Ban biên tập Báo New York Times: BÁO ĐỘNG VỀ DONALD TRUMP VÀ 2024

Bước vào năm bầu cử này, với Donald Trump đang dẫn đầu cuộc đua sơ bộ để thành ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa, người Mỹ nên dừng lại để xem xét liệu nhiệm kỳ thứ hai của Trump sẽ có ý nghĩa như thế nào đối với đất nước chúng ta và thế giới cũng như cân nhắc trách nhiệm trọng đại mà cuộc bầu cử này đặt lên vai họ.

1 Ban Bien Tap Bao New York Times Bao Dong Ve Donald Trump Va 2024

Đến giờ, hầu hết cử tri Mỹ chớ nên còn ảo tưởng về việc ông Trump là ai. Những năm tháng kinh doanh bất động sản và nhân vật truyền hình, rồi đến nhiệm kỳ tổng thống và thành kẻ thống trị trong Đảng Cộng hòa, Trump đã thể hiện một tính cách và tính khí cho thấy ông ta hoàn toàn không phù hợp với chức vụ cao cấp.

Khi làm tổng thống, ông ta sử dụng quyền hành một cách cẩu thả và thường tàn nhẫn, đồng thời đặt cái tôi và nhu cầu cá nhân lên trên lợi ích của đất nước. Giờ đây, khi ông ta lại ra vận động tranh cử, những xung lực tồi tệ nhất của ông ta vẫn mạnh mẽ như xưa - khuyến khích bạo lực và tình trạng vô luật pháp, lợi dụng nỗi sợ hãi và thù hận để thủ lợi chính trị, phá hoại nền pháp trị và Hiến pháp, ca ngợi những kẻ độc tài - và ngày càng tồi tệ hơn khi ông cố gắng giành lại quyền lực. Ông ta trù tính chuyện trả thù, dự định trốn tránh những hạn chế về thể chế, pháp lý và thủ tục đã gây nên giới hạn cho ông ta trong nhiệm kỳ đầu tiên.

Vì vậy, mục đích của chúng tôi khi bắt đầu năm mới là đưa ra lời báo động này.

Ông Trump không mang đến cho cử tri một lựa chọn thông thường của Đảng Cộng hòa hay Đảng Dân chủ, bảo thủ hay tự do, chính phủ lớn hay nhỏ. Ông đặt ra trước mặt nước Mỹ một sự lựa chọn mang tính định mệnh hơn nhiều: chọn sự tiếp tục của Hoa Kỳ như một quốc gia cống hiến cho “phước lành của tự do cho bản thân chúng ta và con cháu” hay chọn một kẻ kiêu căng bày tỏ thái độ coi thường luật pháp cũng như sự bảo vệ và lý tưởng của Hiến pháp.

Nếu như vào năm 2016, nhiều nhóm cử tri khác nhau đã sẵn sàng ngó lơ thói khoa trương của Trump với hy vọng rằng ông ta có thể sẽ thực hiện điều gì đó họ muốn mà không gây quá nhiều thiệt hại cho đất nước, thì ngày nay không có gì bí ẩn về những gì ông ta sẽ làm nếu giành được chiến thắng. Không còn bí ẩn gì về những loại người mà ông ta sẽ chọn đứng quanh cũng như những mục tiêu cá nhân và chính trị mà ông ta sẽ theo đuổi. Cũng không có gì bí ẩn về hậu quả đối với thế giới nếu Mỹ bầu lại một nhà lãnh đạo công khai bày tỏ sự coi thường các đồng minh của mình.

Bốn năm ở Nhà Trắng của Trump đã gây ra thiệt hại lâu dài cho vai trò tổng thống và cho đất nước này. Ông đã đào sâu sự chia rẽ cố hữu giữa những người Mỹ, khiến đất nước bị phân cực một cách nguy hiểm; ông đã vấy bẩn công luận đến mức nhiều người Mỹ đã trở nên quen với những lời nói dối, lăng mạ và tấn công cá nhân ở những nhà lãnh đạo cao cấp nhất. Sự khinh miệt của ông đối với nền pháp quyền đã làm dấy lên mối lo ngại về sự ổn định lâu dài của nền dân chủ Mỹ, và sự thiếu vắng một chiếc la bàn đạo đức ở ông ta gây nguy cơ làm xói mòn những lý tưởng phục vụ quốc gia.

