Cuộc thăm dò mới nhất của YouGov được tiến hành thay mặt cho Cơ quan báo chí Đức cho thấy, khoảng 42% người Đức sẵn sàng đồng ý việc 35.000 lính Mỹ rút khỏi đất nước họ trong khi chỉ có 37% muốn quân đội Mỹ ở lại Berlin. 21% số người được hỏi còn lại không đưa ra quyết định.
Lính Mỹ hiện diện ở Đức và châu Âu chỉ mang tính biểu tượng chứ không thể ngăn chặn được Liên Xô/Nga
Quân đội Mỹ đã đóng quân tại Tây Đức như một lực lượng an ninh trong Chiến tranh Lạnh. Sau sự sụp đổ của Liên Xô năm 1991, Mỹ đã từ chối rời bỏ căn cứ này dù đất nước Đức đã thống nhất và giữ hàng ngàn binh sĩ ở “trái tim” của châu Âu.
Với những thay đổi liên tục trong liên minh xuyên Đại Tây Dương được xác định bởi quyết tâm của ông Donald Trump trong việc yêu cầu các đồng minh tăng chi tiêu quân sự, chính quyền Mỹ cho biết sẵn sàng giảm quân đội ở Đức.
Tuy nhiên, Thủ tướng Angela Merkel khẳng định, “Đức làm được rất nhiều cho NATO” sau khi ông Trump cáo buộc Berlin bị Nga “kiểm soát”. “Đức là nơi điều quân lớn thứ 2 trong NATO và phần lớn khả năng quân sự của chúng tôi đã dành cho NATO. Cho đến nay, Đức đã tham gia rất tích cực với cuộc chiến ở Afghanistan. Trong đó, quân đội Đức cũng bảo vệ lợi ích của Mỹ”, bà Merkel nói tại hội nghị thượng đỉnh diễn ra tại Brussels.
Ngày 11/7, ông Trump một lần nữa kêu gọi các đồng minh NATO đáp ứng mục tiêu chi tiêu quốc phòng 2% “ngay lập tức” (không phải vào năm 2024, như đã đồng ý trong hội nghị năm 2014), để giúp Mỹ chia sẻ gánh nặng của việc điều hành liên minh quân sự.
“Chúng tôi đang bảo vệ Đức, Pháp. Chúng tôi đang bảo vệ tất cả các quốc gia này và sau đó nhiều quốc gia lại thực hiện thỏa thuận đường ống khí đốt với Nga. Tôi nghĩ điều đó rất không phù hợp”, ông Trump lưu ý tại hội nghị thượng đỉnh và ám chỉ tới việc Berlin đã thống nhất với Moscow về việc thi công đường ống khí đốt Nord Stream 2.
Theo Ngọc Linh / baogiaothong.vn
© 2024 | Thời báo ĐỨC