Nga cao tay nhìn châu Âu chống Mỹ

Quan trọng hơn cả bị trừng phạt là việc Nga lần đầu tiên gây ra sự chia rẽ thực sự giữa hai bờ Đại Tây Dương kể từ năm 2014.

Châu Âu không vui

Châu Âu tiếp tục bị chia rẽ trong chính sách với Nga, nhất là trước sức ép từ Mỹ đòi gia tăng trừng phạt chống lại Moscow.

Lệnh cấm vận mới chống Nga được Quốc hội Mỹ thông qua với số phiếu áp đảo và cũng đã được Tổng thống Donald Trump ký ban hành thành luật. Nhưng ở châu Âu, mức độ đồng thuận này dường như không có.

Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel từng bình luận rằng đòn trừng phạt này là “chỉ gây ra phiền phức”, mà nếu hiểu theo ngôn ngữ ngoại giao có nghĩa Đức không chấp nhận.

Hiệp hội Kinh doanh châu Âu, một tổ chức phi lợi nhuận, thay mặt cho giới doanh nghiệp châu lục có lợi ích tại Nga, thì lên tiếng cần tách bạch giữa kinh tế với chính trị.

Nga cao tay nhìn châu Âu chống Mỹ - 0

Tổng thống Nga V. Putin và Thủ tướng Đức A. Merkel

Tâm điểm “phản kháng” ở Liên minh châu Âu (EU) là Đức. Tránh xung đột nói chung và với Nga nói riêng phù hợp với lợi ích của Đức. Nếu xuất hiện xung đột, Mỹ và một số bên khác ngay lập tức gây sức ép buộc Đức tham gia, chia sẻ gánh nặng.

Đức đồng thuận áp đặt cấm vận chống Nga sau sự kiện Crimea, nhưng không hẳn là do chính quyền bà Merkel muốn đối đầu trực diện với Nga.

Mỹ và nhiều nước Đông Âu xem mối đe dọa từ việc Nga trỗi dậy là nghiêm trọng, nhưng Đức thì không.

Yếu tố khiến EU rạn nứt là khác biệt lớn về lợi ích quốc gia giữa các nước thành viên. Với Ba Lan, an ninh quốc gia là thiết yếu nhất, do có chung đường biên giới với Nga.

Các nước khác như Tây Ban Nha hay Italy không tiếp giáp Nga và những biến cố xảy ra ở gần biên giới Nga không làm họ bận tâm nhiều.

Nga cao tay nhìn châu Âu chống Mỹ - 1

Những nghị sĩ người Itali tại Nghị viên châu Âu (EP) mặc áo phông phản đối trừng phạt Nga

Rất khó để duy trì nhất thể hóa kinh tế châu Âu nếu một số nước bị kéo vào xung đột, trong khi các thành viên khác từ chối tham gia. Sự thịnh vượng của Đức phụ thuộc vào một EU thống nhất.

Khi một số nước khác trong khối lại hướng Đông sang Nga, mối quan tâm của Đức là kinh tế và thương mại.

Điều Đức e ngại hơn cả là Đông Âu, được sự hỗ trợ của Mỹ, sẽ xây dựng một lực lượng quân sự khiến Nga cảm thấy bị đe dọa và bắt buộc phải đáp trả.

Đức không tin vào các nước láng giềng phía Đông trong các vấn đề liên quan đến Nga, xem các nước này quá cảm tính. Đức tin rằng Mỹ quá hiếu chiến, trong khi Mỹ lại xem Đức không thực hiện cam kết với NATO về quân sự, chính trị khi đương đầu với Nga.

Mỹ và Đức đã có khoảng cách và sự phân tách ngày một lớn hơn. Nó liên quan đến bất đồng về NATO và việc Đức không hào hứng áp đặt cấm chống Nga hơn nữa bởi đơn giản là việc làm này không đem lại lợi ích cho Đức.

Đức có nền kinh tế lớn, nhưng dễ đổ vỡ, phụ thuộc vào xuất khẩu. Dù mối đe dọa còn ở xa, nhưng một cuộc chiến giữa Mỹ, châu Âu với Nga sẽ phá vỡ châu Âu và hệ thống thương mại toàn cầu. Đây là điều mà Đức không mạo hiểm.

Giới phân tích cũng cho rằng, Ẩn sau khác biệt này là yếu tố cấu trúc địa chính trị ở châu Âu. Trong lịch sử, Nga luôn làm Đức bị kích động và đôi khi lo sợ.

Nga đóng vai trò quan trọng trong việc thống nhất nước Đức năm 1871 và giữa Thế chiến I và II, khi các hiệp định ký kết đổ vỡ.

Trong Chiến tranh Lạnh, Đức bị kẹt giữa Liên Xô và Mỹ.

Chính quyền Đức hiện không muốn rơi vào tình thế này. Đức cũng luôn để ngỏ viễn cảnh kết hợp giữa công nghệ, công nghiệp Đức với nguồn tài nguyên thiên nhiên của Nga.

Các nỗ lực trước đó đã kết thúc trong chiến tranh. Nhưng giờ là thời điểm mà Nga suy yếu và Đức có thể đang xem xét lựa chọn của riêng mình.

Báo Đất Việt


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày