Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, nghiên cứu của công ty tư vấn Falkensteg công bố mới đây cho thấy, trong năm 2023, gần 15.000 doanh nghiệp ở Đức đã phải nộp đơn xin phá sản, tăng 26% so với năm 2022.
Công ty bảo hiểm tín dụng Allianz Trade cho biết số doanh nghiệp mất khả năng thanh toán ở Đức cao hơn mức trung bình toàn cầu.
Falkensteg dự báo số doanh nghiệp phá sản ở Đức dự báo sẽ tăng 30% trong năm 2024. Chuyên gia kinh tế Jonas Eckhardt cảnh báo tác động của các cuộc khủng hoảng trong năm 2023 sẽ trở nên rõ nét hơn trong năm 2024, dẫn đến tình trạng mất khả năng thanh toán của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là trong các ngành như bán lẻ, thời trang, chăm sóc sức khỏe, bất động sản và xây dựng.
Doanh nghiệp ở một số ngành khác như dịch vụ ăn uống, cung cấp phụ tùng ôtô, cơ khí... cũng đối mặt với nguy cơ cao bị phá sản.
Ngành kinh doanh thời trang chịu ảnh hưởng đặc biệt nặng nề trong năm qua. Nghiên cứu của Falkensteg cho thấy số vụ vỡ nợ trong ngành này tăng tới 173% so với năm 2022, trong đó có những doanh nghiệp lớn như Ahlers và Peter Hahn.
Nguyên nhân chính là do người tiêu dùng ngày càng thắt chặt chi tiêu cho các sản phẩm thời trang, đồng thời các doanh nghiệp cũng phải gánh chịu chi phí cao hơn.
Trong lĩnh vực xây dựng, năm 2023 cũng là năm hết sức khó khăn khi số vụ phá sản tăng cao. Tuy nhiên, các nhà tài chính bất động sản cảnh báo rằng năm 2024 mới là năm đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng bất động sản.
Nguy cơ phá sản cũng tăng cao trong ngành cung cấp dịch vụ ăn uống. Hơn 75% số doanh nghiệp trong ngành này cho rằng số lượng khách sẽ giảm mạnh trong năm nay, trong khi 85% cho rằng khách hàng sẽ ngày càng tiết kiệm chi tiêu hơn.
Hiệp hội ngành cung cấp dịch vụ ăn uống đã cảnh báo về những tổn thất nghiêm trọng của các doanh nghiệp, cũng như tình trạng đóng cửa hoạt động gia tăng trong năm nay./.
(TTXVN/Vietnam+)
© 2024 | Thời báo ĐỨC