Hình bên dưới là một loại "sữa trái cây" thuộc một hãng nổi tiếng bậc nhất Việt Nam lâu nay.
Sữa chỉ chiếm 20g/lít! Hộp này là 110ml, tức trong đó chỉ có khoảng 2g sữa! 2g nghĩa là bao nhiêu?
Có lẽ thể tích tương đương một hạt lạc.
1 lít, trong đó có 20g sữa, nghĩa là giống như nhỏ khoảng mươi giọt sữa vô 1 lít nước.
Tôi băn khoăn về cái tên gọi là SỮA này, có nên gọi nó là sữa không? Về trái cây thì còn ít hơn: cả 2 loại trái có tổng lượng "nước ép cô đặc" chỉ hơn 12g/lit.
"Sữa trái cây"?
Rõ ràng với tỉ lệ như trên, gọi là sữa là rất khó thuyết phục, gọi sữa trái cây thì cũng thế.
Dán nhãn SỮA cho một loại nước chỉ có vài giọt sữa và giọt nước ép trái cây, thì có thể được xem là trá hình không?
Tôi xem thêm mấy hãng khác nữa, tỉ lệ có khác nhau, nhưng cơ bản không nhiều, cũng chỉ dao động trong vòng vài chục gam sữa/lít. Và tùy theo thể tích và hãng sữa, giá mỗi hộp nước như thế có giá khoảng từ 4 đến 7 nghìn đồng.
Như loại "sữa" trong hình, với tổng chỉ hơn 30g cả sữa và nước ép trái cây, nó được bán hơn 30 nghìn đồng mỗi lít.
Truyền thông, quảng cáo, marketing... với những là "cao lớn mỗi ngày, mắt sáng dáng cao", "mắt sáng tinh anh" thậm chí "chống ánh sáng xanh"!, đã chiếm đóng đầu óc người tiêu dùng từ lâu và họ chấp nhận những diễn ngôn ấy như một sự thật đương nhiên không thắc mắc.
Sữa là một thị trường khổng lồ với sức tiêu thụ cũng khổng lồ. Nhìn các em nhỏ trên cả nước đang cầm những chiếc hộp có ghi chữ SỮA và đưa lên miệng mỗi ngày tôi buộc phải tự hỏi, các em đang uống thứ nước gì, và nó tốt cho sức khỏe hay không.
Cái giá mà cha mẹ và xã hội đang phải trả cho những cái hộp nước có in chữ SỮA này có quá cao không so với giá trị thực của nó?
Nhà báo Thái Hạo
© 2024 | Thời báo ĐỨC