CNN dẫn lời các quan chức cấp cao của Mỹ ngày 9/3 nói rằng chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đặc biệt lo ngại rằng Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật hoặc chiến trường.
Chính quyền Mỹ đưa ra nhận định như vậy dựa vào nhiều dấu hiệu khác nhau, các phân tích dữ liệu tình báo nhạy cảm.
Washington muốn lên một kế hoạch đối phó tốt nhất nếu Nga thực sự sử dụng vũ khí hạt nhân trong cuộc xung đột ở Ukraine. Do vậy, trong giai đoạn từ cuối mùa hè đến mùa thu năm 2022, Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ đã triệu tập hàng loạt cuộc họp để đưa ra những kế hoạch dự phòng.
Theo đánh giá của phía Mỹ, một trong những sự kiện có thể khiến Nga sử dụng vũ khí hạt nhân là việc Ukraine giành lại quyền kiểm soát thành phố Kherson, khu vực mà Nga tuyên bố sáp nhập sau một cuộc trưng cầu dân ý gây tranh cãi hồi tháng 9/2022.
Thời điểm đó, Nga cáo buộc Ukraine sử dụng "bom bẩn", một cáo buộc mà Washington cho rằng Moscow dựng lên để làm cớ cho một cuộc tấn công hạt nhân.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã thực hiện một loạt cuộc điện thoại tới các quan chức quốc phòng ở Mỹ, Anh, Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 10/2022, thông báo với họ rằng Điện Kremlin "lo ngại về những hành động khiêu khích tiềm tàng của Ukraine liên quan đến việc dùng bom bẩn".
Mỹ đã bác bỏ cáo buộc của Nga, nhưng cũng đặt ra câu hỏi về mục đích thực sự của Moscow khi đưa ra cáo buộc như vậy, trong đó có nhận định Nga chuẩn bị cho một cuộc tấn công hạt nhân.
Tuy nhiên, nguồn tin của CNN cho biết: "Mỹ chưa bao giờ phát hiện được thông tin tình báo cho thấy Nga đang thực hiện các bước huy động lực lượng hạt nhân của mình để thực hiện một cuộc tấn công như vậy".
Mặc dù vậy, các quan chức Mỹ vẫn không chắc chắn liệu Nga có triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật hay không.
Không giống như vũ khí hạt nhân chiến lược, có khả năng phá hủy toàn bộ thành phố, vũ khí hạt nhân chiến thuật hoặc chiến trường nhỏ gọn hơn, có thể bí mật di chuyển và sử dụng từ các hệ thống thông thường đã được triển khai trên chiến trường ở Ukraine.
Mỹ cũng hợp tác chặt chẽ với các đồng minh để phát triển các kế hoạch dự phòng cho một cuộc tấn công hạt nhân của Nga và phát thông điệp răn đe tới Nga về hậu quả của một cuộc tấn công như vậy.
Nga nhiều lần nêu rõ học thuyết về hạt nhân của mình. Điện Kremlin cho biết, Nga chỉ sử dụng vũ khí hạt nhân khi sự tồn tại của đất nước bị đe dọa.
Trong khi đó, báo Financial Times từng trích dẫn các bài thuyết trình bị rò rỉ dành cho các sĩ quan hải quân Nga được cho là dựng từ năm 2008 đến năm 2014, nói rằng ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật tầm ngắn của Moscow có thể thấp hơn so với những gì các chuyên gia quốc phòng phương Tây đã ước tính.
Theo Pravda
Nguồn: Báo điện tử Dân trí
© 2024 | Thời báo ĐỨC