Những “bông hồng quyền lực” trên chính trường thế giới

Ở vị trí số 1 là Thủ tướng Đức Angela Merkel, người giữ vững vị trí này trong 4 nhiệm kỳ liên tiếp sau khi chiến thắng trong cuộc tranh cử quyết liệt năm nay.

Đến năm 2017, thế giới đã chứng kiến sự “lên ngôi” của các nhà lãnh đạo nữ. Trong đó, có một số nguyên thủ nữ đã và đang đưa ra những quyết định có thể ảnh hưởng đến tình hình kinh tế, chính trị thế giới.

1. Thủ tướng Đức Angela Merkel

Những “bông hồng quyền lực” trên chính trường thế giới - 0

Thủ tướng Đức Angela Merkel

Nắm chức vụ Thủ tướng từ năm 2005, bà Merkel đang cố giữ cho Liên minh châu Âu (EU) nguyên vẹn và ngăn chặn ảnh hưởng ngày càng gia tăng của đảng Cực hữu. Quyền lực của bà Merkel vẫn vững chắc nhờ tỷ lệ thất nghiệp thấp và tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế Đức, với GDP đạt 3,5 nghìn tỷ USD năm 2016. Hiện nay, Đức là nền kinh tế lớn thứ tư thế giới về GDP và lớn nhất trong số các nước có nguyên thủ là nữ giới.

“Bà Merkel mang đến một sự lãnh đạo ổn định và phi ý thức hệ. Xã hội Đức đã cởi mở và thoải mái hơn dưới sự lãnh đạo của bà ấy”, ông Matthias Wissmann, người từng làm việc cùng bà Merkel trong nội các của cố Thủ tướng Đức Helmut Kohl, nói và chia sẻ, nếu bạn hỏi tôi rằng đức tin chủ yếu của bà Angela là gì, thì tôi chỉ có thể trả lời: Hãy để chúng tôi được tự do. Điều này có nghĩa là, tự do từ chuyện hoàn cảnh của một con người đến vấn đề thương mại của một quốc gia. Và đó cũng chính là “kim chỉ nam” của vị nữ Thủ tướng Đức trong quan hệ với các nền kinh tế lớn trên thế giới.

2. Thủ tướng Anh Theresa May

Những “bông hồng quyền lực” trên chính trường thế giới - 1

Thủ tướng Anh Theresa May

Đứng ở vị trí thứ 2 trong danh sách là bà Theresa May, Thủ tướng của Vương quốc Anh, một nhà chính trị đảng Bảo thủ, người đã nhậm chức sau khi người Anh bỏ phiếu ủng hộ rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) và khiến Thủ tướng Anh khi đó là David Cameron phải từ chức vào tháng 6 năm 2016. Bà May là nữ thủ tướng thứ 2 của Anh sau bà Margaret Thatcher. Giờ đây, bà May phải lãnh đạo một chính phủ liên minh chia rẽ và chèo lái đất nước đi qua quá trình Brexit cho tới năm 2019.

Báo chí thế giới và giới chuyên gia nhận định, Bà Theresa May là một người phụ nữ mạnh mẽ và quyết đoán. Đây cũng là người phụ nữ đấu tranh mạnh mẽ cho nữ quyền. “Bạn không thể chỉ nghĩ cho mình. Điều quan trọng là hãy nghĩ cho những người khác”, bà May từng chia sẻ với một tờ báo Anh về con đường chính trị của mình.

Tờ Finacial Times đã nhận xét bà là một người theo chủ nghĩa bảo thủ tự do và so sánh bà với Thủ tướng Đức Angela Merkel. Đây cũng chính là những hình mẫu nữ chính trị gia có phong cách làm việc cứng rắn của châu Âu hiện nay.

3. Nữ lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn

Những “bông hồng quyền lực” trên chính trường thế giới - 2

Nữ lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn

Một trong những đại diện đến từ châu Á là bà Thái Anh Văn, người trở thành nhà lãnh đạo nữ đầu tiên của Đài Loan sau khi đắc cử vào tháng 1 năm 2016 với một chiến thắng áp đảo – số phiếu bầu cho bà gấp đôi số phiếu của đối thủ. Nhà lãnh đạo sinh ra ở Đài Loan không thuộc một gia đình có truyền thống chính trị, và bắt đầu sự nghiệp của mình như là một giáo sư, chứ không phải một chính trị gia. Bà Thái là một thành viên của Đảng Dân chủ Tiến bộ, ủng hộ nền độc lập của Đài Loan, và từ lâu đã có quan điểm ủng hộ người nghèo, phụ nữ và cộng đồng giới tính thứ ba.

