Trung Quốc quan tâm đến Đức vì nhiều lý do: vì Đức là đối tác thương mại hàng đầu của TQ ở châu Âu với cán cân thương mại hai chiều đạt mức 100 tỷ USD.
vì ở Đức có công nghệ cao mà TQ đang cần cho chiến lược „hiện đại hóa“ lần xxx với tham vọng đến năm 2025 xóa hẳn „danh hiệu“ là công xưởng sản xuất hàng rẻ tiền của thế giới mà trở thành nước có nền công nghệ cao, vì người Trung hoa muốn học tập những đức tốt đẹp của người Đức trong quản trị doanh nghiệp, vân vân và vân vân.
Mặt khác họ lại nhiều tiền mặt !
Người TQ đi du lịch cũng vậy. Họ thích nhất là đi mua sắm hàng „xịn“, „hàng hiệu“, từ dao kéo hiệu Sollinger (Zwilling), nồi niêu xoong chảo hiệu WMF, valy túi sách Samsonite, dầu gội đầu Schwarzkopf, đến sữa bột cho trẻ con v.v.
Họ đầu tư cũng nhiều. Năm 2016 doanh nghiệp TQ (kể cả Hồng Kông) đầu tư, thành lập 58 doanh nghiệp tại Đức với số vốn là 11 tỷ euro (tăng gấp đôi so với 6 năm trước), đưa Trung Quốc trở thành nước đầu tư lớn thứ tư ở Đức, sau Mỹ, Thụy sĩ và Pháp.
Vụ mua bán om sòm nhất hiện nay ở Đức là Công ty mẹ của nhà sản xuất ô tô Đức Opel, tập đoàn General Motors, đang muốn chuyển nhượng Opel cho Peugeuot của Pháp. Nhưng người đắc lợi đứng đằng sau lại là Công ty „Dongfeng“ của Trung Quốc.
Lĩnh vực mà họ quan tâm hiện nay đang là các nhà băng Đức.
Tập đoàn hỗn hợp HNA của TQ mua 3% cổ phần của Ngân hàng lớn nhất (Deutsche Bank) và người TQ cũng quan tâm đến các nhà băng khác như HSH Nordbank và IKB. Có nhiều khả năng Postbank cũng sẽ rơi vào tay TQ. Năm 2008 khi nhà băng Dresdner Bank được mang ra chào bán, Ngân hàng phát triển TQ (CDB) cũng đã nhòm ngó, trả cao hơn cả Commerzbank nhưng rốt cuộc vì „lý do nào đó“ (từ Berlin) nhà băng lớn thứ ba của Đức này sát nhập với Commerzbank và ở lại trong tay người Đức.
Nhà băng tư nhân Frankfurter Privatbank Hauck&Aufhäuser (H&K) trước thuộc nhóm doanh nghiệp và nhà giầu Đức nay đã rơi vào tay TQ (Fosun International) với 99,91% cổ phần. Fosun International còn muốn thâu tóm cả ngân hàng liên doanh Đức- Anh BHF Kleinwort Benson nhưng không được nên đã bán 28,6% cổ phần cho ngân hàng tư nhân Pháp Oddo.
Trước sức ép kinh doanh nhiều nhà băng Đức cũng đứng trước nguy cơ phải bán nhiều cổ phần ra bên ngoài, trong đó có HSH Nordbank, IKB, HyproVereinsbank (HVB). Đây là cơ hội béo bở cho những nhà đầu cơ đến từ TQ.
Một trong những lý do giải thích cho hiện tượng này là muốn thâu tóm doanh nghiệp công nghệ cao hay mua công nghệ nguồn của Đức, doanh nghiệp TQ cần những khoản tiền rất lớn. Nhưng thủ tục chuyển tiền từ trong nước ra nước ngoài phải thông qua Chính phủ TQ và thường mất nhiều thời gian. Việc „có sẵn“ ngân hàng của mình ở Đức giúp họ tiến hành thuận lợi những phi vụ như vậy./.
Nguyễn Hữu Tráng – Tham tán công sứ ĐSQ VN tại Đức.
© 2024 | Thời báo ĐỨC