Thành phố thứ 2 của Đức ''xóa sổ'' xe diesel để bảo vệ môi trường

Kể từ tháng 1/2019, xe diesel đời cũ sẽ bị loại bỏ hoàn toàn khỏi đường phố Stuttgart của Đức, như vậy, đây là thành phố thứ 2 của nước này “xóa sổ” xe chạy bằng siesel.

Với lệnh cấm này, sẽ ảnh hưởng tới gần 200 nghìn xe diesel theo tiêu chuẩn khí thải từ Euro 4 trở xuống lưu thông trong thành phố. Nếu chất lượng không khí tại đây không cải thiện vào giữa năm tới, lệnh cấm sẽ được mở rộng, bao gồm tất cả xe diesel không tuân thủ tiêu chuẩn khí thải Euro 6.

132 1 Thanh Pho Thu 2 Cua Duc Xoa So Xe Diesel De Bao Ve Moi Truong

Như vậy, Stuttgart - quê hương của các thương hiệu ôtô nổi tiếng như Mercedes-Benz và Porsche - là thành phố thứ hai tại Đức quyết định “xóa sổ” xe diesel bị cho là thủ phạm gây ô nhiễm không khí tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Trước đó, Hamburg cũng áp dụng biện pháp tương tự trên hai tuyến đường chính kể từ đầu năm 2018. Tuy nhiên, lệnh cấm ở Stuttgart được đánh giá là “sâu rộng” hơn.

Lệnh cấm trên được Chính phủ Đức đưa ra sau vụ bê bối khí thải của Volkswagen bị phanh phui vào hồi tháng 9/ 2015, Chính phủ Liên bang Đức cũng đã dự kiến sẽ hạn chế lái xe ở các thành phố của nước này do lượng khí thải nitơ tăng cao.

Ngoài Volkswagen, một loạt “ông lớn” khác của Đức cũng bị phát hiện cài đặt phần mềm “gian lận” trên xe diesel nhằm giúp các phương tiện vượt qua các bài thử nghiệm khí thải của cơ quan quản lý.

Sau khi thông báo được đưa ra, quyết định này đã gặp nhiều ý kiến phản đối. Theo tờ Wirtschaftswoche, trong mục lấy ý kiến trình với Thủ tướng và Bộ trưởng Kinh tế Liên bang ngày nay Peter Altmaier (CDU), có một số ý kiến cho rằng lệnh cấm này sẽ gây ra thiệt hại nghiêm trọng đến hình ảnh công nghệ diesel Đức. Trong khi đó đại diện của Volkswagen cho rằng, quyết định này “sẽ đe dọa đến sản xuất ô tô ở Đức và làm cho hàng triệu người lái xe không hài lòng”.

Tuy nhiên, vào năm ngoái, một tòa án ở Đức đã ủng hộ ý kiến cấm xe ô tô sử dụng động cơ diesel tại thành phố Stuttgart. Điều này đã tạo nên "cơn lốc" lớn quét qua các công ty sản xuất xe của một trong những "thủ phủ" ngành ô tô trên thế giới.

Thời gian gần đây, không riêng các thành phố của Đức mà nhiều thành phố khác như Paris (Pháp), Madrid (Tây Ban Nha) hay Athens (Hy Lạp) đều tuyên bố sẽ có biện pháp tương tự vào năm 2025, còn giới chức Copenhagen (Đan Mạch) muốn thực thi ngay từ năm 2019.

P.V (tổng hợp)


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày