Một hệ thống tên lửa ATACMS của Mỹ (Ảnh: AFP).
Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Adrienne Watson ngày 17/10 xác nhận: "Gần đây, Mỹ đã chuyển cho Ukraine một số tên lửa ATACMS có tầm bắn 165km. Đây là một phần trong gói hỗ trợ của chúng tôi dành cho Ukraine, giúp họ bảo vệ lãnh thổ".
Quan chức này nhấn mạnh: "Chúng tôi tin rằng sự hỗ trợ này sẽ giúp tăng cường đáng kể năng lực quân sự của Ukraine mà không ảnh hưởng đến mức độ sẵn sàng của quân đội Mỹ".
Một quan chức Mỹ cũng cho biết phiên bản tên lửa mà Mỹ cung cấp cho Ukraine không nằm trong kho dự trữ mà Lầu Năm Góc sẽ sử dụng trong trường hợp khẩn cấp, vì vậy việc viện trợ cho Kiev sẽ không cản trở sự sẵn sàng của quân đội.
Theo quan chức này, việc bàn giao được tiến hành vài ngày gần đây theo quyết định được Tổng thống Mỹ Joe Biden ký thông qua hồi giữa tháng 9. Trong cuộc họp với ông Zelensky hôm 21/9, chủ nhân Nhà Trắng đã thông báo về quyết định này.
Mỹ quyết định âm thầm cung cấp tên lửa này cho Ukraine bởi vì họ muốn Nga bị bất ngờ sau nhiều tháng Washington từ chối đề nghị của Ukraine về viện trợ ATACMS.
Trước kia, Mỹ từng bí mật cung cấp một số vũ khí cho Ukraine. Ví dụ, hồi tháng 8 năm ngoái, Lầu Năm Góc lần đầu xác nhận đã chuyển tên lửa chống bức xạ HARM cho Kiev. Tuy nhiên, thông thường, Mỹ sẽ công bố những gói viện trợ vũ khí tiêu biểu như hệ thống phòng không Patriot hay bom đạn chùm.
Cùng ngày, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 17/10 xác nhận Kiev đã lần đầu sử dụng ATACMS do Mỹ cung cấp.
"Hôm nay, tôi muốn gửi lời cảm ơn đặc biệt đến Mỹ. Thỏa thuận của chúng tôi với Tổng thống Joe Biden đã được thực hiện. ATACMS đã cho thấy hiệu quả trên chiến trường", ông Zelensky nói.
Theo báo Wall Street Journal, Mỹ đã chuyển số lượng nhỏ tên lửa ATACMS cho Ukraine. Kiev được cho là đã sử dụng vũ khí này để tập kích 2 căn cứ không quân do Nga kiểm soát ở Berdiansk và Lugansk tối 16-17/10.
Trong vụ tập kích này, Ukraine tuyên bố đã gây "tổn thất đáng kể" cho phía Nga, trong đó 9 trực thăng, một bệ phóng tên lửa, một kho đạn và nhiều thiết bị quân sự khác của Moscow bị phá hủy.
ATACMS là hệ thống tên lửa do Mỹ sản xuất có các phiên bản khác nhau, với tầm bắn lên tới 300km. Hiện nay, Lầu Năm Góc có 2 phiên bản ATACMS mang đầu đạn chùm và đầu đạn đơn. Tuy nhiên, có thể Lầu Năm Góc chỉ cung cấp cho các đồng minh phiên bản ATACMS đầu đạn đơn với đương lượng nổ cao.
Nó có thể được phóng từ hệ thống pháo phản lực cơ động cao HIMARS mà Washington đã cấp cho Ukraine, cũng như các hệ thống tên lửa phóng loạt M270 do Anh và Đức viện trợ.
Mỹ lâu nay do dự cấp ATACMS do lo ngại Ukraine có thể sử dụng tên lửa tầm xa này để tấn công các mục tiêu sâu trong lãnh thổ Nga.
Theo AP, Pravda
Nguồn: Báo điện tử Dân trí
© 2024 | Thời báo ĐỨC