Các quan chức EU cho biết, Brussels không còn đạn dược dự phòng và phải dựa vào sản xuất trong nước.
Người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell cũng bày tỏ nghi ngờ về mục tiêu này. Ông nói: "Có thể đến tháng 3, chúng tôi sẽ không có được 1 triệu quả đạn".
Cao ủy EU phụ trách đối ngoại Josep Borrell. Ảnh: Getty.
Trước đó, ông Borrell cho biết, quân đội của các nước thành viên EU đã cung cấp cho Ukraine tất cả số đạn dược mà họ có thể tìm thấy trong kho dự trữ hiện có, vì vậy giờ đây khối phải chờ đợi để sản xuất thêm.
"Tôi không có đạn ở Brussels. Tôi không có kho đạn dược, tôi phải huy động kho dự trữ của quân đội châu Âu," ông nói.
"Chặng đường đầu tiên – cung cấp những gì quân đội đã có trong kho dự trữ của họ – đã hoàn thành" - ông Borrell nói và lưu ý rằng khối này đã cung cấp cho Ukraine hơn 300.000 quả đạn pháo. "Bây giờ, rất khó để lấy thêm từ kho dự trữ của quân đội".
Trước đó Bloomberg đưa tin rằng EU chỉ cung cấp cho Kiev 30% số đạn đã hứa.
Theo ông Borrell, dòng đạn dược hiện phụ thuộc vào năng lực sản xuất của các nhà sản xuất vũ khí trong khối.
"Hãy nhớ rằng ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu đang xuất khẩu rất nhiều. Khoảng 40% sản lượng đang được xuất khẩu sang các nước thứ ba nên không phải là thiếu năng lực sản xuất," ông nói với các phóng viên.
Người đứng đầu chính sách đối ngoại cho rằng cần chuyển hướng xuất khẩu hiện tại của EU và ưu tiên Ukraine. "Có lẽ điều chúng ta phải làm là cố gắng chuyển hoạt động sản xuất này sang ưu tiên hàng đầu là người Ukraine".
Các quan chức Ukraine gần đây đã gia hạn yêu cầu cung cấp thêm vũ khí và viện trợ sát thương khác, vì cuộc phản công được mong đợi nhiều của Kiev đã không mang lại lợi ích đáng kể về lãnh thổ. Phát biểu với tờ Economist hồi đầu tháng này, Valery Zaluzhny, tư lệnh cấp cao của Ukraine, mô tả tình trạng xung đột với Nga là "bế tắc".
Bộ trưởng Quốc phòng Estonia Hanno Pevkur cho biết việc tăng cường cung cấp đạn dược là rất quan trọng.
"Hãy nhìn vào nước Nga. Ngày nay họ đang sản xuất nhiều hơn bao giờ hết. Họ đang nhận đạn pháo từ Triều Tiên. Châu Âu không thể nói rằng... 'Nga và Triều Tiên có thể thực hiện còn chúng tôi thì không thể'", ông nói.
Bộ trưởng Quốc phòng Latvia Andris Spruds khẳng định không nên hiểu mục tiêu 1 triệu quả đạn ban đầu theo nghĩa đen.
"Tất nhiên, 1 triệu quả đạn chỉ mang tính biểu tượng. Tôi nghĩ khát vọng và tham vọng là quan trọng", ông nói.
Tuy nhiên, trên chiến trường, sự hiện diện của đạn dược là điều duy nhất quan trọng.
Trong cuộc chiến giữa Ukraine và Nga, đạn pháo 155 mm đóng vai trò then chốt. Việc tiêu thụ hàng ngày từ 6.000 đến 7.000 quả đạn pháo làm nổi bật tầm quan trọng chiến lược của nó. Các nhà quan sát cho biết, việc mua 1 triệu quả đạn pháo như vậy có thể đảm bảo sự ổn định cho Ukraine trong ít nhất nửa năm, mang lại lợi thế đáng kể cho các hoạt động bền vững và linh hoạt trên chiến trường.
Ủy viên EU Thierry Breton khẳng định mục tiêu sản xuất 1 triệu quả đạn có thể đạt được "nhưng giờ đây các quốc gia thành viên phải đặt hàng".
Tuy nhiên, các thành viên EU lại đổ lỗi cho các nhà sản xuất.
"Chúng tôi đều đã ký hợp đồng. Chúng tôi đã thực hiện mua sắm chung. Vì vậy, ngành công nghiệp quốc phòng bây giờ phải cung cấp" - Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Kajsa Ollongren nói và cho rằng họ phải đẩy mạnh hoạt động của mình để sản xuất nhiều hơn nữa.
Ông Breton thừa nhận rằng sự phụ thuộc quá mức của EU vào cái gọi là quyền lực mềm và tình trạng ngân sách sụt giảm trong nhiều thập kỷ ở nhiều quốc gia châu Âu đã khiến khối này bị tổn hại.
Ngoại trưởng Ukraine, Dmytro Kuleba mới đây chia sẻ rằng có vẻ như Liên minh châu Âu (EU) sẽ không đạt được mục tiêu cung cấp cho Ukraine một triệu quả đạn pháo vào tháng 3/2024. Theo ông Kuleba, sự phức tạp trong sản xuất quân sự và những rào cản quan liêu là nguyên nhân dẫn đến sự cố này.
Nguồn: Báo điện tử DÂN VIỆT
© 2024 | Thời báo ĐỨC