Tàu ngầm mang tên lửa hành trình của Mỹ đi qua kênh đào Suez dưới cầu Al Salam ở phía đông bắc Cairo, Ai Cập ngày 5/11 (Ảnh: CENTCOM).
"Ngày 5/11, tàu ngầm lớp Ohio đã đến khu vực phụ trách của Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ (CENTCOM)", CENTCOM thông báo trên mạng xã hội X.
CENTCOM đã đăng bức ảnh được cho là chụp tàu ngầm đi qua kênh đào Suez. Kênh đào Suez đi qua Ai Cập, giáp biên giới Israel và nối Địa Trung Hải với Biển Đỏ.
Hãng tin Ynet của Israel đưa tin, tàu ngầm mới được triển khai trong khu vực là tàu ngầm lớn nhất trong số 14 tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo do Hải quân Mỹ kiểm soát và được trang bị tên lửa đạn đạo.
Theo CNN, quân đội Mỹ hiếm khi công bố các hoạt động di chuyển hoặc hoạt động của hạm đội tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo hoặc tên lửa hành trình. Thay vào đó, các tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân hoạt động gần như bí mật.
Thông báo về việc triển khai tàu ngầm lớp Ohio, loại tàu mang tên lửa hành trình Tomahawk, đến Trung Đông được coi là một thông điệp răn đe nhắm vào Iran và các lực lượng được Iran ủng hộ trong khu vực.
Mỗi tên lửa Tomahawk, hay còn được gọi là "sứ giả chiến tranh", có thể mang theo đầu đạn chứa hơn 450 kg chất nổ. Việc các tàu ngầm lớp Ohio có thể tác chiến độc lập và khó bị phát hiện khi di chuyển âm thầm dưới lòng đại dương, mang lại cho khí tài này lợi thế nhất định.
Trước đó, Lầu Năm Góc đã triển khai hai nhóm tác chiến tàu sân bay đến Địa Trung Hải sau khi bùng nổ giao tranh giữa Israel và lực lượng Hamas.
Lầu Năm Góc cũng xác nhận Mỹ đã chuẩn bị khoảng 2.000 binh sĩ luôn trong trạng thái sẵn sàng cao độ, chờ lệnh triển khai tới khu vực làm nhiệm vụ trong trường hợp cần thiết.
Mỹ ngày 21/10 tuyên bố triển khai thêm các hệ thống phòng thủ tên lửa tới Trung Đông, bao gồm Hệ thống Phòng thủ Tầm cao Giai đoạn cuối (THAAD) và các tiểu đoàn phòng không Patriot, nhằm bảo vệ lực lượng Mỹ trong khu vực.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Pat Ryder cho biết, Mỹ sẽ gửi thêm 300 binh sĩ tới khu vực hoạt động thuộc Bộ Tư lệnh Trung tâm, bao gồm Trung Đông và một phần châu Phi, sau cuộc xung đột hiện tại giữa Israel và Hamas. Ông Ryder nói rằng những đội quân bổ sung này "sẽ cung cấp năng lực, xử lý vật liệu nổ, thông tin liên lạc và các phương tiện hỗ trợ khác cho các lực lượng đã hiện diện trong khu vực".
Thông báo về việc triển khai tàu ngầm mang tên lửa dẫn đường tới Trung Đông được đưa ra khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đang có một loạt cuộc gặp với các đối tác của Mỹ ở Trung Đông. Trong chuyến đi ngắn ngủi lần này, ông Blinken đã đến thăm Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, Israel, Bờ Tây, Jordan và Đảo Cyprus.
Ngoại trưởng Blinken đang thúc đẩy lệnh ngừng bắn nhân đạo trong hoạt động của Israel ở Gaza nhằm cho phép xe tải viện trợ đi vào khu vực bị bao vây và giải thoát những người bị Hamas bắt làm con tin.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin ngày 5/11 đã có cuộc trao đổi với người đồng cấp Israel, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Yoav Gallant.
Ngoài việc nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo vệ dân thường và cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho Dải Gaza, ông Austin cho biết Mỹ cam kết ngăn chặn "bất kỳ quốc gia hoặc tổ chức phi nhà nước nào đang tìm cách leo thang xung đột". Tuyên bố này được cho là đề cập đến Iran và Hezbollah, nhóm vũ trang được Iran hỗ trợ.
Theo RT, Reuters
Nguồn: Báo điện tử Dân trí
© 2024 | Thời báo ĐỨC