Tài trợ cho Ukraine trong cuộc chiến với Nga ngày càng trở thành vấn đề đầy thách thức với Mỹ và các đồng minh phương Tây, khi xung đột đã bước sang năm thứ ba. Thế giới đã cam kết viện trợ 321 tỷ USD cho Kiev, nhưng rõ ràng Ukraine cần nhiều hơn thế.
Quốc hội Mỹ hồi tháng 4 thông qua gói viện viện trợ 61 tỷ USD sau nhiều tháng bế tắc ở Hạ viện, khi phe Cộng hòa kiên quyết phản đối vì cho rằng Washington cần ưu tiên vấn đề trong nước.
Ukraine cũng trở thành chủ đề được quan tâm trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu cuối tuần trước. Phe cực hữu cứng rắn không ủng hộ Ukraine đã trỗi dậy và giành chiến thắng ở nhiều nước.
Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) cũng gặp nhiều khó khăn để thống nhất cách xử lý khối tài sản hơn 300 tỷ USD bị đóng băng của Nga, theo loạt lệnh trừng phạt mà phương Tây áp đặt với Moskva vì chiến sự Ukraine.
Washington muốn sử dụng trực tiếp số tiền bị đóng băng để tài trợ cho nỗ lực chiến tranh của Ukraine, song phần lớn tài sản này nằm ở châu Âu và EU không chấp nhận đề xuất của Mỹ.
"Khoản tiền này sẽ không bao giờ được trả lại cho Nga ít nhất tới khi ông Vladimir Putin vẫn là tổng thống. Tuy nhiên, họ không sẵn sàng cả về mặt chính trị và pháp lý để công khai thừa nhận điều đó", Jacob Kirkegaard, thành viên cấp cao tại Quỹ German Marshall ở Bỉ, nói.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (trai) và Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Italy ngày 13/6. Ảnh: AFP
Sau hai năm tranh cãi, các lãnh đạo G7 cuối cùng đã tìm thấy tiếng nói chung. Thủ tướng Italy Giorgia Meloni ngày 13/6 cho biết các lãnh đạo đang tham gia hội nghị thượng đỉnh G7 nhất trí kế hoạch sử dụng khoản tiền bị đóng băng để hỗ trợ Ukraine.
Thay vì rút trực tiếp hơn 300 tỷ USD tiền gốc, kế hoạch mới sử dụng lãi suất từ khoản tiền đó, ước tính khoảng vài tỷ USD mỗi năm, để làm tài sản thế chấp cho khoản vay 50 tỷ USD viện trợ cho Ukraine.
Nga không thể tiếp cận các tài sản bị đóng băng, song chúng vẫn thuộc về Moskva và vẫn đều đặn phát sinh lãi, nhưng khoản lãi này không được chuyển cho Nga. Việc biến số tiền gốc thành tài sản tịch thu để viện trợ cho Ukraine sẽ đòi hỏi thủ tục pháp lý phức tạp. Do đó, tận dụng khoản lãi từ số tài sản đóng băng là cách tiếp cận dễ dàng hơn nhiều.
Nhưng nếu chuyển khoản lãi vài tỷ USD mỗi năm này cho Ukraine sẽ không đủ để đáp ứng nhu cầu rất lớn của Kiev, trong khi Mỹ cùng các đồng minh cũng muốn nhanh chóng đưa tiền tới Ukraine. Do đó, việc biến khoản tiền lãi này thành tài sản thế chấp dài hạn có thể giúp Mỹ và châu Âu nhanh chóng vay được 50 tỷ USD để giải ngân cho Ukraine ngay trong năm nay.
Nội dung chi tiết về mặt kỹ thuật sẽ được hoàn tất trong vài tuần tới, nhưng Mỹ nhiều khả năng sẽ cung cấp phần lớn trong khoản vay 50 tỷ USD này. Phần còn lại sẽ do các thành viên khác trong nhóm G7 đóng góp.
"Chúng tôi sẽ không là bên duy nhất cho vay. Đây sẽ là khoản vay từ đa quốc gia. Chúng tôi chia sẻ rủi ro vì đã có cam kết chung để thực hiện kế hoạch", một quan chức chính quyền Tổng thống Biden nói, nhưng không tiết lộ các nước G7 sẽ đóng góp thế nào.
Kế hoạch chi tiết về cách sử dụng số tiền lãi này chưa được công bố. Song các quan chức Mỹ cho biết Ukraine có thể chi cho một số lĩnh vực như quân sự, kinh tế, nhân đạo và tái thiết đất nước.
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết mục tiêu là "cung cấp nguồn lực cần thiết cho Ukraine ngay bây giờ để tài trợ cho lĩnh vực năng lượng và các nhu cầu khác, giúp họ có khả năng phục hồi để tiếp tục chống lại cuộc chiến của Nga".
"Ukraine đã thâm hụt ngân sách rất lớn, khoảng 20-30% GDP", Yuriy Gorodnichenko, giáo sư kinh tế người Ukraine tại Đại học California ở Berkeley, Mỹ, nói.
Mức thâm hụt này lớn hơn rất nhiều so với con số 13,5% của Hy Lạp vào lúc đỉnh điểm khủng hoảng nợ.
"Khoản thâm hụt như của Ukraine rất khó có thể tự bù đắp. Ukraine không có những thị trường tài chính phát triển, nền kinh tế không hoạt động tốt và nhiều tài sản bị suy thoái. Chúng tôi cần hỗ trợ quốc tế cho cuộc chiến này", ông Gorodnichenko nói thêm.
