Thêm nhiều người Đức lâm cảnh nợ nần

Ngày càng nhiều người Đức nợ nần quá mức khi những cú sốc trong những năm gần đây dần tác động đến nền kinh tế lớn nhất châu Âu.

1 Them Nhieu Nguoi Duc Lam Canh No Nan

Trong khi trợ cấp hào phóng của chính phủ và những khoản tiết kiệm khổng lồ từ lâu đã giúp ngăn chặn xung đột tài chính, thì việc nhà nước ngừng hỗ trợ và sự xói mòn sức mua liên tục do lạm phát và lãi suất cao đang khiến nhiều hộ gia đình ngày càng phải chịu gánh nặng nợ nần.

Bloomberg đưa tin, theo số liệu của công ty Creditreform, khoảng 5,65 triệu người được xếp vào diện nợ nần quá mức vào năm ngoái - là mức tăng đầu tiên kể từ năm 2019.

Số liệu thống kê chính thức mới nhất cho thấy tình trạng mất khả năng thanh toán đã tăng 12% so với một năm trước vào tháng 2.

Nhiều người tự kinh doanh bị mất thu nhập khi COVID-19 tấn công giờ phải hoàn trả một số khoản viện trợ của chính phủ đã cấp vào thời điểm đó. Một số người làm việc toàn thời gian cho biết công việc của họ được đảm bảo nhưng giờ làm bị cắt giảm, khiến mức lương bị giảm tới 40%. Tăng lương cũng không đủ bù đắp do lạm phát tăng.

Tình hình tương tự cũng đang diễn ra trong khu vực doanh nghiệp, nơi tình trạng mất khả năng thanh toán đạt kỷ lục vào tháng 4 - sau khi các khoản vay giá rẻ của chính phủ giúp doanh nghiệp vượt qua đại dịch.

Steffen Mueller, nhà kinh tế tại Viện nghiên cứu kinh tế Halle cho biết: “Các khoản vay này hiện phải được hoàn trả trong một môi trường khó khăn dai dẳng. Không có gì đáng ngạc nhiên khi điều đó đang tạo gánh nặng cho nhiều công ty yếu hơn”.

Khó nói khi nào điều đó bắt đầu ảnh hưởng đến các hộ gia đình và ảnh hưởng thế nào, vì tình trạng nợ nần quá mức do thất nghiệp chỉ xuất hiện với độ trễ đáng kể. Trong khi đó, thị trường lao động đã tỏ ra có khả năng phục hồi đáng kể trong những năm gần đây.

2 Them Nhieu Nguoi Duc Lam Canh No Nan

Một siêu thị ở Berlin, Đức, ngày 24.5.2024. Ảnh: Xinhua

Patrik-Ludwig Hantzsch, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu kinh tế tại Creditreform cho biết, trong môi trường ngày nay, với chi phí cao dai dẳng do lạm phát, lãi suất cao và giá năng lượng vẫn tương đối cao ở một số khu vực, tình trạng nợ nần còn khó khăn hơn nhiều so với trước đây.

Không chỉ những người có thu nhập thấp nhất hoặc những người hưởng trợ cấp cần được giúp đỡ. Các tổ chức cung cấp hỗ trợ trên toàn quốc báo cáo rằng những người thường được coi là tầng lớp trung lưu cũng ngày càng cần được giúp đỡ.

Roman Schlag, cố vấn nợ ở Aachen và người phát ngôn của hiệp hội toàn quốc các nhà cung cấp dịch vụ tư vấn nợ cho biết: “Ngày càng có nhiều người bị ảnh hưởng bởi nợ nần, những người này trước đây không hoặc hiếm khi là khách hàng của các trung tâm tư vấn nợ. Họ là những người có công việc ổn định, những người tự kinh doanh hoặc thậm chí sở hữu nhà riêng”.

Căn nguyên của tình trạng trên nằm ở đại dịch và xung đột Ukraina. Đại dịch làm đảo lộn tình hình tài chính của nhiều người lao động, trong khi xung đột Ukraina đã biến Đức từ động lực tăng trưởng của châu Âu thành nước tụt hậu nhất do mất nguồn khí đốt Nga giá rẻ và phải thay thế bằng nhiên liệu đắt đỏ hơn.


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày