Khi Heidi Moritz đứng bên cửa sổ, nhìn ra vùng biển xám rộng lớn kéo dài tới tận chân trời, bà không thể nhìn thấy những vũng xoáy khí metan khổng lồ đang sủi bọt ngoài khơi xa, do vụ rò rỉ đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1 và Nord Stream 2.
Tuy nhiên, bà biết rõ điều đó đang xảy ra.
“Thật kinh hoàng. Điều này giống như cuộc xung đột đang đến trước cửa nhà. Khi nào nó mới kết thúc?”, bà Moritz, 74 tuổi, chủ một khách sạn ở thị trấn Lubmin, nằm trên bờ biển phía bắc nước Đức, nơi có liên hệ chặt chẽ với số phận của hai đường ống dẫn khí đốt, chia sẻ.
7 tháng sau khi Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine, các vụ nổ dưới đáy biển làm hư hại hai đường ống dẫn khí đốt chính của Nga cho Đức và phần lớn châu Âu, đang khiến người dân trên lục địa già ngày càng bất an, theo New York Times.
Mùa đông tràn ngập thách thức
Khu vực bị rò rỉ khí ở đường ống Nord Stream tại Đan Mạch. Ảnh: Bloomberg.
Thị trấn Lubmin, nơi có cả hai đường ống dẫn khí đốt trực tiếp từ Nga, từng là biểu tượng của an ninh năng lượng.
Nord Stream 1 từng vận chuyển gần 60 tỷ m3 khí đốt tự nhiên mỗi năm cho châu Âu. Và Nord Stream 2 được xây dựng để tăng mức lưu lượng này.
Các đường ống này đã trở thành hiện thân cho sự phụ thuộc của châu Âu vào khí đốt Nga, cũng như nỗ lực tự “cai nghiện” khí đốt của lục địa này.
Trước khi sự cố rò rỉ xảy ra, châu Âu vốn đã đối mặt với một mùa đông tràn ngập thách thức về nguồn năng lượng và giá cả, đe dọa sự ổn định hầu như chưa thể phục hồi sau đại dịch Covid-19.
Suốt nhiều tháng, các nhà lãnh đạo châu Âu cố gắng lấp đầy các cơ sở dự trữ khí đốt. Một số quốc gia cũng áp dụng giới hạn giá để bảo vệ người dân và doanh nghiệp khỏi chi phí năng lượng tăng cao.
Tuy nhiên, vụ rò rỉ gần đây ở ngoài khơi khu vực Tây Âu đang khiến mối đe dọa ngày càng tăng.
Tuần trước, Đan Mạch và Thụy Điển cho biết những vụ nổ “có chủ đích” đã khiến đường ống Nord Stream 1 và 2 bị rò rỉ khí đốt. Hai nước cho biết những vụ nổ có sức công phá tương đương hàng trăm kg thuốc nổ, theo Reuters.
Sự cố này là một lời nhắc nhở về tính bất định của một cuộc xung đột đã diễn ra trên nhiều mặt trận. Và theo nhận thức của nhiều người Đức, nó đang dần tiến gần hơn tới cuộc sống của họ.
“Xung đột đã đến gần và mọi người cảm thấy rất dễ bị tổn thương. Đây là lần đầu tiên những đường ống này bị tấn công ở châu Âu. Chúng tôi đã chứng kiến những cuộc tấn công tương tự ở Trung Đông, nhưng chúng chưa bao giờ xuất hiện ở châu Âu”, Matthias Quent, giáo sư xã hội học tại Đại học Khoa học Ứng dụng Magdeburg, cho biết.
Trong khi đó, các quan chức và giới phân tích cho rằng câu hỏi lớn đặt ra là liệu sự ủng hộ của người dân châu Âu đối với Ukraine và các lệnh trừng phạt của phương Tây có nguy cơ suy yếu hay không.
“Nỗi sợ hãi càng lớn, càng có nhiều rạn nứt xuất hiện. Nhiều người (châu Âu) cho rằng họ đang tự hy sinh sự thịnh vượng vì cuộc xung đột này. Mọi người đổ lỗi giá năng lượng cao cho các lệnh trừng phạt. Ngay cả tình đoàn kết với những người tị nạn Ukraine cũng có vẻ suy giảm hơn”, ông Quent nói.
Tại Đức, Thủ tướng Olaf Scholz đã thừa nhận áp lực này khi công bố chương trình giới hạn giá khí đốt và điện trị giá 200 tỷ USD, vào ngày 29/9, theo Politico.
“Chúng tôi sẽ không áp dụng các biện pháp trừng phạt gây tổn hại cho chúng tôi nhiều hơn những quốc gia khác”, ông Scholz nói trong một cuộc phỏng vấn vào tuần trước.
Hằn sâu những rạn nứt
Một số cuộc thăm dò bắt đầu ghi nhận sự thay đổi thái độ của người dân châu Âu.
Sau khi Nga tuyên bố tổng động viên một phần lực lượng và đề cập đến vũ khí hạt nhân, cuộc xung đột đã trở thành một trong những mối quan tâm hàng đầu của người Đức, sau vài tháng hạ nhiệt.
Dù 3/4 người Đức nói rằng chính phủ của họ nên tiếp tục hỗ trợ Ukraine bất chấp giá năng lượng tăng, chỉ 1/4 tin rằng Ukraine có thể đẩy lùi quân đội Nga. Và chỉ 4/10 người đặt niềm tin vào khả năng chiến thắng của Ukraine.
Trong khi đó, các cuộc biểu tình phản đối tăng giá năng lượng và việc áp đặt lệnh trừng phạt Nga đang ngày càng gia tăng về số lượng và quy mô trên khắp châu Âu.
Tuần trước, hàng chục nghìn người đã tập trung tại Praha, thủ đô Cộng hòa Czech, để tham gia cuộc biểu tình phản đối tăng giá năng lượng thứ hai chỉ trong một tháng. Và ở Đông Đức, hàng nghìn người cũng xuống phố tuần hành.
Theo một cuộc thăm dò được thực hiện vào tháng trước, 1/3 dân số khu vực này muốn bỏ mọi lệnh trừng phạt với Nga, gấp đôi so với ở khu vực Tây Đức.
Tại thị trấn Lubmin, khoảng 4.000 người biểu tình đã tụ tập vào ngày 2/10, với các biểu ngữ yêu cầu “chấm dứt biện pháp trừng phạt Nga” và “mở lại” đường ống Nord Stream 2.
Có rất ít người tị nạn từ Ukraine đến Lubmin, nhưng trong các siêu thị và trên xe buýt, người dân địa phương không ngừng bàn tán về “điện thoại di động đắt tiền” và “quần áo hàng hiệu” mà họ mang theo.
Bà Moritz, người cùng con gái điều hành khách sạn ven biển duy nhất trong thị trấn, không tham gia cuộc biểu tình nhưng nói rằng bà cảm thông với họ.
Giống như hầu hết người dân ở đây, bà Moritz muốn dòng khí đốt từ Nga tiếp tục chảy và phản đối việc chuyển giao vũ khí cho Ukraine, vì cho rằng động thái này chỉ khiến xung đột kéo dài thêm.
“Họ nói rằng họ đang bảo vệ sự tự do của chúng tôi ở Ukraine”, bà nói. “Ai tin được điều đó? Đây không phải là cuộc xung đột của chúng tôi. Chúng tôi chỉ là con tốt”.
Trước khi chiến sự nổ ra, bà Moritz có kế hoạch mở rộng khách sạn của mình. Giờ đây, bà thậm chí có thể phải đóng cửa cơ sở này.
Chi phí sưởi ấm tăng cao có thể cản trở việc thuê phòng vào mùa đông. Nhà cung cấp đồ uống cho khách sạn của bà cũng đang lo sợ vỡ nợ vì giá xăng tăng cao. Trong khi đó, thợ làm bánh ở các thị trấn xung quanh đều lo lắng sẽ không thể sống sót qua mùa đông.
“Chúng tôi dường như đang bước vào một thời kỳ thực sự đen tối, và mọi người sẽ không im lặng”, một tài xế taxi từ thị trấn gần đó, tên Sunny, chia sẻ. “Tình trạng bất ổn sẽ ngày càng gia tăng”.
Hai đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1 và Nord Stream 2 đều đi qua Lubmin. Ảnh: New York Times.
Trong khi đó, Marco Hanke, chủ một doanh nghiệp gia đình nhỏ về hệ thống sưởi và đường ống nước ở Lubmin, cho biết số đơn đặt hàng máy bơm nhiệt tăng cao khi mọi người lo lắng về tình trạng thiếu khí đốt. Song ông không thể đáp ứng đủ nhu cầu vì thiếu nguồn cung.
Giống như những cư dân khác, ông Hanke cũng đổ lỗi cho các lệnh trừng phạt nhắm vào Nga.
“Chúng tôi có cảm giác những người áp đặt lệnh trừng phạt bị ảnh hưởng nặng nề hơn so với quốc gia mục tiêu”, ông nói.
Và những vụ rò rỉ gần đây càng khiến “tình hình trở nên nghiêm trọng hơn”. Ông Hanke đã hy vọng dòng khí đốt từ Nga sẽ sớm trở lại, nhưng khả năng này ngày càng suy giảm.
Và người dân Lubmin đang trở thành một biểu tượng về sự bấp bênh của châu Âu.
“Khi nói chuyện với bất kỳ ai ở đây, những gì chúng tôi cảm nhận được là nỗi sợ hãi trần trụi”, bà Moritz chia sẻ.
Nguồn: ZingNews
© 2024 | Thời báo ĐỨC