Tác phẩm nghệ thuật tại Đức sắp đặt bị dỡ bỏ vì vi phạm quyền của… các con ruồi

Một tác phẩm nghệ thuật sắp đặt tại một bảo tàng ở thành phố Wolfsburg, Đức, đã bị dỡ bỏ sau khi tổ chức bảo vệ động vật PETA cáo buộc tác phẩm đã xâm phạm quyền của… các con ruồi.

“A Thousand Years (1990)” là một tác phẩm nghệ thuật sắp đặt được trưng bày tại bảo tàng Kunstmuseum Wolfsburg ở thành phố Wolfsburg, Đức đã bị dỡ bỏ sau khi tổ chức bảo vệ động vật PETA cáo buộc tác phẩm đã xâm phạm quyền của… các con ruồi.

Tác phẩm của nghệ sĩ Damien Hirst được chia làm hai ngăn, với một ngăn đầy những con ruồi đang sinh sống.

Ruồi bị thu hút bởi ánh sáng trong ngăn thứ hai nên sẽ di chuyển sang ngăn này thông qua một cái lỗ. Nhưng khi tiếp xúc với ánh sáng và nhiệt độ cao trong thời gian dài, những con ruồi sẽ chết.

1 Tac Pham Nghe Thuat Tai Duc Sap Dat Bi Do Bo Vi Vi Pham Quyen Cua Cac Con Ruoi

Trước đây, ngăn thứ hai của tác phẩm trưng bày phần đầu của một con bò, thứ thu hút ruồi.

Tác phẩm này nhanh chóng vấp phải sự phản đối của tổ chức bảo vệ động vật PETA, nơi đã gửi đơn kiện lên chính quyền thành phố Wolfsburg. Thành phố sau đó đã đề nghị bảo tàng dỡ bỏ tác phẩm.

Được biết luật Phúc lợi động vật của Đức cấm giết hay làm hại động vật không có lý do chính đáng. Chưa rõ luật có hiệu lực với những động vật như ruồi hay không.

Giám đốc bảo tàng Kunstmuseum Wolfsburg, ông Andreas Beitin tuyên bố: “Chúng tôi nghĩ rằng ruồi không nằm trong phạm vi của luật Phúc lợi động vật”. Ông Peter Höffken, đại diện của PETA Đức, lập tức phản bác: “Giết hại động vật và làm nghệ thuật là hai điều không liên quan tới nhau. Những ai đứng lại để xem tác phẩm đó chỉ đang thể hiện sự kiêu căng trước động vật mà thôi”.

Ông Otmar Böhmer, giám đốc điều hành Kunstmuseum, chia sẻ rằng đang liên hệ với nghệ sĩ Hirst để bàn về việc thay ruồi trong tác phẩm thành ruồi nhân tạo.

Hirst là một trong những nghệ sĩ còn sống có tác phẩm bán chạy nhất. Ông cũng được biết tới với những tác phẩm mang tính khiêu khích lấy cảm hứng từ động vật chết. Vì điều này, ông gặp phải nhiều chỉ trích từ PETA và các tổ chức hoạt động vì quyền động vật.

Trang tin Artnet ước tính vào năm 2017, Hirst đã sử dụng gần 1 triệu động vật chết, hầu hết là côn trùng như bướm và ruồi, trong các tác phẩm của mình.

Nguồn: VnPlus


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày