Chưa thể đánh bại Nga, nhưng Ukraine tuyên bố đang chiến thắng trong cuộc chiến cam go, dai dẳng này

Ukraine tuyên bố đang chiến thắng trong cuộc chiến chống tham nhũng dai dẳng đầy khó khăn, nhưng Washington và các đồng minh liên tục nói rằng Kiev chưa làm đủ để dẹp bỏ hoàn toàn vấn nạn này.

1 Chua The Danh Bai Nga Nhung Ukraine Tuyen Bo Dang Chien Thang Trong Cuoc Chien Cam Go Dai Dang Nay

Nhà tài phiệt Ukraine Ihor Kolomoisky ra hầu tòa vào tháng 9 năm ngoái vì nghi ngờ gian lận, tham ô và rửa tiền. Ảnh Reuters

Theo Washington Post, các quan chức Ukraine khẳng định họ đang chiến đấu chống tham nhũng quyết liệt như quân đội đang chiến đấu với quân Nga ở phía đông. Người Ukraine lưu ý rằng, họ đang cố gắng đáp ứng các tiêu chuẩn pháp quyền cần thiết để gia nhập Liên minh châu Âu, nhưng các chính phủ phương Tây, bao gồm cả Mỹ cho rằng, họ vẫn làm chưa đủ. Đây là nguyên nhân gây căng thẳng ngày càng gay gắt giữa Kiev và một số nước ủng hộ nước này mạnh mẽ nhất, gây ra mối nguy hiểm thường trực đối với các gói hỗ trợ kinh tế và quân sự bổ sung cho Ukraine.

Theo Washington Post, gần như mỗi tháng lại có thêm một vụ án tham nhũng mới vào một loạt các vụ bắt giữ, sa thải cấp cao vì nhận hối lộ, tham nhũng. Vào cuối tháng 5, cựu Phó Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine, Andrii Smyrnov, đã bị Cục Chống tham nhũng Quốc gia Ukraine buộc tội "làm giàu bất hợp pháp". Cơ quan này cho biết, ông Smyrnov đã mua bất động sản, xe cộ và các tài sản khác có giá trị gấp hơn 10 lần số tiền ông lương và tiết kiệm được ông công khai báo cáo.

Vào tháng 4, Tổng thống Volodymyr Zelensky đã sa thải ông Illya Vitiuk, người đứng đầu bộ phận an ninh mạng của Cơ quan An ninh Ukraine, vài ngày sau khi truyền thông địa phương đưa tin vợ của ông Vitiuk mua một căn hộ trị giá hơn 500.000 USD trong một khu phố thượng lưu ở Kiev.

Trong năm qua, chánh án Vsevolod Knyazyev đã bị buộc tội nhận hối lộ hơn 2 triệu USD và bị sa thải ngay lập tức. Và một nhà tài phiệt nổi tiếng tên là Ihor Kolomoisky, người từng ủng hộ mạnh mẽ cho ông Zelensky, cũng bị bỏ tù vì nghi ngờ lừa đảo, tham ô và rửa tiền.

Các quan chức Ukraine nói rằng các trường hợp này là bằng chứng cho thấy nỗ lực và sự thành công của họ trong việc chống tham nhũng. Tuy nhiên, tất cả các bị cáo đều khẳng định mình vô tội và vụ án chống lại họ vẫn chưa được đưa ra xét xử.

Oleksandr Klymenko, người đứng đầu đơn vị chống tham nhũng đặc biệt tại văn phòng tổng công tố Ukraine cho biết: "Điều đó có nghĩa là chúng tôi làm việc hiệu quả gấp đôi so với trước đây".

Tuy nhiên, các thủ đô phương Tây lại không hoàn toàn ủng hộ tuyên bố của Ukraine và cho rằng, hàng tỷ USD vẫn đang bị đe dọa vì nạn tham nhũng ở Ukraine - không chỉ tiền thuế của nước này mà còn cả viện trợ kinh tế và quân sự của phương Tây.

Mặc dù không có cáo buộc trực tiếp nào về việc tiền hoặc vũ khí của Mỹ bị sử dụng sai hoặc chiếm dụng, các thành viên Đảng Cộng hòa tại Quốc hội Mỹ vẫn viện dẫn nạn tham nhũng ở Ukraine là một trong những lý do khiến họ cản trở gói viện trợ trị giá 61 tỷ USD cho Kiev trong suốt nhiều tháng.

Trong nhiều thập kỷ, tham nhũng đã phát triển mạnh ở Ukraine. Những kẻ đầu sỏ kiểm soát các ngành công nghiệp chủ chốt và các ghế trong quốc hội. Hàng loạt công chức, bao gồm cả thẩm phán cũng "nhúng chàm".  

Bất chấp những nỗ lực chống tham nhũng của Ukraine trong những năm gần đây, các quan chức Mỹ, trong đó có Ngoại trưởng Antony Blinken, cho rằng như vậy vẫn chưa đủ. Ukraine "đã thực hiện những bước quan trọng. Nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm", ông Blinken phát biểu ở Kiev vào tháng trước. 

Ngoại trưởng Mỹ cũng tuyên bố, Ukraine cần "một môi trường pháp lý mạnh mẽ; cạnh tranh công khai và công bằng; minh bạch, thực hiện các biện pháp chống tham nhũng hiệu quả."

Theo đó, cuộc gặp giữa ông Zelensky và Blinken tháng trước khá căng thẳng - với việc nhà lãnh đạo Ukraine bày tỏ sự đánh giá cao đối với viện trợ quân sự của Mỹ nhưng tỏ ra thất vọng khi Ngoại trưởng Blinken tỏ ra chưa hài lòng với nỗ lực chống tham nhũng của Ukraine, Washington Post dẫn lời những người quen thuộc với cuộc thảo luận chia sẻ với điều kiện giấu tên vì tính nhạy cảm của vấn đề.

Các quan chức cấp cao của Ukraine thậm chí phàn nàn rằng người Mỹ và người châu Âu thường bám vào định kiến về nạn tham nhũng ở Ukraine như một cái cớ để trì hoãn hoặc phản đối viện trợ cho họ.  Theo các quan chức Ukraine, lời buộc tội đó không chỉ sáo rỗng mà còn là bằng chứng về sự đạo đức giả khi chính các nước châu Âu cũng đối mặt với các vấn đề tham nhũng của chính họ.

Nguồn: Báo điện tử DÂN VIỆT


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày