Một vụ thử tên lửa của Iran (Ảnh: Fars News).
Nhóm gồm 39 nhà lập pháp Iran đã gửi một thông điệp chính thức tới Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao với đề nghị sửa đổi học thuyết quốc phòng nhằm cho phép Tehran phát triển vũ khí hạt nhân trong bối cảnh mối đe dọa từ Israel liên tục gia tăng, nghị sĩ Hasanali Ekhlaki Amiri, người khởi xướng lời kêu gọi, cho biết.
"Một lá thư đã được gửi đến Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao, cho đến nay đã có 39 thành viên quốc hội ký. Nội dung của lá thư là đề nghị sửa đổi học thuyết quốc phòng trong lĩnh vực vũ khí hạt nhân", ông thông báo.
Từ năm 2003, Lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei đã ra sắc lệnh cấm sản xuất vũ khí hạt nhân vì cho rằng điều này trái với quy tắc đạo Hồi.
"Cuộc thảo luận về học thuyết quốc phòng của chúng ta dựa trên sắc lệnh năm 2003, nhưng ngày nay, Israel lại không chịu bất kỳ trách nhiệm nào. Không một tổ chức quốc tế nào, không phải Mỹ hay bất kỳ quốc gia châu Âu nào có thể kiểm soát được nước này. Tôi cho rằng vấn đề này nên được các chuyên gia xem xét", ông Ekhlaki Amiri tuyên bố.
Theo ông Amiri, việc Iran phát triển vũ khí hạt nhân có thể được cho phép như một biện pháp răn đe, trong khi lệnh cấm sử dụng chúng vẫn có thể được áp dụng như sắc lệnh của ông Khamenei đã ban bố.
Căng thẳng giữa Israel và Iran đã leo thang dồn dập trong những tháng qua. Hôm 1/10, Iran đã phóng hàng trăm tên lửa vào đối thủ nhằm trả đũa cho cái chết của 2 nhà lãnh đạo Hamas và Hezbollah, các nhóm vũ trang mà Tehran hậu thuẫn.
Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant cho biết, nước này sẽ không từ bỏ kế hoạch trả đũa Iran, đồng thời cảnh báo đòn đáp trả của Tel Aviv sẽ "chết người và bất ngờ" để người Iran không có thời gian hiểu bất cứ điều gì,
"Cuộc tấn công của Iran là hiếu chiến nhưng không chính xác. Ngược lại, cuộc tấn công của chúng tôi sẽ chết người, chính xác tuyệt đối và quan trọng nhất là gây bất ngờ. Iran sẽ không biết chuyện gì đã xảy ra hoặc xảy ra như thế nào. Họ sẽ chỉ nhìn thấy kết quả", ông tuyên bố.
Bộ trưởng Gallant nhấn mạnh rằng cuộc tấn công của Iran không gây thiệt hại quá lớn cho quân đội Israel. Theo ông, tất cả các căn cứ không quân của phía Tel Aviv đều hoạt động bình thường và không có máy bay nào bị hư hại sau khi Iran tuyên bố đã phá hủy một số tiêm kích của đối thủ.
Ông cũng cho hay toàn bộ giới lãnh đạo quân sự và chính trị của Israel - từ binh lính đến thủ tướng - đang cùng nhau lên kế hoạch tấn công Iran. "Toàn bộ chuỗi chỉ huy đang vào cuộc và tập trung xung quanh vấn đề này", ông Galant nhấn mạnh.
Trước đó, các chuyên gia phương Tây nhận định Iran có thể đẩy nhanh chương trình hạt nhân của mình như một biện pháp răn đe đối với Israel, nếu căng thẳng giữa 2 bên tiếp tục leo thang.
Họ lo ngại Iran sẽ cảm thấy bị dồn vào chân tường cũng như đối mặt với mối đe dọa lớn và Tehran có thể đẩy nhanh tiến trình hạt nhân và theo đuổi vũ khí nguyên tử.
Iran luôn khẳng định rằng chương trình hạt nhân của họ "chỉ phục vụ mục đích hòa bình". Từ năm 2022, Iran từng tuyên bố họ sở hữu kỹ thuật chế tạo bom hạt nhân nhưng chưa có kế hoạch thực hiện điều đó.
Theo Tass
Nguồn: Báo điện tử Dân trí
© 2024 | Thời báo ĐỨC