Quốc gia NATO "lên dây cót" cho kịch bản Nga hành động quân sự

Một chỉ huy quân sự hàng đầu Estonia tuyên bố nước này có thể chống lại một cuộc tấn công của Nga trong hai tuần trước khi có sự hỗ trợ từ NATO.

1 Quoc Gia Nato Len Day Cot Cho Kich Ban Nga Hanh Dong Quan Su

Binh sĩ Anh trong thành phần lực lượng NATO tại Estonia (Ảnh: NATO).

Đại tá Mati Tikerpuu, chỉ huy một trong hai lữ đoàn quân đội Estonia, nói với El Pais rằng Estonia, quốc gia NATO có chung biên giới trên đất liền với Nga, "có thể chống lại một cuộc tấn công (của Nga) trong vài tuần".

Ông Tikerpuu nói rằng khoảng thời gian này sẽ "đủ lâu cho đến khi quân tiếp viện của đồng minh đến".

Estonia, với dân số chỉ 1,4 triệu người, cho biết chi tiêu quốc phòng vào năm 2024 sẽ cao hơn 3% GDP - vượt xa mức đóng góp của hầu hết các nước NATO - trong bối cảnh mối quan hệ với Nga đang xấu đi và báo động về chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.

Tính theo tỷ lệ GDP, Estonia đã cung cấp cho Ukraine nhiều viện trợ quân sự hơn bất kỳ quốc gia nào khác.

Đồng thời, quân đội Mỹ, Anh và Pháp hiện diện thường xuyên tại căn cứ huấn luyện của Estonia, cách biên giới với Nga khoảng 16km. Đây được xem là một dấu hiệu cho thấy NATO tăng cường tiếp cận khu vực này.

Trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 2, ông Tikerpuu nói với ERR, đài truyền hình quốc gia của Estonia, rằng "không thể loại trừ bất kỳ điều gì" khi đề cập đến việc chuẩn bị cho một cuộc tấn công có thể xảy ra của Nga.

Ông nói rằng cuộc chiến ở Ukraine đã mang lại cho Estonia một góc nhìn sơ bộ, giúp nước này chuẩn bị các ưu tiên cho lực lượng của mình. Ông cho biết máy bay không người lái và pháo binh sẽ là vũ khí trọng tâm của bất kỳ cuộc xung đột nào.

Mặc dù chi tiêu quân sự tăng mạnh, nhưng lực lượng vũ trang của Estonia vẫn còn hạn chế. Quân đội nước này không có xe tăng chiến đấu chủ lực và căn cứ không quân duy nhất đang hoạt động của họ, gần Tallinn, không có máy bay chiến đấu.

Vào năm 2022, Bộ Quốc phòng Estonia thông báo mua 6 hệ thống pháo phản lực cơ động cao HIMARS do Mỹ sản xuất và sẽ được bàn giao trong năm nay.

El Pais đưa tin, một báo cáo tình báo gần đây của Estonia ước tính Nga có kế hoạch triển khai gần 40.000 quân gần biên giới trong những năm tới. Con số này vượt xa lực lượng tại ngũ gồm 4.200 binh sĩ của Estonia, mặc dù nước này có 40.000 quân dự bị được huấn luyện.

Thủ tướng Estonia Kaja Kallas nói với Business Insider năm ngoái rằng Nga là "mối đe dọa trực tiếp nhất đối với an ninh châu Âu hiện nay".

Vào tháng 3, Mỹ đã phê duyệt gói viện trợ quốc phòng trị giá 228 triệu USD cho Estonia và các nước láng giềng Lithuania và Latvia, nhằm mục đích tăng cường cơ sở hạ tầng quân sự.

Vào tháng 2, các quốc gia thuộc Liên Xô cũ đã nhất trí xây dựng một tuyến phòng thủ hầm trú ẩn mới dọc theo biên giới chung dài 1.600km với Nga. Theo đó, các lực lượng dự bị sẵn sàng triển khai các hệ thống phòng thủ bổ sung như mìn và thiết bị chống tăng "răng rồng" trong thời gian ngắn.

Estonia cũng là một phần của liên minh 6 quốc gia xây dựng "bức tường máy bay không người lái" để bảo vệ biên giới của họ, mặc dù có rất ít chi tiết về việc này được tiết lộ.

Đến nay, Estonia và Lithuania bày tỏ sự ủng hộ sau khi Tổng thống Pháp Emmanue Macron tuyên bố phương Tây không loại trừ khả năng đưa quân đến Ukraine.

Estonia gia nhập NATO và Liên minh châu Âu (EU) năm 2004. Nằm ở cực bắc của 3 quốc gia Baltic (cùng với Latvia và Lithuania), Estonia là một phần trong tuyến phòng thủ đầu tiên của NATO ở châu Âu và đóng vai trò an ninh quan trọng đối với Tổ chức này. Hiện tại, NATO có khoảng 2.000 binh sĩ, chủ yếu từ Anh và Pháp, đang đồn trú tại Estonia.

Theo BI

Nguồn: Báo điện tử Dân trí


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày