Mối quan ngại về Fipronil đang lan ra khắp thế giới, do Fipronil là hoạt chất của hàng trăm nhãn hiệu thuốc trừ sâu rầy được sử dụng rộng rãi khắp nơi – trong đó có Việt nam – với nhiều mục đích và trên nhiều chủng loại như cây trồng, gia súc, gia cầm, kể cả các thú cưng trong nhà.
Vậy Fironil là chất gì? Tác dụng và độc tính của nó ra sao?
Fipronil là hóa chất diệt côn trùng đã được công ty đa quốc gia Rhône-Poulenc phát hiện từ năm 1985, và đưa ra thị trường vào năm 1993.
Hiện có gần 200 nhãn hiệu thuốc trừ sâu rầy chứa hoạt chất này đang lưu hành khắp thế giới.
Ở Việt Nam, thuốc trừ sâu chứa Fipronil cũng được sử dụng rất nhiều với các nhãn hiệu quen thuộc là Regent 5SC, Regent 0,3G, Regent 800 WG… của hãng Bayer (Đức) và nhiều thương hiệu khác.
Thuốc trừ sâu chứa Fipronil được dùng để rãi hoặc phun, xịt trên hầu hết các loại rau, màu, cây ăn quả như lúa, bắp, mía, chè (trà), cà phê, ổi, xoài, cam, dưa, nhãn, vải, chôm chôm, thanh long, … hoặc diệt kiến, gián, mối, mọt, ve, rận, cùng các loại côn trùng, ký sinh trùng khác trên gia súc, gia cầm…
Các nhãn hiệu thường thấy như: TOTAL- FIP, Frontline, TopSpot, Fiproguard, Flevox, PetArmor…
Ngoài ra, một số thuốc trừ sâu chứa Fipronil còn được dùng để ngâm hạt giống, hoặc trộn vào phân bón như một chất kích thích tăng trưởng, giúp làm tăng năng suất lúa, bắp….
Độc tính:
Fipronil là thuốc trừ sâu phổ rộng thuộc nhóm phenylpyrazole. Fipronil chẹn các kênh clorrua có chứa GABA, làm gián đoạn hệ thống thần kinh trung tâm của côn trùng.
Trên người và gia súc, gia cầm, nhiều tài liệu trước đây cho rằng Fipronil tương đối ít hoặc không độc.
Tuy nhiên, trong thí nghiệm cho chuột ăn Fipronil mỗi ngày trong 52 tuần, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra sự thay đổi hormon tuyến giáp, tăng khối lượng gan và ảnh hưởng lên thận. Động kinh và tử vong do động kinh cũng được ghi nhận.
Trên chuột, liều gây chết trung bình (LD50) theo đường uống là 97 mg trên mỗi kg cân nặng.
Hiện nay, Fipronil được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp vào các thuốc trừ sâu thuộc nhóm II, tức là có độc tính vừa phải,
Trong một nghiên cứu khác, chuột được ăn Fipronil mỗi ngày trong gần hai năm cho thấy xuất hiện các khối u lành tính và ác tính trong tuyến giáp. Do đó, Cục Phòng chống dịch của Hoa Kỳ (EPA) xếp Fipronil vào các chất gây ung thư yếu (nhóm C).
Ngoài tác dụng diệt sâu rầy, kiến, gián,.. Fipronil cũng có độc tính rất cao trên một số loài ong, tôm, cá, động vật phù du,.. nên để bảo vệ môi trường, nhiều quốc gia đã hạn chế nghiêm ngặt việc sử dụng các thuốc có hoạt chất Fibronil trên một số khu vực.
Triệu chứng ngộ độc cấp:
Ở động vật và người, ngộ độc khi uống nhầm Fipronil có các biểu hiện như: toát mồ hôi, nôn mửa, nhức đầu, đau bụng, tiêu chảy, co giật, kích động. Hít phải hơi Fipronil với liều cao có thể gây co giật và run. Mắt có thể bị kích ứng (mắt đỏ, chảy nước mắt).
Như vậy, việc tiếp xúc trực tiếp và lâu dài với thuốc trừ sâu rầy Fipronil là rất nguy hiểm. Ngoài ra, tác động của thuốc lên môi trường cũng không nhỏ.
Vì vậy, mọi người nên thận trọng khi sử dụng loại thuốc này cho cây trồng, vật nuôi. Nếu phải sử dụng, cần có những biện pháp phòng ngừa thich hợp.
Liên minh châu Âu (EU) và nhiều nước khác (kể cả một số bang tại Mỹ) đã cấm sử dụng các thuốc có hoạt chất Fipronil trên thú vật nuôi trong nhà hoặc có liên quan trực tiếp đến chuỗi thực phẩm (như dùng trên vật nuôi để lấy thịt hoặc trứng của chúng).
Việc nhiễm độc Fipronil cho người qua việc ăn trứng hoặc các sản phẩm làm từ trứng là rất khó có khả năng, nhưng sở dĩ việc hàng triệu quả trứng bị tịch thu và tiêu hủy ở châu Âu vừa qua là vì các nhà chăn nuôi đã vi phạm lệnh cấm nói trên.
Theo Huỳnh Trà Kiệu / tuoitre.vn
© 2024 | Thời báo ĐỨC