Bà Thái Anh Văn bày tỏ bản thân rất hâm mộ hai nữ chính trị gia nổi tiếng của phương Tây là cựu Thủ tướng Anh Margaret Thatcher và Thủ tướng Đức Angela Merkel, đồng thời cho biết một phần tính cách của bà cũng chịu sự ảnh hưởng từ hai người phụ nữ quyền lực này. Báo chí Đài Loan đánh giá bà Thái có phong thái bình dị, thông minh và chân thành, một tuýp người phụ nữ châu Á điển hình. Mặc dù vậy, bằng kinh nghiệm nhiều năm làm nhà thương thuyết trong các cuộc đàm phán quốc tế, bà Thái là người có kỹ năng thương thuyết bậc thầy, luôn suy nghĩ cẩn trọng, không bao giờ hành động bộc phát.

Một cựu quan chức Cơ quan Kinh tế Đài Loan cho biết bà Thái rất giàu kinh nghiệm trong việc dung hòa quan hệ với Trung Quốc, luôn tư duy và hành động với phong cách của một nhà thương thuyết.

4. Tổng thống Chile Michelle Bachelet

Những “bông hồng quyền lực” trên chính trường thế giới - 3

Tổng thống Chile Michelle Bachelet. Nguồn: Bloomberg

Tổng thống Chile Michelle Bachelet đứng ở vị trí thứ 4 và là đại diện duy nhất của châu Mỹ. Bà Bachelet là phụ nữ đầu tiên lãnh đạo Chile. Cách bà bước vào giới chính trị là một điều không may, vì cả bà và cha bà đều bị tra tấn và lưu vong dưới chế độ độc tài của Augusto Pinochet. Bà Bachelet đã tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ đầu tiên của mình vào năm 2006, và nhận được nhiều lời khen ngợi, đặc biệt nhờ cách bà giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008. Bên cạnh đó, bà cũng là một bác sĩ nhi khoa.

Với những chính sách hướng tới người dân và tiếp tục tăng cường sức mạnh kinh tế thương mại của Chile, Tổng thống Michelle Bachelet rất được công chúng ngưỡng mộ, trở thành nhà lãnh đạo nổi tiếng khắp Chile và cả khu vực Nam Mỹ. Bà Michelle Bachelet là vị Tổng thống thể hiện mình là người đại diện cho nữ quyền và cũng là một nữ lãnh đạo rất quyết đoán trong suốt những nhiệm kỳ của mình.

5. Aung San Suu Kyi – Cố vấn Nhà nước Myanmar

Những “bông hồng quyền lực” trên chính trường thế giới - 4

Cố vấn nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi

Bà Aung San Suu Kyi, Cố vấn Nhà nước Myanmar đã đảm nhiệm vai trò lãnh đạo phe đối lập chống lại nhà độc tài Myanmar, Tướng Ne Win. Bà đã lãnh đạo một phong trào hoà bình vì dân chủ và nhân quyền. Bà đã làm việc để phổ biến nền dân chủ trên khắp đất nước và thành lập Đảng Liên minh Quốc gia về Dân chủ. Nhưng vào năm 1989, bà bị quản thúc tại gia trong 15 năm để không cho bà liên lạc với thế giới bên ngoài.

Bà đã nhận được giải Nobel Hoà bình năm 1991 và thoát khỏi sự quản thúc vào năm 2010. Chủ tịch ủy ban trao giải gọi bà là “một ví dụ nổi bật về sức mạnh của những người không có quyền hành”. Đến nay, bà vẫn tiếp tục đấu tranh cho nền dân chủ của Myanmar.

Ngoài ra, danh sách còn điểm tên một số nhân vật khác như bà Hillary Clinton, xếp vị trí thứ 20 trong danh sách những người phụ nữ quyền lực sau khi thất bại trước Donald J. Trump. Cuộc bầu cử năm 2016 kết thúc khiến Mỹ là một trong số ít những nền dân chủ hàng đầu thế giới chưa có một nữ lãnh đạo nào trong lịch sử. Bà Clinton bây giờ đã lui về hậu trường, nơi bà đang xây dựng nhóm hành động chính trị cấp tiến của mình, Onward Together, để tìm kiếm và đào tạo những ứng viên tổng thống tương lai.

Những nữ lãnh đạo quyền lực khác trên thế giới cũng bao gồm Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern, 37 tuổi, nữ lãnh đạo trẻ nhất thế giới và bà Kersti Kaljulaid, 47 tuổi, người được bầu làm Tổng thống Estonia, nơi bà đang giúp dẫn dắt cuộc cách mạng kỹ thuật số.

Có thể thấy, điểm chung của các bóng hồng trên chính trường quốc tế là sự tự tin, niềm đam mê, quyết đoán và một chút dấn thân. Họ đều phải trải qua khó khăn và trở ngại trên con đường dẫn tới thành công của họ. Khi đối mặt với một vấn đề, họ phát huy năng lực, sự kiên trì, và ý chí mạnh mẽ không chỉ cho sự sống còn của bản thân họ mà còn cho rất nhiều những người khác.

Nguồn: enternews.vn


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày