Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson (Ảnh: Reuters).
Với 412 phiếu thuận, Hạ viện Mỹ ngày 25/10 thông qua nghị quyết ủng hộ Israel và lên án Israel. Đây là văn bản đầu tiên được Hạ viện thông qua sau khi ông Mike Johnson được bầu làm Chủ tịch Hạ viện.
Nghị quyết khẳng định cam kết ủng hộ của Mỹ dành cho đồng minh Israel, đồng thời đề nghị Hamas chấm dứt ngay lập tức các vụ tấn công và thả toàn bộ con tin.
Tuy nhiên, 9 hạ nghị sĩ Dân chủ và 1 nghị sĩ Cộng hòa phản đối nghị quyết vì cho rằng văn bản này không đề cập đến những tổn thất về người của Palestine.
Phát biểu trước phiên bỏ phiếu, tân Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson nói: "Văn kiện đầu tiên mà tôi sắp đưa ra bỏ phiếu tại Hạ viện là khẳng định sự ủng hộ dành cho người bạn thân thiết Israel". Mặc dù vậy, ông không đề cập đến vấn đề viện trợ quân sự cho Israel.
Hạ viện Mỹ gần như tê liệt suốt 3 tuần qua sau cuộc bỏ phiếu lịch sử nhằm bãi nhiệm Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy.
Ông Johnson được bầu làm người kế nhiệm ông McCarthy trong cuộc bỏ phiếu ngày 25/10. Ông ít có kinh nghiệm lãnh đạo và được biết đến là một trong những người ủng hộ nỗ lực của cựu Tổng thống Donald Trump nhằm lật ngược kết quả bầu cử tổng thống năm 2020.
Hạ viện do ông Johnson dẫn dắt sẽ xem xét một loạt dự luật. Tuần trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đề nghị quốc hội thông qua gói ngân sách 106 tỷ USD, trong đó có hơn 14 tỷ USD viện trợ cho Israel, và hàng tỷ USD dành cho Ukraine cũng như ngân sách cho những vấn đề khác như an ninh biên giới.
Một số nguồn tin nói rằng, Nhà Trắng đề xuất gói viện trợ đồng thời cho Israel và Ukraine.
Ý tưởng này vấp phải sự phản đối của một bộ phận nghị sĩ Mỹ. Họ cho rằng: "Đây là 2 cuộc xung đột riêng biệt và thật sai lầm khi tận dụng sự hỗ trợ Israel để viện trợ bổ sung cho Ukraine. Hơn nữa, điều đó sẽ là vô trách nhiệm và chúng ta không nên mạo hiểm đóng cửa chính phủ bằng cách gộp các ưu tiên này lại với nhau".
Về phần mình, không lâu sau khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, Chủ tịch hạ viện Johnson từng tuyên bố: "Mỹ sẽ sát cánh với Ukraine". Ông ủng hộ áp biện pháp trừng phạt Moscow.
Tuy nhiên, đến tháng 5/2022, ông bất ngờ trở thành một trong 57 thành viên Hạ viện phản đối gói viện trợ bổ sung trị giá 40 tỷ USD dành cho Ukraine. Ông lý giải: "Chúng ta không nên viện trợ thêm 40 tỷ USD khi mà biên giới của chúng ta đang hỗn loạn, khi giá khí đốt tăng kỷ lục, khi các gia đình Mỹ đang phải vật lộn để kiếm sống".
Trong tuyên bố mới nhất hôm 25/10, ông Johnson cho biết, ông ủng hộ viện trợ cho Ukraine, nhưng "kèm điều kiện". Ông không nêu rõ liệu điều kiện đó là gì.
Theo Reuters
Nguồn: Báo điện tử Dân trí
© 2024 | Thời báo ĐỨC