Liên minh châu Âu (EU) đang trong “tình trạng nguy kịch”, Thủ tướng Đức Angela Merkel phát biểu hôm qua khi các nhà lãnh đạo EU nhóm họp tại Slovakia để thảo luận biện pháp lấy lại niềm tin sau khi người Anh bỏ phiếu rời khối này. Nhóm họp tại Slovakia mà không có Anh, các nhà lãnh đạo EU sẽ không thảo luận vấn đề đàm phán liên quan vấn đề Anh rời khỏi khối (Brexit).
Thủ Tướng Đức Angela Merkel trong cuộc họp báo tại Bratislava hôm 16.09.2016 - Ảnh/Bildrechte: dpa/mdr.de
“Chúng ta cần các giải pháp cho châu Âu; chúng ta đang trong tình trạng nguy kịch. Các bạn không thể giải quyết tất cả các vấn đề của châu Âu trong một hội nghị thượng đỉnh được. Điều chúng ta phải làm là thể hiện bằng hành động rằng chúng ta có thể làm tốt hơn trong lĩnh vực an ninh, chống khủng bố và quốc phòng”, Thủ tướng Đức nói.
Dù kết quả trưng cầu ý dân của Anh về Brexit không có trong chương trình nghị sự, Thủ tướng Anh Theresa May không dự hội nghị thượng đỉnh EU tại Slovakia, vấn đề Brexit được dự đoán sẽ bao trùm hội nghị. Tổng thống Pháp Francois Hollande nói: “Dù chúng ta đi theo hướng tàn phai, tan rã hoặc chúng ta cùng nhau làm việc để tạo động lượng mới, chúng ta phải khởi động lại dự án châu Âu”.
Chia rẽ về việc phân bổ người di cư
Ông Tusk thúc giục các nhà lãnh đạo EU có cái nhìn thật sự nghiêm túc vào các vấn đề của khối. Theo giới quan sát, ông hy vọng 27 quốc gia thành viên EU công khai thể hiện sự đoàn kết sau khi Anh rời bỏ EU. Ông Tusk muốn khôi phục uy tín và sự ổn định của EU trong bối cảnh khối này đang phải đối mặt vụ khủng hoảng người di cư và nhiều vấn đề liên quan tới đồng tiền chung châu Âu euro.
Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo châu Âu bị chia rẽ. Khu vực Đông và Trung muốn lấy lại vị trí trung tâm quyền lực từ Brussels; các quốc gia miền Bắc coi miền Nam là con nợ eurozone (khu vực đồng tiền chung châu Âu); các nước vùng Địa Trung Hải ngại ngần không muốn thực hiện lời kêu gọi của Đức về thực hiện một số biện pháp thắt lưng buộc bụng.
Vì vậy, các nhà lãnh đạo EU sẽ tập trung vào các chủ đề mà họ nhất trí hoặc cảm thấy liên quan tới mối quan tâm của cử tri như di cư, an ninh, toàn cầu hóa… Các vấn đề khó khăn, như thỏa thuận thương mại với Anh trong tương lai, cách thức cứu đồng euro… sẽ được thảo luận vào dịp khác.
Cách EU xử lý vấn đề dòng người nhập cư là một trong những điểm gây tranh cãi nhất tại các nước thành viên. Thủ tướng Slovakia Robert Fico nằm trong nhóm các nhà lãnh đạo Trung và Đông Âu phản đối hệ thống quota của khối.
Hệ thống này phân bổ 160.000 người tị nạn cho các nước thành viên EU. Kế hoạch phân bổ người tị nạn đến từ Iraq, Syria và Eritrea nhằm giảm bớt gánh nặng cho Ý và Hy Lạp. Ông Fico nói rằng, Slovakia sẽ không chấp nhận bất kỳ người di cư Hồi giáo nào.
Hồi đầu tuần, Ngoại trưởng Luxembourg Jean Asselborn kêu gọi đình chỉ, thậm chí loại bỏ tư cách thành viên EU của Hungary vì vi phạm các giá trị cơ bản của khối, trong đó có việc chính phủ Hungary đối xử lạnh lùng với người tị nạn.
Đối với Pháp, ưu tiên của họ là an ninh biên giới trong bối cảnh Pháp gần đây hứng chịu nhiều vụ tấn công do các đối tượng Hồi giáo cực đoan thực hiện. Pháp và Đức đã vạch ra kế hoạch tăng cường hợp tác quân sự EU.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker vừa kêu gọi thành lập tổng hành dinh quân sự châu Âu.
Thái Anh - tienphong.vn
Theo BBC, CNN
© 2024 | Thời báo ĐỨC