Thủ tướng Đức đơn độc níu giữ EU

Từng là một người hùng, bà Angela Merkel giờ lại đang gặp vô vàn khó khăn trong việc cứu lấy số phận của Liên minh châu Âu (EU) và cả chính bản thân mình.

 

Thủ tướng Đức đơn độc níu giữ EU - 0

Thủ tướng Đức Angela Merkel giờ đây phải “cứu” EU, trong khi tương lai của bà trên chính trường Đức đang khó đoán định - Ảnh: Reuters

Hôm 7-2, bà Merkel đã đến Ba Lan trong chuyến thăm được đánh giá có tính chất quan trọng đối với tương lai EU, giữa lúc chủ nghĩa hoài nghi về khả năng gắn kết của liên minh này đang trỗi dậy.

AP dẫn lời Sebastian Plociennik, chuyên gia tại Viện Quan hệ quốc tế Ba Lan, nhận định rằng đây là “một trong những chuyến đi quan trọng nhất đối với quan hệ Ba Lan - Đức kể từ năm 2004”, thời điểm Ba Lan gia nhập EU.

Vun đắp niềm tin

Cuộc gặp gỡ giữa bà Merkel và những lãnh đạo cao cấp của Ba Lan đặt trọng tâm vào việc giải quyết cùng lúc hai việc: thuyết phục các chính trị gia bảo thủ tại Ba Lan và giải quyết những cáo buộc EU nhằm vào Ba Lan theo hướng ôn hòa.

Nhiệm vụ đầu tiên, bà Merkel phải thuyết phục Jaroslaw Kaczynski, lãnh đạo Đảng Pháp luật và công lý tại Warsaw. Ông Kaczynski không có chức vụ trong chính phủ, nhưng được cho là chính trị gia quyền lực nhất Ba Lan, và theo đuổi chủ nghĩa hoài nghi về châu Âu, theo Financial Times.

Kaczynski ca ngợi việc nước Anh rời EU (Brexit) và dù không đưa ra ý định tách khỏi EU, ông vẫn thường xuyên không hài lòng về quyền lợi và vị thế của Ba Lan trong khối, đồng thời muốn Ba Lan giữ càng nhiều quyền lực quốc gia càng tốt.

Bên cạnh đó, vấn đề nhập cư tiếp tục là gánh nặng cho châu Âu và nhiệm vụ của bà Merkel. Ba Lan công kích Đức, cho rằng Berlin lạm dụng quyền lực tại EU để phân bổ trách nhiệm tiếp nhận người tị nạn, từ chối nhận người tị nạn Hồi giáo.

Với ưu tiên xoa dịu những hoài nghi và giữ tính thống nhất cho EU, bà Merkel trước hết tìm cách nối lại quan hệ vốn rất tốt trước đây giữa Đức và Ba Lan. Tuy vậy, các nghị sĩ tại Đức lại gây áp lực lên bà Merkel, kêu gọi một cuộc nói chuyện thẳng thắn với Ba Lan về cáo buộc Warsaw hạn chế tư pháp độc lập cũng như tự do báo chí.

Ngoài ra, bà Merkel cũng phải thuyết phục Ba Lan rằng sự gắn kết là điều cần thiết nhất để ứng phó trước tương lai bất định từ cách tiếp cận của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với Nga và sự hiện diện của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở châu Âu.

Người hùng đơn độc

Câu chuyện của Ba Lan cũng tương tự những gì bà Merkel phải đối mặt khắp châu Âu, nơi sự hoài nghi dành cho EU ngày càng trở nên mạnh mẽ. Cú sốc mang tên Brexit là điển hình cho mối lo chia rẽ, từ đó dẫn tới sự sụp đổ của EU, mà bà Merkel hiện như một lãnh đạo đơn độc chống lại điều này.

Gánh nặng người tị nạn tạo ra “cuộc khủng hoảng nội bộ dữ dội nhất của EU”, khi mâu thuẫn giữa người dân địa phương và người nhập cư nổ ra, kèm theo tâm lý sợ hãi lẫn thái độ thù địch và đặt lợi ích quốc gia lên trên hết.

Sự kiện Brexit và thắng lợi của ông Trump càng cổ vũ cho tư tưởng ưu tiên lợi ích quốc gia lên ngôi, trong khi những đồng minh thân cận của bà Merkel theo đuổi sự tự do và mở cửa gần như thất thế hoàn toàn.

Tại Ý, cựu thủ tướng Matteo Renzi đã từ chức sau khi thất bại trong cuộc trưng cầu cải cách hiến pháp tháng 12-2016.

Ở Pháp, Tổng thống François Hollande bị cho là đã sụt giảm uy tín và có tỉ lệ người dân ủng hộ xuống rất thấp. Do vậy, ông Hollande đã tuyên bố không ra tranh cử nhiệm kỳ thứ 2 năm nay.

Ngoài ra cũng giống như Ba Lan, một số nước châu Âu khác cũng mạnh tay với người nhập cư và dần không kiên nhẫn vì lập trường cứng rắn với Nga của EU, ví dụ Viktor Orbán tại Hungary.

Và tất nhiên, ngay cả trong nước Đức, bà Merkel và Đảng Liên minh dân chủ Thiên Chúa giáo (CDU) cũng chịu rất nhiều áp lực trong cuộc bầu cử liên bang tới đây. Nổi lên tại Đức là đảng dân túy cánh hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD).

Thời thế đã đảo ngược hoàn toàn với bà Merkel chỉ sau một hai năm ngắn ngủi. Từ chỗ được bình chọn là Nhân vật của năm trên tạp chí Time năm 2015, danh tiếng của bà Merkel như một chính khách hết lòng vì hòa bình, nhân ái, giờ đây chính là điểm yếu khiến vị thủ tướng 62 tuổi hứng chịu nhiều chỉ trích từ công luận.

Vào tháng 5-2015, Anas Modamani, một người tị nạn Syria, cứ ngỡ mình đã rất hạnh phúc khi xuất hiện trong tấm hình chụp chung nổi tiếng với bà Merkel tại Berlin (Đức).

Tuy nhiên sau hàng loạt vụ tấn công khủng bố xảy ra ở Brussels (Bỉ), Ansbach và Berlin (Đức), các thành phần theo tư tưởng cực hữu đã dùng hình ảnh của Modamani như một cách nhắc nhở rằng chính sách đón nhận dân nhập cư của bà Merkel đã góp phần tạo ra tình trạng khủng bố khắp châu Âu.

Tỉ lệ ủng hộ đảng cầm quyền của bà Merkel giảm

Lần đầu tiên trong một thập kỷ, kết quả thăm dò dư luận cho thấy đảng cầm quyền CDU của Thủ tướng Đức Angela Merkel bị giảm sút uy tín, đứng thứ hai sau đảng đối lập trung tả SPD.

Theo báo Independent, cuộc thăm dò dư luận do Hãng INSA thực hiện cho báo Bild của Đức cho thấy 30% người dân ủng hộ CDU, giảm 3 điểm % so với cuộc thăm dò lần trước.

Trong khi đó đảng đối lập với CDU là Đảng Dân chủ xã hội Đức (SPD), một đảng luôn đứng sau CDU trong các cuộc thăm dò dư luận suốt nhiều năm qua, giờ lại giành được 31% tỉ lệ ủng hộ, tăng 4 điểm % so với chính họ ở lần thăm dò trước.

Mặc dù chỉ dẫn trước 1 điểm % nhưng kết quả thăm dò mới nhất có ý nghĩa biểu tượng đáng kể cho thấy những thay đổi trong diện mạo chính trường Đức, nhất là khi CDU vẫn luôn là đảng chiếm ưu thế trong hơn một thập kỷ qua tại quốc gia này.

NHẬT ĐĂNG, TTO


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày