Cuối tuần qua, Ngân hàng Deutsche Bank đã mua quảng cáo toàn trang trên tất cả các tờ báo lớn của nước Đức để nói lời xin lỗi vì “những sai lầm nghiêm trọng” gây tổn thất hàng tỷ euro và khiến Ngân hàng thua lỗ suốt hai năm qua.
Trong bài xin lỗi đăng tải trên các báo, John Cryan, Giám đốc điều hành (CEO) của Deutsche Bank, người đã ký tên đại diện cho Ban điều hành, bày tỏ sự hối tiếc vì một số hành động của Ngân hàng đã không tuân theo các tiêu chuẩn được đặt ra với hoạt động kinh doanh chứng khoán bảo đảm bằng tài sản thế chấp tại Mỹ trong giai đoạn từ năm 2005 đến năm 2007.
CEO Deutsche Bank gọi những hành động này là “không thể chấp nhận” và cam kết rằng ban lãnh đạo Ngân hàng sẽ làm mọi thứ trong khả năng của mình để ngăn chặn những sự việc tương tự tái diễn.
Vụ bê bối kể trên đã khiến cho Deutsche Bank thiệt hại về cả danh tiếng lẫn tài chính. Deutsche Bank cho biết có thể sẽ bán cổ phiếu để vực dậy năng lực tài chính, đồng thời xem xét tìm kiếm sự hỗ trợ từ các cổ đông trong bối cảnh chi phí quá lớn cho các khoản phạt đang đè nặng lên lợi nhuận.
Cụ thể, tháng 12/2016, Deutsche Bank tuyên bố sẽ chi 7,2 tỷ USD cho Bộ Tư pháp Mỹ để dàn xếp vụ kiện. Riêng trong quý IV/2016, ngân hàng này đã lỗ 1,89 tỷ euro.
Nếu như năm 2015 là năm khủng hoảng nhất của Deutsche Bank khi thua lỗ tới 6,8 tỷ euro, thì năm 2016 cũng là một năm khá chật vật. Doanh thu của Ngân hàng đã giảm 10% xuống còn 30 tỷ euro. Hồi tháng 9/2016, giá cổ phiếu của Deutsche Bank đã rớt xuống mức thấp nhất trong vòng 20 năm trở lại đây.
Theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Deutsche Bank hiện đang ở trong tình thế đáng báo động nhất trong nhóm các ngân hàng lớn nhất thế giới. Deutsche Bank là một trong hai ngân hàng trong tổng số 33 ngân hàng quốc tế lớn thất bại trong bài kiểm tra sức mạnh tài chính được thực hiện bởi Ngân hàng Trung ương Mỹ vào đầu năm 2016.
Đầu tháng 2 năm nay, Deutsche Bank lại tiếp tục bị Mỹ và Anh đòi khoản phạt vì “rửa tiền” tại Nga, với các giao dịch mua cổ phiếu bằng đồng rúp và bán lại chứng khoán trên thị trường London. Cụ thể, cơ quan quản lý tài chính bang New York (NYSDFS) cho biết, ngân hàng này sẽ phải trả 425 triệu USD.
Cơ quan Dịch vụ tài chính (FCA) của Anh cũng phạt Deutsche Bank khoản tiền khoảng 200 triệu USD. Trong phiên giao dịch đầu tuần, cổ phiếu của Deutsche Bank đã giảm tới 6%.
Ngoài ra, cũng như nhiều ngân hàng khác, môi trường lãi suất thấp kéo dài là một yếu tố gây khó khăn cho Deutsche Bank trong việc tạo ra lợi nhuận, khi chênh lệch giữa lãi vay và lãi gửi là quá nhỏ. Trong bối cảnh đó, Deutsche Bank đã phải cắt giảm nhiều việc làm và các khoản tiền thưởng.
Hiện tại, ngân hàng này đang trong quá trình đóng cửa 200 chi nhánh ở Đức và sa thải khoảng 9.000 nhân viên (trên tổng số 100.000 nhân viên) của mình.
Phát biểu tại Frankfurt vào thứ năm tuần trước, CEO John Cryan nhận định:
“Kết quả kinh doanh của Deutsche Bank năm 2016 đã bị ảnh hưởng nặng nề từ những việc làm nhằm cải thiện và hiện đại hóa hệ thống ngân hàng, cùng với sự nhiễu loạn của thị trường”.
Ông hứa hẹn sẽ mang lại lợi nhuận cho Ngân hàng trong năm 2017 nhờ cắt giảm chi phí cho vay và giải quyết ổn thỏa các tranh chấp pháp lý.
Hiện tại, John Cryan đang cố gắng gây dựng lại mức vốn bị “xói mòn” trong suốt thời gian qua bởi việc chi trả cho các khoản phạt, đồng thời thu hẹp lại hoạt động kinh doanh của Ngân hàng.
“Tôi phải nhấn mạnh rằng, có thể chúng ta chưa đạt được tất cả các mục tiêu đề ra, nhưng chúng ta đã có sự tiến bộ đáng ghi nhận”, CEO 57 tuổi cho biết.
Được bổ nhiệm vào vị trí CEO của Deutsche Bank vào tháng 7/2015, John Cryan đã thực hiện nhiều nỗ lực cải thiện vốn và cắt giảm chi phí. Tuy nhiên, diễn biến kinh tế chung cùng gánh nặng từ các vụ kiện tụng đã khiến cho cựu Giám đốc tài chính (CFO) của UBS gặp nhiều thách thức.
Hai năm sóng gió và thua lỗ đã trôi qua, các thành viên thị trường vẫn nghi ngờ việc Cryan có thể tiếp tục trấn an các nhà đầu tư và xua tan được không khí ảm đạm tại Deutsche Bank trong năm 2017.
© 2024 | Thời báo ĐỨC