"Tôi xác nhận chúng tôi đã đạt thỏa thuận nhằm cung cấp hỗ trợ tài chính bổ sung ước tính 50 tỷ USD cho Ukraine trong năm nay", Thủ tướng Italy Giorgia Meloni cho biết ngày 13/6.
Italy là quốc gia tổ chức hội nghị thượng đỉnh G7 lần thứ 50, diễn ra ngày 13-15/6. 6 quốc gia thành viên còn lại gồm Mỹ, Canada, Pháp, Anh, Đức và Nhật Bản
Kế hoạch của G7 dựa trên lợi nhuận phát sinh từ khối tài sản hơn 300 tỷ USD của Nga đang bị đóng băng, hầu hết là ở Liên minh châu Âu (EU). Họ dự định dùng lợi nhuận này để thế chấp, vay 50 tỷ USD viện trợ Ukraine. Nội dung chi tiết về mặt kỹ thuật sẽ được hoàn tất trong vài tuần tới.
Phát biểu tại cuộc họp báo chung với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky sau đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói thỏa thuận nhấn mạnh cam kết dài hạn của các đồng minh với Ukraine và thể hiện cho Tổng thống Nga Vladimir Putin thấy "ông ấy không thể chia rẽ chúng tôi".
Thủ tướng Đức Olaf Scholz hoan nghênh thỏa thuận là "bước tiến lịch sử".
Ông Zelensky trước đó mô tả khoản vay "là bước tiến quan trọng nhằm hỗ trợ ổn định cho Ukraine, hướng đến chiến thắng cuộc xung đột". Ông nói khoản vay sẽ được sử dụng cho cả quốc phòng và nỗ lực tái thiết.
Lãnh đạo các nước G7 chụp ảnh tập thể tại khu nghỉ dưỡng Borgo Egnazia, vùng Apulia, Italy ngày 13/6. Ảnh: AFP
EU hồi tháng 3 đã nhất trí xúc tiến kế hoạch sử dụng lợi nhuận từ tài sản bị phong tỏa của ngân hàng trung ương Nga để viện trợ Ukraine. Ukraine có thể nhận khoảng 3 tỷ euro (3,25 tỷ USD) một năm, lên tới 15 tỷ euro cho giai đoạn 2023-2027, tùy theo điều kiện thị trường.
Tuy nhiên, Mỹ muốn thúc đẩy nỗ lực này nhanh hơn, mạnh hơn bằng một khoản vay lớn. Một quan chức chính quyền Tổng thống Biden nói Mỹ sẵn sàng cung cấp lên tới 50 tỷ USD, nhưng đóng góp từ Washington có thể "ít hơn đáng kể", bởi đây là một sáng kiến chung.
"Chúng tôi sẽ không là bên duy nhất cho vay. Đây sẽ là khoản vay từ đa quốc gia. Chúng tôi chia sẻ rủi ro vì đã có cam kết chung để thực hiện kế hoạch", quan chức này cho biết, không tiết lộ các nước G7 sẽ đóng góp thế nào.
Moskva từng chỉ trích ý tưởng của các nước G7 về việc tận dụng tài sản bị đóng băng của Nga để hỗ trợ Ukraine và dọa đáp trả. Tổng thống Putin hồi tháng 5 ký sắc lệnh về quy trình tịch thu tài sản Mỹ bị đóng băng ở Nga để bù đắp thiệt hại do lệnh trừng phạt từ phương Tây gây ra.
Như Tâm (Theo AFP, Reuters)
Nguồn: VNEXPRESS.NET
© 2024 | Thời báo ĐỨC