Nền Cộng hòa đã chịu đựng được một nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump vì nhiều lý do: ông ta thiếu một chương trình nghị sự được chuẩn bị sẵn, sự gián đoạn của đại dịch Covid-19, và nỗ lực của những người được bổ nhiệm cố gắng khống chế những yêu cầu nguy hiểm hoặc vô lý nhất của ông ta.

Điều quan trọng nhất là nó tồn tại được là nhờ vào những con người và thể chế trong chính quyền của ông ta cũng như trong Đảng Cộng hòa đã tỏ ra đủ mạnh mẽ để chống lại những nỗ lực của ông ta nhằm phá hoại quá trình chuyển giao quyền lực một cách hòa bình.

Sau thời kỳ của chính quyền đó, thật đáng để lắng nghe những đánh giá của một số quan chức này về vị tổng thống mà họ đã phục vụ. John Kelly, chánh văn phòng của ông Trump, gọi ông ta là “người hư hỏng nhất mà tôi từng gặp”, một người không thể hiểu tại sao người Mỹ lại ngưỡng mộ những người đã hy sinh ngoài chiến trường.

Bill Barr, người từng giữ chức Bộ trưởng Tư pháp và Mark Esper, cựu Bộ trưởng Quốc phòng, đều nói rằng ông Trump nhiều lần đặt lợi ích của mình lên trên lợi ích của đất nước. Ngay cả người trung thành và bảo thủ nhất trong số họ, Phó Tổng thống Mike Pence - người mà lập trường phút chót đã khiến Trump và những người theo ông ta nổi loạn vào ngày 6 tháng Giêng 2021 - cũng đã nhìn thấu ông ta. Ông nói: “Ngày hôm đó, Tổng thống Trump cũng yêu cầu tôi phải lựa chọn giữa ông ấy và Hiến pháp.”

Sẽ không có những người như thế trong Nhà Trắng nếu Trump tái đắc cử. Ông cựu tổng thống không thích bị kiềm chế, và ông ta đã chọn quanh mình những người muốn thể chế hóa chủ thuyết MAGA. Theo tường trình từ các phóng viên Maggie Haberman, Charlie Savage và Jonathan Swan của New York Times, ông Trump và các đồng minh ý thức hệ của ông đã lên kế hoạch cho nhiệm kỳ thứ hai của Trump từ nhiều tháng nay. Dưới cái tên Dự án 2025, một liên minh gồm các tổ chức cánh hữu đã lập ra một cuốn cẩm nang dày và chiêu mộ hàng nghìn ứng viên tiềm năng để chuẩn bị cho một cuộc tấn công tổng lực vào các cơ cấu của chính phủ Mỹ và các thể chế dân chủ từng đóng vai trò kiểm tra quyền lực của Trump trước đây.

Dự án này gắn liền với kế hoạch của Trump và những người ủng hộ ông nhằm phân loại lại hàng chục nghìn công chức liên bang có thể sa thải nếu họ không hoàn toàn đồng tình với chương trình nghị sự của Trump. Ông ta cũng có kế hoạch tước bỏ sự độc lập của Bộ Tư pháp để sử dụng nó để trả thù những người mà theo quan điểm của ông ta, đã không dựng ra chiến thắng cho ông ta trong cuộc bầu cử năm 2020 hoặc nói cách khác là không ủng hộ các yêu cầu vi hiến của ông ta. Còn nhiều hơn thế nữa, bao gồm cả việc Trump đe dọa tìm cách sử dụng quân đội liên bang để chống lại những người có thể phản đối chính sách và cách làm của ông. Những tham vọng này cho thấy những năm tháng hậu tổng thống và những thách thức pháp lý ngày càng gia tăng mà Trump đã phải đối mặt chỉ mài dũa thêm bản năng xấu xa nhất của ông ta.

Ông Trump đã bị luận tội hai lần khi còn là tổng thống và kể từ khi rời nhiệm sở đã bị buộc tội trong bốn vụ án hình sự – hai vụ liên quan đến nỗ lực lật ngược cuộc bầu cử năm 2020, một vụ trả tiền bịt miệng cho một ngôi sao phim khiêu dâm và một vụ khác vì tội tàng trữ tài liệu mật sau khi ông rời nhiệm sở và cản trở nỗ lực thu hồi của chính phủ. Chưa từng có một tổng thống nào khác bị truy tố về tội hình sự khi đương nhiệm hay mãn nhiệm.

Ông Trump không những không tỏ chút hối hận về những hành vi đó mà còn không có dấu hiệu nào cho thấy ông hiểu những cáo trạng này. Ngược lại, ông ta luôn cho rằng những vụ án chỉ là một chiến dịch chính trị nhằm làm suy yếu ông ta. Ông ta tiếp tục cho rằng vụ bạo loạn Sáu tháng Giêng đã bị bóp méo. Ông ta nói trong một cuộc phỏng vấn vào tháng Tám năm ngoái rằng, “Ở đó có tình yêu và sự đoàn kết.” Và ông ta gợi ý rằng, nếu tái đắc cử, ông ta có thể sử dụng quyền tổng thống để ân xá cho chính mình.

Những tấn công của Trump vào các vấn đề đối ngoại vẫn còn nhiều sai lầm và rời rạc một cách nguy hiểm. Khi còn là tổng thống, ông ta thể hiện sự ngưỡng mộ nhất quán đối với các nhà lãnh đạo độc tài - bao gồm Tập Cận Bình, Vladimir Putin và Kim Jong-un - và coi thường các đồng minh dân chủ. Tại Nhà Trắng, ông liên tục đe dọa rời bỏ NATO, một liên minh quan trọng đối với sự ổn định của châu u bị ông coi là sự tiêu hao tài nguyên của Mỹ; trang web tranh cử của ông hiện nay cho biết, tuy không nêu chi tiết, rằng ông có kế hoạch “hoàn tất” quá trình “đánh giá lại về cơ bản mục đích của NATO và sứ mệnh của NATO”.

Ông đã tuyên bố ý định từ bỏ Ukraine, mặc nguy cơ xâm lược của Nga vào nước này và các nước láng giềng khác. Nếu được khuyến khích bởi một tổng thống Mỹ, các nhà lãnh đạo cai trị bằng bàn tay sắt ở Hungary, Israel, Ấn Độ và nhiều nơi khác sẽ phải đối mặt với ít áp lực đạo đức hoặc dân chủ hơn nhiều.

Ông Trump đã nói rõ niềm tin của mình rằng chỉ có “kẻ thua cuộc” mới chấp nhận các ràng buộc pháp lý, thể chế hoặc thậm chí là hiến pháp. Ông ta đã hứa sẽ trả thù các đối thủ chính trị của mình, những người mà ông ta gọi là “sâu bọ” và đe dọa xử tử. Điều này đặc biệt đáng ngại vào thời điểm đang có mối lo lắng dâng cao về bạo lực chính trị, và các quan chức dân cử thuộc cả hai đảng bị đe dọa tính mạng ngày càng nhiều.

Ông ta đã nhiều lần thể hiện thái độ coi thường sâu sắc đối với Tu chính án Thứ nhất và các nguyên tắc cơ bản của dân chủ, trong đó nổi bật nhất là quyền tự do bày tỏ quan điểm bất đồng chính kiến một cách ôn hòa với những người nắm quyền mà không sợ bị trả thù, và ông không giấu diếm việc sẵn sàng mở rộng quyền lực của tổng thống, bao gồm cả việc triển khai quân đội và Bộ Tư pháp, để làm theo ý mình.

Nền dân chủ ở Hoa Kỳ mạnh mẽ hơn nhờ một phong trào chính trị bảo thủ mạnh mẽ nhằm duy trì sự đa dạng về tư tưởng đối với các vấn đề quan trọng, chẳng hạn như cách tiếp cận của quốc gia đối với vấn đề nhập cư, giáo dục, an ninh quốc gia và trách nhiệm tài chính. Cần có chỗ cho sự bất đồng thực sự về bất kỳ chủ đề nào trong số này và nhiều chủ đề khác - và điều đó đã có truyền thống lâu đời trong suốt cuộc thử nghiệm Mỹ quốc. Nhưng đó không phải là điều ông cựu tổng thống đang tìm kiếm.

Bầu chọn Trump một lần nữa sẽ gây ra những mối nguy hiểm nghiêm trọng cho nền Cộng hòa của chúng ta và cho thế giới. Đây là lúc không nên đứng ngoài mà thay vào đó hãy tham gia trở lại.

Chúng tôi kêu gọi người Mỹ hãy gác lại những khác biệt chính trị, những bất bình và đảng phái của họ và suy ngẫm - với tư cách là gia đình, giáo xứ, hội đồng, câu lạc bộ và cá nhân - tầm quan trọng thực sự của sự lựa chọn của họ trên lá phiếu vào tháng 11./.

Ban biên tập Báo New York Time

Nguồn: https://www.nytimes.com/2024/01/06/opinion/trump-2024-campaign-warning.html


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày