Thủ tướng Đức Merkel đối diện nhiều thách thức khi thăm Mỹ

Thủ tướng Đức Angela Merkel có chuyến thăm Mỹ ngay sau Tổng thống Pháp Macron nhưng sẽ không được tiếp đón ở nghi thức cao nhất như ông Macron.

Chỉ 2 ngày sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kết thúc chuyến thăm cấp nhà nước đến Mỹ, nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng sẽ đặt chân đến Washington, bắt đầu chuyến thăm Mỹ từ ngày thứ Sáu, 27/4.

Tuy nhiên, khác với không khí rầm rộ và hào nhoáng từ chuyến thăm của ông Macron, chuyến đi của bà Merkel diễn ra tương đối lặng lẽ cả về mặt lễ tân và truyền thông.

Về mặt lễ tân, nữ Thủ tướng Đức sẽ không được Tổng thống Mỹ Donald Trump dành cho các nghi thức đón tiếp cao nhất giống như đã dành cho ông Macron. Phía Mỹ không xếp chuyến đi của bà Merkel là chuyến thăm cấp nhà nước mà chỉ là một chuyến thăm làm việc, tức là mức thấp nhất.

Thủ tướng Đức Merkel đối diện nhiều thách thức khi thăm Mỹ - 0 Tổng thống Donald Trump tiếp đón Thủ tướng Đức Angela Merkel khi bà thăm Mỹ tháng 3/2017. Ảnh: NY Daily News

Theo giới phân tích, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra sự đón tiếp khác biệt đối với hai đồng minh quan trọng hàng đầu của Mỹ tại châu Âu.

Thứ nhất, quan hệ giữa Mỹ và Đức đã xấu đi đáng kể trong thời gian gần đây, sau khi ông Donald Trump lên làm Tổng thống Mỹ. Ông Trump đã nhiều lần chỉ trích chính sách thương mại của Đức khiến cho nước Mỹ phải gánh một khoản thâm hụt thương mại lớn trong quan hệ kinh tế với Đức. Ngoài ra, Tổng thống Mỹ cũng luôn cho rằng nước Đức phải chi nhiều tiền hơn cho khối quân sự NATO, đồng thời chỉ trích hợp tác của Đức với Nga trong dự án xây dựng đường ống dẫn dầu “Dòng chảy phương Bắc”.

Một nguyên nhân quan trọng khác khiến quan hệ Mỹ-Đức trở nên lạnh nhạt là do mối quan hệ cá nhân không tốt giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump với Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ông Trump, một người có tính cách mạnh mẽ nhưng cũng đầy tranh cãi, từng công khai thể hiện sự thiếu thiện cảm với bà Merkel, người được truyền thông phương Tây tung hô là ngọn cờ lãnh đạo thế giới tự do phương Tây để đối phó với những nguy cơ sau khi ông Trump lên làm Tổng thống Mỹ.

Sự xa cách giữa Mỹ và Đức càng trở nên rõ ràng hơn trong sự kiện Syria vừa qua, khi nước Đức không tham gia cùng Mỹ, Anh, và Pháp trong hành động tấn công quân sự nhằm vào Syria mà chỉ đưa ra các tuyên bố ủng hộ về mặt chính trị. Theo các chuyên gia, trong sự kiện Syria, nước Đức thiếu cả mong muốn lẫn năng lực hành động để tham gia cùng Mỹ, Anh, Pháp và điều này có thể khiến nước Đức bị chính quyền của ông Donald Trump loại khỏi nhóm các đồng minh hàng đầu của Mỹ.

Tất cả những yếu tố này khiến cho chuyến công du đến Mỹ của bà Merkel gặp nhiều thách thức. Theo dự kiến, nữ Thủ tướng Đức sẽ bàn thảo với Tổng thống Mỹ về thoả thuận hạt nhân Iran, tăng đóng góp tài chính cho NATO, căng thẳng với Nga, thương mại quốc tế cũng như quan hệ kinh tế song phương Mỹ-Đức.

Đây đều là các chủ đề mà Mỹ và Đức đang có nhiều bất đồng sâu sắc, khiến Đức buộc phải có nhiều động thái xoa dịu Mỹ trước chuyến đi của bà Merkel, như tuyên bố của bà Merkel rằng Đức cũng sẽ tính toán đến lợi ích của Ukraina khi tham gia xây dựng dự án đường dẫn dầu “Dòng chảy phương Bắc” cùng Nga.

Tuy nhiên, trong hai chủ đề gai góc nhất là vấn đề hạt nhân Iran và việc Mỹ muốn Đức tăng ngân sách quốc phòng và đóng góp tài chính nhiều hơn cho NATO, bà Merkel dự kiến sẽ phải đối mặt với sức ép và sự cứng rắn lớn từ phía Tổng thống Mỹ Donald Trump, đặc biệt trong bối cảnh đây cũng là các nội dung chính sẽ được bàn thảo trong Hội nghị Ngoại trưởng NATO sẽ khai mạc đúng ngày 27/4 tại Brussels./.

Quang Dũng/VOV-Paris

Nguồn: vov.vn

 


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày