Dự luật trừng phạt Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) được Hạ viện Mỹ thông qua ngày 4/6 với 247 phiếu thuận và 155 phiếu chống, nhằm vào những cá nhân "liên quan quá trình điều tra, bắt, giam hoặc truy tố bất cứ người nào được Mỹ và các đồng minh của Mỹ bảo vệ". Những quan chức ICC trong danh sách trừng phạt sẽ bị cấm giao dịch tài sản ở Mỹ cũng như chặn, thu hồi visa Mỹ.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson trước đó chỉ trích ICC khi công tố viên Imran Khan của cơ quan này xin lệnh bắt Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cùng các quan chức hàng đầu Israel, đồng minh hàng đầu của Mỹ. Ông Johnson đã cảnh báo quốc hội Mỹ sẽ có hành động "trừng phạt ICC và đảm bảo lãnh đạo ICC phải lĩnh hậu quả nếu vẫn thực hiện lệnh bắt".
Nhà Trắng phản đối việc công tố viên ICC xin lệnh bắt Thủ tướng Netanyahu, nhưng không đồng tình với việc ban hành các lệnh trừng phạt nhắm vào tòa án quốc tế này.
"Có nhiều cách khác để bảo vệ Israel, bảo vệ quan điểm của Mỹ tại Israel. Chính phủ sẵn sàng phối hợp với quốc hội về những lựa chọn như vậy", chính quyền Tổng thống Joe Biden ra tuyên bố.
Thượng viện do đảng Dân chủ kiểm soát nhiều khả năng sẽ không thông qua dự luật này, khiến nó không thể được thực thi.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson phát biểu tại Washington DC ngày 4/6. Ảnh: AFP
Công tố viên ICC tháng trước xin lệnh bắt Thủ tướng Israel Netanyahu, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant, cũng như các thủ lĩnh hàng đầu của Hamas Yahya Sinwar, Ismail Haniyeh và Mohamed Deif, vì cáo buộc phạm tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người.
Israel và đồng minh, trong đó có Mỹ, phản ứng gay gắt và chỉ trích công tố viên Khan vì đã đặt Hamas ngang hàng Israel. Thủ tướng Netanyahu gọi động thái này là "ghê tởm", trong khi Tổng thống Biden nhấn mạnh "không có sự tương đương giữa Israel và Hamas".
ICC, có trụ sở tại The Hague, Hà Lan, được thành lập năm 2002 để điều tra các tội ác nghiêm trọng nhất, trong đó có diệt chủng, tội ác chiến tranh và tội ác chống loài người. Không giống Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ), ICC không truy tố các quốc gia mà chỉ nhắm vào các cá nhân.
Đề xuất về lệnh bắt của ông Khan đang được hội đồng thẩm phán ICC xem xét, thường trong một đến vài tháng. Nếu hội đồng thẩm phán phê chuẩn đề xuất của Khan, các nước thành viên ICC có nghĩa vụ thực thi lệnh bắt nếu những người bị truy nã đặt chân lên lãnh thổ của họ.
Ngọc Ánh (Theo CNN/AFP/Reuters)
Nguồn: VNEXPRESS.NET
© 2024 | Thời báo ĐỨC