Các chuyên gia trong phiên thảo luận sáng 25-10 tại Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 15 ở TP.HCM - Ảnh: HỮU HẠNH
Hội thảo thường niên này gần như trở thành một diễn đàn truyền thống, nơi các học giả nghiên cứu về Biển Đông có dịp trao đổi quan điểm, chia sẻ góc nhìn về những diễn biến tại các điểm nóng tranh chấp, giải pháp cho các bất đồng cũng như khám phá các lĩnh vực có thể hợp tác.
Hội thảo do Học viện Ngoại giao và các cơ quan đối tác phối hợp tổ chức
Thu hẹp "vùng xám"
Tại phiên thảo luận đầu tiên của hội thảo ngày 25-10, giới học giả đa số nhận định tình hình Biển Đông nay đã trở nên phức tạp hơn nhiều so với cách đây 15 năm, không còn đơn thuần ở những tranh chấp công khai.
Rất nhiều vấn đề mới phát sinh từ việc các nước thay đổi cách tiếp cận và điều chỉnh chính sách, song song với một số diễn biến thời sự, đặc biệt cạnh tranh giữa các siêu cường trong một thế giới ngày càng đan xen lợi ích. Điều này đã ảnh hưởng lớn tới các vòng đàm phán Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).
Chính vì vậy, việc "thu hẹp vùng biển xám" là chủ đề nhằm hướng tới sự minh bạch cần thiết để có cái nhìn rõ ràng, rạch ròi hơn và xác định đúng những vấn đề đáng được quan tâm khi các nước đàm phán về cách ứng xử với nhau.
Việc xác định rõ các "vùng xám" này cũng sẽ tạo đà tiến tới mở rộng các "vùng biển xanh", tức những cơ hội hợp tác trong tương lai.
Theo quyền giám đốc Học viện Ngoại giao Phạm Lan Dung, hội thảo tại TP.HCM lần này hy vọng là nơi để các chuyên gia cùng phân tích về thực trạng Biển Đông và khu vực, làm rõ các quy tắc điều chỉnh chung, xác định các chính sách thúc đẩy lòng tin và hợp tác, làm sáng tỏ những hành vi có tác động tiêu cực tới trật tự dựa trên luật lệ và gia tăng căng thẳng.
"Đáng lo ngại"
Hội thảo năm nay diễn ra giữa thời điểm câu chuyện ở vùng biển này có phần trầm lắng. Dư luận quốc tế đang bị nhiều điểm nóng khác thu hút, từ tình hình Ukraine cho tới xung đột giữa Israel và tổ chức Hồi giáo Hamas. Trong thực tế, những căng thẳng ở Biển Đông vẫn âm ỉ. Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Anh phụ trách khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Anne-Marie Trevelyan nhận định tình hình Biển Đông thời gian qua rất "đáng lo ngại".
Một mối lo ngại nằm ở khả năng chính sách của một số nước đối với Biển Đông có thể bị ảnh hưởng ít nhiều vì tình hình Ukraine và Israel. Trao đổi với Tuổi Trẻ bên lề hội thảo, GS Carl Thayer (ĐH New South Wales, Úc) cho rằng cuộc xung đột Ukraine và Dải Gaza có thể khiến các nước như Mỹ sao nhãng với Biển Đông.
"Sau Ukraine giờ là cuộc chiến ở Gaza. Đây là thời điểm rất tệ, vì liệu Mỹ có thể dồn sự quan tâm cho cả hai? Họ có thể quay lại với Trung Đông lần nữa không? Và còn các nước ở Đông Nam Á thì sao? Đây là những thời điểm ngày càng khó đoán định. Căng thẳng cần được quản lý rất cẩn thận. Tuy nhiên, số lượng các vụ việc và mức độ nghiêm trọng đã tăng lên", ông Carl Thayer nói.
Trong vài năm gần đây, châu Âu và Canada cũng đã tăng cường sự hiện diện và thể hiện cam kết, mong muốn mang lại sự hòa bình và thịnh vượng ở Biển Đông và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Mọi thứ trở nên khó đoán hơn khi xung đột Ukraine nổ ra.
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 25-10, Quốc vụ khanh Trevelyan nhấn mạnh Anh vẫn duy trì cam kết với khu vực. Bà nói: "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương rất quan trọng như những nơi khác. Trong khi đang còn đó những xung đột tiếp diễn, nằm sát sườn với chúng tôi thì việc phối hợp với ASEAN và các đối tác khác ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vẫn rất quan trọng với chúng tôi".
Anh nhấn mạnh cam kết với Việt Nam
Tham dự và phát biểu tại hội thảo, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Anh phụ trách khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Anne-Marie Trevelyan khẳng định chuyến đi của bà nhằm thể hiện cam kết của Anh với khu vực cũng như tăng cường hợp tác với Việt Nam. Theo bà Trevelyan, hội thảo ở TP.HCM là dịp để lắng nghe quan điểm từ các nước về Biển Đông, đặc biệt ở ASEAN.
Sự hiện diện của tàu sân bay HMS Queen Elizabeth năm 2021 được xem là tín hiệu "xoay trục" của nước Anh về châu Á, đánh dấu cột mốc quan trọng cho chiến lược "Nước Anh toàn cầu" (Global Britain) sau khi rời Liên minh châu Âu (EU). Trao đổi với Tuổi Trẻ bên lề hội thảo, bà Trevelyan nhắc lại cam kết của Anh đối với khu vực, bao gồm cam kết triển khai hai tàu thường trực tại châu Á - Thái Bình Dương và kế hoạch điều một nhóm tác chiến tàu sân bay tới Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vào năm 2025.
Hồi tháng 2 năm nay, tàu hải quân Hoàng gia Anh HMS Spey cũng đã có chuyến thăm năm ngày tới TP.HCM. Đây là một trong những hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Anh - Việt.
Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương: trọng tâm toàn cầu
Phát biểu tại phiên khai mạc hội thảo ngày 25-10, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt nhận định khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đã và đang trở thành "trung tâm" của tăng trưởng toàn cầu và là đầu tàu quan trọng cho phục hồi toàn cầu và thịnh vượng tương lai.
Hiện nay xung đột đang diễn ra ở nhiều khu vực trên thế giới, trên không gian biển tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương chắc chắn không tránh khỏi nguy cơ đối đầu và xung đột.
Trong bối cảnh đó, ông Việt nhấn mạnh chỉ thông qua hợp tác, các nước mới có thể giúp Biển Đông chuyển màu từ "xám" sang "xanh", hướng tới hòa bình và phát triển bền vững. Để làm được vậy, điều quan trọng nằm ở việc phải tôn trọng và tuân thủ luật biển quốc tế được thể hiện trong Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online
© 2024 | Thời báo ĐỨC