Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Cuộc bảo trì hàng năm của tuyến đường ống dẫn khí trực tiếp từ Nga sang Đức đã bắt đầu vào ngày 11/7 và dự kiến kết thúc vào ngày 21/7. Tuy nhiên, Berlin đã tính đến chuyện Moscow dùng khí đốt để gây áp lực chính trị - điều mà điện Kremlin đến nay một mực bác bỏ.
Hãng tin Reuters đã nêu một số rủi ro đối với Đức nếu việc Nord Stream 1 dừng hoạt động để bảo trì kéo dài hơn dự kiến, hoặc nếu đường ống này mở cửa trở lại với dòng chảy khí đốt ít hơn trước:
NORD STREAM 1 CÓ TẦM QUAN TRỌNG LỚN THẾ NÀO?
Đây là đường ống lớn nhất dẫn khí đốt Nga tới Đức, vận chuyển 55 tỷ mét khối khí mỗi năm. Trong năm 2021, Đức tiêu thụ 100 tỷ mét khối khí đốt.
Dòng chảy khí đốt Nga đi qua Ba Lan đã bị dừng trong năm nay và đi qua Ukraine đã giảm sút do chiến tranh.
Một nửa số hộ gia đình ở Đức dùng khí đốt để sưởi ấm, nhất là trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 3. Chưa kể , việc Nord Stream 1 bị trì hoãn mở cửa trở lại sẽ phá hỏng kế hoạch của Đức về làm đầy dự trữ khí đốt trước khi bước vào những tháng mùa đông.
Về lý thuyết, dự trữ khí đốt của Đức có thể đáp ứng nhu cầu tiêu thụ cả nước trong khoảng 2 tháng rưỡi. Tuy nhiên, dự trữ này hiện mới đầy 64,4%, còn cách xa mục tiêu đầy 80% trước mốc 1/10.
Trong khi đó, thị trường khí đốt đến từ các nguồn khác đang thắt chặt trên toàn cầu và giá khí đốt khắp nơi đã tăng mạnh từ năm ngoái do nhu cầu tăng mạnh sau đại dịch.
ĐẾN KHI NÀO CHÍNH PHỦ ĐỨC SẼ HẠN CHẾ CẤP KHÍ ĐỐT?
Nếu Đức kích hoạt giai đoạn 3 của một kế hoạch khẩn cấp gồm 3 giai đoạn, Bundesnetzagentur – cơ quan điều tiết mạng lưới khí đốt quốc gia Đức - sẽ thực thi nhiệm vụ đảm bảo rằng khí đốt được phân phối bình đẳng.
Giai đoạn 3 của kế hoạch sẽ được kích hoạt trong trường hợp nhu cầu khí đốt lên cao bất thường hoặc nguồn cung khí đốt bị gián đoạn nghiêm trọng, chẳng hạn trong trường hợp đường ống Nord Stream 1 đóng cửa lâu hơn dự kiến.
Chính phủ Đức đã kích hoạt giai đoạn 2 của kế hoạch này hôm 23/6, sau khi lượng khí đốt chảy qua Nord Stream 1 giảm còn 40% công suất của đường ống.
NHỮNG LĨNH VỰC NÀO ĐỐI MẶT RỦI RO CAO NHẤT?
Các nhà sản xuất hoá chất, thép, kính và giấy là những ngành tiêu thụ khí đốt hàng đầu ở Đức, nhưng ảnh hưởng sẽ lan rộng tới cả những ngành như thực phẩm và gốm sứ. Ngành nhôm, với doanh thu hàng năm 22 tỷ Euro và 60.000 lao động, cũng phụ thuộc vào khí đốt để luyện và tái chế nhôm.
Trong ngành giấy, với doanh thu hàng năm 15,5 tỷ Euro và 40.000 lao động, các công ty cho biết giấy và bìa là những sản phẩm rất quan trọng đối với thực phẩm, thuốc men và vệ sinh vì được dùng làm bao bì.
CÁC DOANH NGHIỆP Ở ĐỨC ĐANG LÀM GÌ?
Uniper, doanh nghiệp nhập khẩu khí đốt lớn nhất của Đức, đã đề nghị Chính phủ giải cứu. Một số nguồn tin nói rằng vụ giải cứu này có thể tiêu tốn tới 9 tỷ USD, và các công ty khí đốt khác của Đức có thể sẽ đưa ra lời cầu cứu tương tự.
Hãng thép hàng đầu của Đức Thyssenkrupp đang lên kế hoạch cho trường hợp nguồn cung khí đốt gián đoạn, vì dùng dầu hoặc than thay cho khí đốt là điều không thể đối với hãng này. Nếu bị từ chối cung cấp khí đốt ở mức độ tối thiểu nhất định, các nhà máy của Thyssenkrupp có thể phải đóng cửa và thiệt hại kỹ thuật rất khó đo đếm.
Giảm cung cấp khí đốt cho các nhà máy nhôm dù chỉ 30% cũng đồng nghĩa với một nửa trong số các nhà máy này phải tạm ngừng hoạt động – theo tổ chức hiệp hội ngành nhôm Đức Aluminum Deutscheland. Những hãng nhôm lớn của nước này có Hydro Aluminum, Speira và Trimet.
Hãng hoá chất khổng lồ BASF cần có nguồn cung khí đốt duy trì ở mức khoảng 50% nhu cầu tối đa. Nếu dòng chảy khí đốt Nga bị cắt lâu hơn dự kiến, hãng này sẽ phải kích hoạt một kế hoạch khẩn cấp toàn công ty.
Các công ty giấy hàng đầu của Đức gồm Stora Enso, UPM và Mitsubishi Hitec Paper Europe cũng đều đang trong tình trạng như “ngồi trên đống lửa” vì nguồn cung khí đốt có thể bị cắt đứt bất kỳ lúc nào.
ĐIỀU GÌ CÓ THỂ XẢY RA VỚI NỀN KINH TẾ ĐỨC?
Trong dự báo u ám nhất tính đến thời điểm này, Hiệp hội công nghiệp VBW của bang Bavaria cho rằng nền kinh tế Đức có thể mất 12,7% sản lượng trong nửa sau của năm nay nếu nước này bị Nga cắt khí đốt hoàn toàn.
Thiệt hại này tương đương giá trị 193 tỷ Euro, tương đương hơn 204 tỷ Euro. Ngoài ra, khoảng 5,6 triệu công việc của người lao động Đức sẽ bị ảnh hưởng.
RỦI RO XÃ HỘI-CHÍNH TRỊ LÀ GÌ?
Sự bất mãn của dân chúng về vấn đề khí đốt có thể mang lại một cú huých cho các đảng dân tuý thuộc các phái cực hữu và cực tả trên chính trường Đức, cản trở cuộc thảo luận hợp lý để tìm ra giải pháp cho vấn đề. Berlin đã thông qua một dự luật để ngỏ các lựa chọn đẩy giá khí đốt tăng cao trực tiếp về phía người tiêu dùng, hoặc phân bổ sự tăng giá đó rộng hơn giữa các đối tượng sử dụng khí đốt.
© 2024 | Thời báo ĐỨC