Labs PBC công bố vào ngày 7/8 cho thấy hình ảnh từ trên không của cảng Novorossiysk, phía nam eo biển Kerch, nơi một tàu chở dầu và hóa chất của Nga bị tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine. (Ảnh Handout/Planet Labs PBC /AFP)
Theo Kyiv Post, các cuộc tấn công của Ukraine vào Hạm đội Biển Đen (BSF) của Nga đã tạo ra tình thế tiến thoái lưỡng nan về hậu cần cho Hải quân Nga, ngăn cản các tàu của lực lượng này tấn công Ukraine bằng tên lửa hành trình Kalibr.
Trong một cuộc phỏng vấn, Dmytro Pletenchuk, người phát ngôn của Hải quân Ukraine, cho biết các tàu Nga hiện đang neo đậu ở Novorossiysk, một cảng của Nga nằm xa hơn về phía đông so với Crimea nhưng tên lửa Kalibr cũng như các cơ sở nạp đạn lại ở Sevastopol ở Crimea.
Mặc dù Novorossiysk có thể cung cấp hầu hết các nhu cầu hậu cần như năng lượng và khả năng tiếp nhiên liệu, nhưng lại thiếu cơ sở vật chất để nạp tên lửa Kalibr.
“Nga có nguồn cung cấp hậu cần ở Novorossiysk, nhưng điều duy nhất không có là cơ cấu hậu cần để nạp tên lửa hành trình”, ông Pletenchuk nói.
Ngoài ra, Novorossiysk được cho là cũng thiếu ụ tàu khô và các cơ sở vật chất cần thiết khác và nhìn chung, cảng này là một sự hạ cấp lớn so với cảng Crimea.
Nga đã tái triển khai các tàu của mình từ Crimea bị chiếm đóng đến Novorossiysk và các cảng xung quanh sau nhiều cuộc tấn công của Ukraine vào Crimea, chẳng hạn như cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình khiến tàu ngầm Rostova-Na-Danu của Nga bị phá hủy.
Các máy bay không người lái trên biển mới của Ukraine cũng đặt ra mối đe dọa mới đối với tài sản hải quân của Nga.
Trong cuộc phỏng vấn, ông Pletenchuk cũng giải thích rằng Nga có thể đã sử dụng tên lửa đạn đạo trong cuộc tấn công gần đây vào Odessa vì tình thế tiến thoái lưỡng nan trong việc sử dụng tên lửa Kalibr mà họ đang gặp phải. Tuy nhiên, ông nói thêm rằng tên lửa đạn đạo cũng khó bị đánh chặn hơn và chỉ người Nga mới biết ý định thực sự đằng sau việc sử dụng tên lửa đạn đạo trong cuộc tấn công.
Nguồn: Báo điện tử DÂN VIỆT
© 2024 | Thời báo ĐỨC