Giáo sư Gorodnichenko lưu ý rằng chính phủ Ukraine, vốn cần khoảng 100-150 tỷ USD mỗi năm để vận hành đất nước và tiếp tục cuộc chiến, đã gần như không nhận được khoản viện trợ nào trong hai tháng đầu năm nay. Điều đó tạo ra những lo ngại về ngân sách cho vũ khí và nhu cầu trong nước.
Thông tin tệ hơn là danh sách theo dõi viện trợ cho Ukraine của Viện Kinh tế Thế giới Kiel gần đây tiết lộ chỉ khoảng một nửa gói viện trợ 61 tỷ USD của Mỹ sẽ trực tiếp gửi đến Ukraine. Phần còn lại được rót vào ngân khố của Bộ Quốc phòng Mỹ để trang trải số vũ khí chuyển đến Ukraine. Viện Kiel cũng chỉ ra sự chênh lệch lớn giữa những gì mà các nước cam kết và mức độ thực hiện.
Khoản vay theo thỏa thuận mới sẽ giúp phương Tây giải quyết được vấn đề thiếu hụt ngân sách viện trợ. EU đã gặp khó khăn để bù đắp viện trợ chậm trễ từ Mỹ trong vài tháng qua.
Trong ngắn hạn, thỏa thuận này giúp đảm bảo viện trợ cho Ukraine trong trường hợp cựu tổng thống Mỹ Donald Trump trở lại. Ông Trump từng tuyên bố cắt viện trợ cho Kiev nếu tái đắc cử vào tháng 11.
"Kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ có thể không thuận lợi cho Ukraine, vì vậy các lãnh đạo G7 muốn đảm bảo tài trợ trong ít nhất một năm tới. Các đối tác châu Âu của chúng tôi cuối cùng cần đưa ra quyết định chính trị về việc liệu họ có muốn động tới số tiền gốc của Nga hay không", Gorodnichenko nói.
Mặc dù khoản viện trợ 50 tỷ USD được Ukraine đánh giá cao, giải pháp này cũng đặt ra những thách thức cho các nhà hoạch định chính sách vì sẽ cần đợi vài năm lợi nhuận từ tài sản đóng băng để trả nợ.
"Nếu hôm nay bạn cho vay dựa trên khoản thế chấp là lợi nhuận tương lai, bạn phải đảm bảo rằng số tài sản gốc vẫn bị đóng băng trong 10-20 năm nữa. Vì vậy, ai đó cần đảm bảo rằng những tài sản này sẽ không được trả lại cho Nga trong thời gian đó", Kirkegaard nói.
Ông Kirkegaard thêm rằng khó có thể giải phóng số tiền gốc hậu xung đột để tài trợ cho Ukraine vì nó sẽ được sử dụng trong hơn thập kỷ để làm tài sản thế chấp cho khoản vay mới.
"Nếu bạn tin rằng Ukraine cuối cùng sẽ thắng và sẽ cần tái thiết vào thời điểm nào đó, những tài sản này khó có thể dùng khi quá trình tái thiết bắt đầu trong 3-5 năm", ông nói.
Binh sĩ Ukraine chuẩn bị đạn pháo 155 mm tại tiền tuyến ở vùng Zaporizhzhia ngày 14/1. ảnh: Reuters
Các nhà phân tích cũng cảnh báo những rắc rối phát sinh nếu Nga giành lại quyền kiểm soát số tài sản bị đóng băng hoặc lợi nhuận thu được từ đó không để để trả nợ.
Max Bergmann, giám đốc chương trình châu Âu, Nga và Á-Âu tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế, nói rằng nhiều bộ trưởng tài chính châu Âu bày tỏ lo ngại rằng đất nước của họ "sẽ bị bỏ rơi nếu Ukraine vỡ nợ".
Nhu cầu viện trợ của Ukraine có thể vẫn duy trì ở mức cao trong vài năm, trong đó gồm hàng tỷ USD cho nỗ lực tái thiết cơ sở hạ tầng năng lượng hư hại trong xung đột và xây dựng lại các thành phố bị tàn phá.
Trong khi đó, chính phủ Ukraine cũng đang cạn kiệt các lựa chọn để tăng ngân sách. Sau thời gian ngần ngại tăng thuế giữa xung đột, Kiev đang chuẩn bị tăng thuế thu nhập, thuế bán hàng và các loại thuế khác.
Nga cũng đã tăng thuế để củng cố ngân sách tài trợ cho cuộc chiến ở Ukraine. Song các nhà phân tích tin rằng Điện Kremlin sẽ đối mặt hạn chế ngân sách nghiêm trọng trong hai năm nữa, làm dấy lên lời kêu gọi Washington và Brussels giúp Kiev có lợi thế bằng cách sử dụng tất cả hơn 300 tỷ USD tài sản đóng băng của Nga.
"Bằng cách này hay cách khác, Nga sẽ phải chịu trách nhiệm về những gì họ làm ở Ukraine. Chúng tôi có thể đợi 10 năm và sau đó hãy chuyển tiền cho Ukraine, hoặc bạn có thể làm điều đó ngay bây giờ", Gorodnichenko nói.
Thanh Tâm (Theo AFP, DW, AP)
Nguồn: VNEXPRESS.NET
© 2024 | Thời báo ĐỨC