Pháp thâm hụt thương mại sâu, Đức thặng dư kỷ lục

Nước Pháp ghi nhận thâm hụt thương mại kỷ lục trong nửa đầu năm 2017 trong khi tình hình lại trái ngược hoàn toàn bên phía Đức.

 

Số liệu được Hải quan Pháp công bố hôm 8/8 là một tin không tốt lành đối với nền kinh tế Pháp: trong tháng 6/2017, thâm hụt thương mại của Pháp đạt mức 4,7 tỷ euro và tính cả 6 tháng đầu năm 2017, thâm hụt thương mại của nước này đã đạt mức kỷ lục là 34,4 tỷ euro, tăng hơn 11 tỷ euro so với cùng kỳ năm 2016.

Đây được coi là một cảnh báo nghiêm túc đối với thực trạng của nền kinh tế Pháp, đặc biệt là đối với khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Pháp trên thị trường quốc tế, bởi tình trạng thâm hụt thương mại này đã diễn ra liên tiếp trong nhiều năm qua và ngày càng có xu hướng nghiêm trọng hơn.

Theo Quốc vụ khanh phụ trách vấn đề ngoại thương của Pháp Jean-Baptiste Lemoyne, nguyên nhân trực tiếp của tình trạng thâm hụt hiện nay là trong thời gian qua, nhu cầu tiêu dùng trong nước Pháp tăng cao khiến nhập khẩu tăng.

Tuy nhiên, nguyên nhân cốt lõi là do các doanh nghiệp Pháp trong lĩnh vực xuất khẩu ngày càng mất đi tính cạnh tranh so với các đối thủ khác tại châu Âu.

Nước Pháp hiện chỉ có 120.000 doanh nghiệp xuất khẩu, ít hơn nhiều con số 240.000 doanh nghiệp ở Italia hay 300.000 doanh nghiệp ở Đức.

Không chỉ ít hơn về số lượng, các doanh nghiệp Pháp còn thiếu tính cạnh tranh so với đối thủ do bị nhiều ràng buộc liên quan đến việc sử dụng lao động, khiến chi phí sản xuất tăng cao.

Trong khi đó, tình hình lại hoàn toàn trái ngược bên phía Đức. Số liệu được Cơ quan thống kê liên bang Đức, Destatis công bố cũng trong ngày hôm qua, 8/8, ghi nhận các con số kỷ lục về thặng dư thương mại cho nước Đức.

brandenburg gate 928816 640

Cụ thể, chỉ riêng trong tháng 6/2017, thặng dư thương mại của Đức đã đạt con số 21,2 tỷ euro và tính trong 6 tháng đầu năm 2017, nước Đức đã đạt 122,5 tỷ euro thặng dư thương mại. Với tốc độ hiện nay, nhiều khả năng trong năm 2017, nước Đức sẽ vượt qua con số kỷ lục 250 tỷ euro về thặng dư thương mại của năm 2016.

Tuy nhiên, vấn đề đối với Đức là thành tích ngoại thương quá ấn tượng này lại đang trở thành một trong các chủ đề khiến chính phủ của nữ Thủ tướng Angela Merkel phải nhận nhiều chỉ trích từ các đối tác nước ngoài cũng như từ các đảng đối lập trong nước.

Nhiều nước châu Âu như Anh, Italy hay Tây Ban Nha cho rằng chính phủ Đức đang duy trì một chính sách hỗ trợ xuất khẩu quá thiên lệch gây tổn hại cho các đối tác thương mại.

Tổng thống Mỹ Donald Trump, khi tham dự Thượng đỉnh G7 hồi tháng 5, cũng tuyên bố việc nước Mỹ phải gánh chịu thâm hụt thương mại quá lớn với Đức là điều cần phải nhanh chóng thay đổi.

Trong khi đó, các đảng phái đối lập tại Đức lại chỉ trích chính quyền của bà Merkel mặc dù thu được nguồn lợi rất lớn từ xuất khẩu nhưng lại quá ít chi ra cho đầu tư công.

Martin Schulz, ứng cử viên của đảng Dân chủ xã hội Đức, SPD và là đối thủ chính của bà Merkel trong cuộc tổng tuyển cử Liên bang diễn ra vào tháng 9 tới, tuyên bố với thặng dư thương mại lớn như hiện nay, “nước Đức cần phải đặt ra một mức đầu tư công tối thiểu” và không cần phải quá lo sợ việc thâm hụt ngân sách.

Ý kiến này nhận được sự đồng tình của đa số dân chúng Đức. Trong một cuộc thăm dò dư luận do Viện Civey tổ chức hồi giữa tháng 7, có đến 86% dân chúng Đức nhận định rằng chính phủ liên bang chi tiêu quá ít cho đầu tư công, trong khi hạ tầng cơ sở, nhất là hạ tầng giao thông ở Đức đang xuống cấp nhanh chóng.

Đứng trước lo ngại vấn đề số tiền từ thặng dư thương mại mang lại không được dùng cho đầu tư công có thể bị các đối thủ chính trị sử dụng để tấn công trong cuộc bầu cử tới, bà Angela Merkel mới đây đã phải nhanh chóng tuyên bố, chính phủ Đức sẽ tiếp tục nâng mức đầu tư công hàng năm, từ mức 36,4 tỷ euro năm 2017 lên trên 40 tỷ euro vào năm tới.

 

Theo Quang Dũng / VOV.vn

 


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày