Lực lượng vũ trang Ukraine ở Druzhkivka ngày 13/ 1. (Nguồn: Getty Images)
Theo European Pravda, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba trong cuộc trả lời phỏng vấn của nhà báo Vadym Karpiak ngày 14/1 đã đề cập việc các quốc gia bày tỏ mong muốn cung cấp xe tăng hạng nặng Leopard 2 của NATO cho lực lượng vũ trang Ukraine.
Ngoài Ba Lan và Phần Lan, Ngoại trưởng Kuleba cho rằng có "ít nhất 3 quốc gia khác" nhất trí chuyển giao xe tăng Leopard 2 nếu Đức, với tư cách là quốc gia sản xuất, đồng thuận với điều này.
Tổng số xe tăng mà các nước thông báo có thể chuyển giao cho Ukraine hiện chưa được công bố, tuy nhiên, ít nhất là vào khoảng 100 phương tiện chiến đấu loại này.
Tây Ban Nha và Đức - 2 quốc gia có số lượng xe tăng Leopard 2A4 đang phục vụ trong quân đội nhiều nhất - có thể trở thành những nhà cung cấp chính.
Trước đó, có thông tin cho rằng phương Tây có thể viện trợ tổng cộng khoảng 500 xe tăng Leopard 2 cho Kiev, trong khi Czech có thể chuyển thêm khoảng 50 xe tăng T-72 tới Ukraine.
Các chuyên gia Nga lo ngại việc phương Tây chuyển giao số lượng lớn xe tăng cho Ukraine có thể làm trầm trọng thêm tình hình ở quốc gia láng giềng này.
Cùng ngày 14/1, theo AFP, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Thủ tướng Anh Rishi Sunak đã đề cập ý định của London về việc triển khai xe tăng hạng nặng Challenger 2 cùng hệ thống pháo bổ sung tới quốc gia Đông Âu thân phương Tây này.
Ngay sau đó, Đại sứ quán Nga tại Anh cảnh báo việc London gửi xe tăng Challenger 2 tới Ukraine sẽ chỉ “làm gia tăng” xung đột.
Trong một diễn biến khác, Guardian đưa tin, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio khi phát biểu họp báo một ngày sau cuộc gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden đã xác nhận cuộc xung đột Nga-Ukraine tạo “cảm giác rõ ràng về cuộc khủng hoảng liên quan đến môi trường an ninh ở khu vực Đông Á”.
Ông nói: “Bài học về Ukraine đã dạy chúng ta rằng an ninh của châu Âu và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là không thể tách rời.
Tình hình xung quanh Nhật Bản ngày càng trở nên nghiêm trọng với những nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực ở Biển Hoa Đông và Biển Đông, cũng như động thái kích hoạt các hoạt động hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên”.
Báo Thế giới & Việt Nam
© 2024 | Thời báo ĐỨC