Thủ tướng Campuchia Hun Manet chủ trì lễ khởi công kênh đào Phù Nam Techo (Funan Techo), một dự án trị giá 1,7 tỷ USD được Campuchia ca ngợi là mang tính “lịch sử”, hãng tin AP và truyền thông nước này đưa tin.
Thủ tướng Campuchia Hun Manet và phu nhân bấm nút khởi công kênh đào Phù Nam Techo, ngày 5/8/2024.
Giới quan sát nhận định rằng dự án này không chỉ cho thấy vai trò to lớn của Trung Quốc trong chính trị và kinh tế Campuchia mà nó còn gây ra những lo ngại về tác động môi trường tiềm ẩn, đặc biệt là đối với dòng chảy của sông Mekong, sinh kế của hàng triệu người ở 6 quốc gia sống nhờ vào nghề cá và nền nông nghiệp mà dòng sông này mang lại.
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, chủ tịch Viện nghiên cứu VietKnow ở Hà Nội, chia sẻ với VOA rằng chính quyền Việt Nam đã yêu cầu phía Campuchia chia sẻ thông tin và các đánh giá tác động môi trường của dự án này trong suốt nhiều tháng qua nhưng dường như Phnom Penh vẫn chưa cung cấp đầy đủ.
“Về mặt tác động, ảnh hưởng đến Việt Nam, trước mắt là theo các dữ liệu mà Việt Nam có được thì chắc chắn là có ảnh hưởng đến lưu lượng nước mà con sông Mekong chảy xuống đồng bằng sông Cửu Long sẽ ít đi, ít nhất là 80 triệu m3/ngày. Đây là ảnh hưởng lớn chứ không nhỏ”, tiến sĩ Hợp nêu quan điểm.
Giới khoa học và nghiên cứu tác động môi trường ở Việt Nam trước đây từng nói rằng công trình này có thể làm suy giảm lượng nước chảy vào sông Cửu Long từ 30% đến 50%.
“Đây là chưa nói đến ảnh hưởng địa chính trị từ sự hợp tác giữa Campuchia với Trung Quốc, liên quan đến vấn đề an ninh, quân sự trong mối tương quan của hai nước này...Chắc chắn phía Việt Nam đã và đang xem xét rất cẩn thận”, tiến sĩ Hợp, nhà nghiên cứu an ninh và hợp tác quốc tế khu vực chia sẻ nhận định cá nhân.
Hãng tin AP dẫn lời ông Nguyễn Khắc Giang, nhà phân tích tại Viện ISEAS-Yusof Ishak của Singapore, nhận xét rằng dự án này khiến Việt Nam lo lắng, cả về ảnh hưởng đến hoạt động trồng lúa ở đồng bằng sông Cửu Long lẫn việc Campuchia rời khỏi quỹ đạo của mình.
Ông nói: “Có quan ngại rằng hầu hết hàng xuất khẩu của Campuchia có thể chuyển hướng khỏi tuyến đường hiện tại, qua biên giới Việt Nam đến các cảng Việt Nam và chuyển từ đó sang các cảng Campuchia”.
Tuy nhiên, ông Giang cho rằng có thể Hà Nội đã bày tỏ mối quan ngại của mình một cách lặng lẽ. Ông nói, do “di sản lịch sử phức tạp” giữa Campuchia và Việt Nam – mặc dù có mối quan hệ song phương mạnh mẽ, hai quốc gia có mối quan hệ gây tranh cãi – Việt Nam ngần ngại công khai chỉ trích Campuchia vì sợ nước này bị coi là xâm phạm chủ quyền của nước láng giềng, theo AP.
Các nhà phân tích nói rằng dự án cơ sở hạ tầng này một phần là nỗ lực của giới cầm quyền Campuchia nhằm tiếp thêm sự ủng hộ cho ông Hun Manet, người vào năm ngoái đã tiếp quản chính quyền từ cha của ông, ông Hun Sen, người đã lãnh đạo Campuchia trong 38 năm.
Chính phủ Campuchia vào ngày 5/8 - cũng là sinh nhật của Hun Sen - ra tuyên bố là ngày lễ để người dân Campuchia có thể tham gia “lễ kỷ niệm một cách vui vẻ, đông đúc và tự hào”.
Hàng nghìn người mặc áo thun in hình hai cha con nhà Hun bắt đầu tụ tập tại khu vực kênh đào với quốc kỳ Campuchia được căng khắp nơi. Trong khi đó các băng rôn tuyên truyền lợi ích kinh tế của kênh đào này chiếm ưu thế ở vùng nông thôn, AP mô tả.
Kênh đào sẽ thúc đẩy “uy tín quốc gia, sự toàn vẹn lãnh thổ và sự phát triển của Campuchia”, ông Manet nói và bổ sung rằng trước đây nước này đã từng xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng lớn hơn và tốn kém hơn. Tuy nhiên, ông nói, con kênh “lịch sử” này có sự khác biệt và được cả nước ủng hộ.
Ông nói: “Chúng ta sẽ xây dựng con kênh này, bất kể chi phí là bao nhiêu”.
Ông nhấn mạnh rằng mặc dù kênh này sẽ do các công ty Trung Quốc và Campuchia cùng xây dựng, nhưng công ty Campuchia sẽ nắm cổ phần đa số 51% và do đó duy trì quyền kiểm soát.
Phó Thủ tướng Sun Chanthol xác nhận rằng tập đoàn xây dựng khổng lồ thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc, Tập đoàn Cầu đường Trung Quốc (CRBC) đã giành được hợp đồng xây dựng kênh đào.
Trung tâm Stimson phi lợi nhuận có trụ sở tại Hoa Kỳ lên tiếng cảnh báo rằng kênh đào Phù Nam Techo sẽ gây ra “tác động xuyên biên giới đáng kể đến nguồn nước và sản xuất nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam”. Khu vực này là nơi trồng 90% lượng lúa gạo xuất khẩu của Việt Nam.
Ông Brian Eyler, Giám đốc khu vực Đông Nam Á và các chương trình Năng lượng, Nước và Bền vững thuộc Trung tâm Stimson, tuần trước chia sẻ với VOA rằng ban đầu ông nghĩ đây là dự án rất hữu ích, nhưng khi tìm hiểu sâu thêm ông lại quan ngại về ảnh hưởng môi trường, việc sử dụng nguồn nước, và cả những ảnh hưởng địa chính trị.
“Campuchia từng là nước đi tiên phong cổ súy cho nỗ lực xây dựng và thực thi Hiệp định sông Mekong, nhưng với dự án kênh Phù Nam Techo thì rõ ràng họ đã vi phạm Hiệp định này”, ông Eyler nói.
Đầu tháng 4 năm nay, Việt Nam đã yêu cầu Campuchia chia sẻ thông tin về kênh đào. “Chúng tôi đã đề nghị Campuchia hợp tác chặt chẽ với Việt Nam và Ủy ban sông Mekong trong việc chia sẻ thông tin, đánh giá tác động của dự án đối với tài nguyên nước và hệ sinh thái ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long”, Bộ Ngoại giao Việt Nam cho hay.
Ngày 5/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nói rằng việc đề nghị Campuchia phối hợp chia sẻ thông tin về dự án Phù Nam Techo là phù hợp với tinh thần của Hiệp định Mekong năm 1995.
Đến tháng 5/2024, chính phủ Campuchia đã phê duyệt dự án dài 180 km này, cũng là một phần trong Sáng kiến Vành đai và Con đường do chính phủ Trung Quốc khởi xướng. Theo thiết kế đề xuất, con kênh có chiều rộng 100 m ở thượng nguồn và 80 m ở hạ lưu, với độ sâu toàn tuyến là 5,4 m.
Dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước, được thực hiện theo hình thức xây dựng, vận hành và chuyển giao (BOT), dự kiến hoàn thành sau 48 tháng thi công.
Tuy nhiên, ông Eyler dự báo rằng dự án này có thể kéo dài hơn dự kiến do các vấn đề không chắc chắn về tài chính.
“Nguồn tài chính từ phía Trung Quốc cho dự án được cho là đang bị trì hoãn trong quá trình phê duyệt và có thể phải mất nhiều năm trước khi nỗ lực xây dựng kênh đào thực sự bắt đầu. Việc cho vay liên quan đến dự án cũng có thể không bao giờ được phê duyệt, vì vậy số phận của kênh Phù Nam Techo vẫn chưa chắc chắn”, ông Eyler nêu dự báo với VOA Tiếng Khmer.
Nguồn: VOA
© 2024 | Thời báo ĐỨC